Khi sinh viên làm thêm...

11/12/2018 - 08:52

Theo một số chuyên gia, khi lựa chọn công việc làm thêm, các bạn sinh viên nên cố gắng tìm đến những nhóm công việc liên quan đến lĩnh vực mà mình đang theo học. Việc làm thêm phù hợp với chuyên ngành đang theo học sẽ đem lại cho các bạn những kĩ năng trải nghiệm, bài học bổ ích sau khi ra trường.

Sinh viên mong muốn tìm việc làm thêm phù hợp đã trở thành xu hướng chung trong những năm gần đây. Đi làm thêm, sinh viên không chỉ tích lũy được những kinh nghiệm bổ ích mà còn tạo ra một khoản thu nhập để trang trải cuộc sống.

Song song với việc học tập trên giảng đường, hiện nay đa số sinh viên đều cố gắng tìm kiếm cho mình một công việc làm thêm phù hợp. Không khó để bắt gặp hình cảnh các bạn sinh viên phục vụ tại các quán ăn hay phụ pha chế đồ uống tại các cửa hàng...

Cùng với đó, sinh viên có thể tận dụng những khoảng thời gian rảnh rỗi để tham gia nhiều việc làm thêm khác nhau như: Bán hàng thời trang, làm gia sư, giao hàng thuê… Có thêm thu nhập là điều đầu tiên các bạn sinh viên nhận được khi tham gia các công việc làm thêm. Mức thu nhập này cao hay thấp tùy thuộc vào tính chất công việc làm thêm của các bạn sinh viên: Công việc làm toàn bộ thời gian, theo giờ (full - time job) sẽ có thu nhập cao hơn là các công việc làm vào thời gian rảnh (part -time job).

Các bạn sinh viên nên cân đối giữa thời gian làm thêm với thời gian đi học để tránh ảnh hưởng đến kết quả học tập ở trường (Ảnh: NM)

Qua khảo sát thực tế, hiện nay, các sinh viên đi làm thêm theo giờ thường có mức thu nhập trung bình vào khoảng 15.000 - 20.000 đồng/tiếng. Với số tiền này, các bạn sinh viên có thể tự túc được một phần chi phí ăn uống, sinh hoạt của bản thân; giúp giảm bớt gánh nặng cho gia đình.

Cùng với đó, cơ bản những công việc làm thêm dù ít hay nhiều cũng đều mang lại cho các bạn sinh viên những kinh nghiệm, kỹ năng cần thiết cho quá trình học tập cũng như cho các mối quan hệ trong cuộc sống hiện tại và tuơng lai. Theo đó, đi làm thêm, các bạn trẻ sẽ có cơ hội gặp gỡ nhiều người, điều đó là cơ sở để khả năng giao tiếp phát triển hơn. Khi kĩ năng giao tiếp tốt, sinh viên sẽ tự tin trong các mối quan hệ, từ đó chủ động nắm bắt những cơ hội tốt để phát triển bản thân… Điều quan trọng hơn cả mà việc làm thêm đem lại cho sinh viên là khả năng rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế. Các bạn có thời gian trải nghiệm “va đập” ngoài cuộc sống để trưởng thành trong nhận thức hơn. Đây là điều mà môi trường học tập, nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo khó có thể mang lại.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực ở trên thì việc làm thêm của các bạn sinh viên trẻ hiện nay cũng còn khá nhiều điểm đáng bàn đến. Không ít trường hợp sinh viên trẻ do thiếu hiểu biết, chân ướt chân ráo ra thành phố nên đã dễ dàng mắc phải trò lừa đảo, cạm bẫy. Vất vả đi làm thêm nhưng sinh viên không được trả đúng mức lương theo thỏa thuận. Chủ tiệm, cửa hàng đã viện đủ lí do để trừ, giảm tiền lương của sinh viên như: Đến muộn, làm không đạt yêu cầu, thậm chí còn lấy lý do tháng đầu tiên thử việc, thiếu kinh nghiệm… để không phải trả lương.Chưa dừng lại ở đó, trong một số trường hợp sinh viên do quá mải mê với công việc làm thêm nên sao nhãng việc học tập; vì vậy kết quả học tập đi xuống.

Theo bạn Trần Đức Anh, sinh viên trường Đại học Phương Đông chia sẻ: Trước đây mình cũng đi làm thêm cho một cửa hàng bán đồ thể thao kết hợp đi giao hàng. Công việc cũng ổn định, thu nhập có tháng lên tới 4 - 5 triệu đồng. Cũng về ham làm thêm nên số ngày đi học và kết quả học năm đầu của mình không bảo đảm; nhiều môn phải thi lại. “Giờ thì mình cũng làm thêm nhưng  vừa phải để còn tập trung vào việc học”, Đức Anh khẳng định.

Lựa chọn công việc làm thêm phù hợp với lĩnh vực được đào tạo sẽ giúp các bạn sinh viên tích lũy được nhiều kinh nghiệm, kỹ năng bổ ích (Ảnh: NM)

Mặt khác, môi trường làm việc luôn có những ảnh hưởng lớn đến việc hình thành nhân cách của con người. Đã có không ít trường hợp các bạn sinh viên trẻ, do làm việc tại các địa điểm “nhạy cảm” như quán bar, nhà hàng, khách sạn… nên đã dần bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội. Do đó, việc tìm hiểu kỹ công việc trước khi đi làm thêm là vấn đề có ý nghĩa quan trọng.

Bạn Nguyễn Ánh Linh, sinh viên năm nhất trường Đại học Hà Nội cho biết: Gia đình em cũng không mấy khá giả nên ngoài giờ học trên trường, em còn tìm kiếm việc làm thêm để trang trải cuộc sống. Em được nhận vào làm nhân viên bán hàng một shop bán quần áo. Công việc part time, làm một ngày khoảng 3 tiếng, mỗi tiếng được trả công 20.000 nghìn đồng, nhưng thời gian đi làm cũng không được thường xuyên, vì nếu không cân đối giữa thời gian học và đi làm hợp lí thì sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập…

Thực tế cho thấy, hiện nay, người sử dụng lao động có nhiều hình thức để tuyển nhân viên làm thêm. Rất nhiều trang mạng đưọc lập ra với hình thức tuyển người làm khá hấp dẫn. Trước những thông tin tuyển dụng như vậy, sinh viên cần tỉnh táo, tìm hiểu thật kĩ tính chất công việc; xem xét công việc làm thêm đó liệu có phù hợp với chuyên ngành đào tạo; điều kiện bản thân… hay không trước khi đưa ra quyết định đi làm.

Theo một số chuyên gia, cùng với vấn đề về thu nhập, môi trường làm việc…, khi lựa chọn công việc làm thêm, các bạn sinh viên nên cố gắng tìm đến những nhóm công việc liên quan đến lĩnh vực mà mình đang theo học. Ví dụ, nếu bạn học ngành công nghệ thông tin thì nên làm thêm công việc liên quan đến thiết bị tin học, công nghệ; hoặc nếu bạn đang là sinh viên báo chí thì có thể cộng tác với một số tờ báo mà bạn yêu thích… Việc làm thêm phù hợp với chuyên ngành đang theo học sẽ đem lại cho các bạn sinh viên những kĩ năng trải nghiệm, bài học bổ ích sau này khi ra trường.

Sinh viên ai cũng mong muốn khi ra trường sẽ có công việc tốt, đúng ngành, đúng nghề và mức lương ổn định. Song, để làm được những việc đó, mỗi bạn sinh viên cần chủ động trang bị cho mình những kiến thức, kinh nghiệm ngay trong quá trình học tập. Với phương châm học tập và làm việc mọi lúc, mọi nơi, những trải nghiệm, bài học có được từ việc tham gia làm thêm sẽ là hành trang quý giá để các bạn sinh viên sẵn sàng bước vào môi trường lao động chuyên nghiệp và năng động sau này./.

Theo NGỌC MAI (Báo Điện Tử Đảng Cộng Sản Việt Nam)

 

Liên kết hữu ích