Hội nghị là hoạt động thường niên, do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì. Lần thứ nhất, hội nghị được tổ chức tại tỉnh Hải Dương (năm 2018), chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc, khơi thông động lực, tiếp đà 30 năm đổi mới”. Lần thứ 2, tổ chức tại TP. Cần Thơ, hội nghị mang chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc, liên kết 6 nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản”.
Lần thứ 3, hội nghị được tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk, chủ đề “Cùng nỗ lực vượt thách thức, giữ vững đà tăng trưởng giá trị nông sản Việt, giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại”. Lần thứ 4, hội nghị được tổ chức tại tỉnh Sơn La, chủ đề “Tiếp sức, hỗ trợ nông dân phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”.
Qua 4 lần tổ chức, nhiều vấn đề tồn tại, khó khăn, vướng mắc, bất cập được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương tập trung giải quyết. Nhờ vậy, tạo chuyển biến rõ nét trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, được đông đảo nông dân đồng thuận, tích cực hưởng ứng. Năm nay, hội nghị tổ chức tại TP. Hà Nội, xoay quanh nội dung “Nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững”.
Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn thông tin: “Chuẩn bị hội nghị đối thoại, Trung ương Hội triển khai lấy ý kiến sâu rộng trong các cấp hội, hội viên nông dân cả nước. Gần 2.000 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị được gửi tới Thủ tướng Chính phủ, chia thành 6 nhóm vấn đề lớn. Nổi cộm nhất, nông dân mong muốn Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả Nghị quyết 26/NQ-CP, ngày 27/2/2023 của Chính phủ liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2023; tầm nhìn đến năm 2045; đặc biệt là lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên triển khai (phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp sinh thái, thúc đẩy chuỗi liên kết đa giá trị)”.
Anh Y Pốt Niê (nông dân khởi nghiệp cà-phê Ê đê, tỉnh Đắk Lắk) trăn trở: “Chính phủ đã có chủ trương chuyển tư duy từ sản xuất sang tư duy kinh tế trong nông nghiệp, từ nông nghiệp đơn giá trị sang nông nghiệp đa giá trị. Thời gian tới, Chính phủ sẽ có chính sách gì để thúc đẩy, khuyến khích, hỗ trợ nông dân thực hiện nhanh quá trình chuyển đổi này?”.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhắn nhủ: “Trước khi đặt câu hỏi “Chính phủ giúp gì cho nông dân”, thì cần trả lời “Nông dân giúp gì cho nhau”. Điều này thể hiện tinh thần đề cao kinh tế tập thể mà Đảng, Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đang tích cực trợ giúp, hướng dẫn hội viên, nông dân tham gia. Chỉ khi tham gia kinh tế tập thể, chúng ta mới cùng nhau phát triển được nền nông nghiệp đa giá trị”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: “Cần đẩy mạnh 3 giải pháp đột phá chiến lược. Đó là hoàn thiện đồng bộ thể chế; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng. Trong đó đẩy mạnh vai trò của nông dân, thông qua Luật Hợp tác xã (HTX), Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Viễn thông, Luật Giao dịch điện tử. Những văn bản, thể chế này đều nhằm phục vụ nông dân cũng như các ngành khác, cuối cùng vẫn là phục vụ chủ thể chính, đó là con người”.
Nông dân còn đề xuất nhiều ý kiến, nguyện vọng khi tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải vùng ĐBSCL; vai trò của nông dân trong thực hiện Chương trình giảm phát thải ròng khí nhà kính của Việt Nam về “0” vào năm 2050 (theo cam kết Việt Nam đã cùng với 150 nước tham gia ký kết tại Hội nghị biến đổi khí hậu toàn cầu COP 26). Đại biểu nông dân đi tìm giải pháp thúc đẩy hỗ trợ chuyển đổi số mạnh mẽ trong nông nghiệp, như: Hỗ trợ, trang bị thiết bị chuyển đổi số, hạ tầng mạng, viễn thông; đặc biệt là công tác tập huấn, thông tin tuyên truyền về chuyển đổi số.
Về sản xuất, tiêu thụ nông sản, nhiều ý kiến, kiến nghị đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả đề án về canh tác cà-phê, sản xuất tôm theo chuỗi bền vững; ưu tiên hỗ trợ đầu tư vào quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung; gắn với xây dựng nhà máy chế biến, tạo chuỗi giá trị bền vững, hài hòa lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp; thúc đẩy du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Nông dân 4.0 còn đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải pháp, chính sách trong việc xử lý ô nhiễm môi trường ở nông thôn, nhất là ô nhiễm nguồn nước ở sông, kênh mương; tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa khoa học; quy hoạch, phát triển công nghiệp, làng nghề… để xây dựng nông thôn thực sự hiện đại, xanh, ngày càng hình thành nhiều miền quê đáng sống.
Cùng với đó, giải quyết, chăm lo đời sống an sinh xã hội cho nông dân, như: Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn sau khi dịch chuyển sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ ở khu công nghiệp, ở đô thị hay đi xuất khẩu lao động (do hết hạn hợp đồng, dịch bệnh, tuổi tác, sức khỏe, kỹ năng, tay nghề không đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp) quay về nông thôn…
Ông Phạm Minh Tuấn (Giám đốc HTX Nông nghiệp Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) chia sẻ: “Được tham dự hội nghị, dù bằng hình thức trực tuyến, tôi nắm bắt, hiểu rõ hơn chủ trương, chính sách của Trung ương về nông nghiệp, đặc biệt là kinh tế tập thể, kinh tế tuần hoàn. Sau hội nghị, tôi sẽ truyền đạt lại thành viên HTX, khuyến khích họ đẩy mạnh sản xuất theo hướng tạo ra giá trị nông sản cao hơn trên cùng diện tích canh tác. Những điều này, nông dân miền Tây ít có điều kiện tiếp cận”.
Trên cơ sở đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính xem xét, quyết định các giải pháp, chỉ đạo ngay tại hội nghị, nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, giúp nông dân yên tâm đầu tư sản xuất - kinh doanh, phát huy sáng tạo, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững. Bộ, ngành, chính quyền địa phương được yêu cầu nhanh chóng giải quyết vướng mắc, trăn trở của bà con nông dân, nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp, HTX, tiến tới xây dựng chuỗi giá trị liên kết, thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp, xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. “Đảng, Nhà nước có chính sách, cơ chế, nguồn lực, nhưng nông dân vẫn phải tăng cường tự chủ, đi lên bằng bàn tay, khối óc của mình, không được trông chờ ỷ lại” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính động viên.
GIA KHÁNH