Trình bày sự việc đến Báo An Giang, ông Văn Công Mai (sinh năm 1952) cho biết, năm 1998, vợ chồng ông sang nhượng đất của ông Lê Thành S. (không bao gồm đường đi vào đất). Năm 2000, ông thương lượng mua đất của bà Trương Thị Huỳnh H. (đối diện nhà ông S.) chiều ngang 8m chạy vào đất mua. Sau đó, do sản xuất thất bại, gia đình ông đào hầm (ngang 10m, dài 15m) nuôi cá, nhưng không hiệu quả. Năm 2004, ông trả lại đất cho ông S., bồi thường 18 chỉ vàng 24k. Riêng số đất mua của bà Hoa, gia đình ông bán đoạn ngoài, đoạn trong (khoảng 8m x 51m) để lại, chờ ngày sử dụng.
Ông Văn Công Mai trình bày sự việc
Lúc đó gặp khó khăn, vợ chồng ông đi nhiều nơi lao động kiếm sống, ít khi về thăm nhà. Năm 2018, họ về quê sinh sống. Khi đến thăm đất, biết ông S. chiếm dụng làm GCNQSDĐ, bán cho người khác. “Bị lấy đất, tôi tìm hiểu nhưng người mua đã chết, đất giao lại cho em trai quản lý, sử dụng. Tôi hỏi ông S., ông nói đất mua của chủ đất ở TP. Hồ Chí Minh (đã chết), là dì ruột của bà Trương Thị Huỳnh H. Tôi đòi đất nhiều lần không được, khiếu nại đến UBND xã Tấn Mỹ, khởi kiện đến Tòa án nhân dân (TAND) huyện Chợ Mới, vụ việc chuyển TAND tỉnh, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Trong đó, nguyên nhân chính là do ông S. nhiều lần không tham gia hòa giải” - ông Văn Công Mai cho biết.
Tìm hiểu sự việc cho thấy, ngày 19-9-2000, vợ chồng ông Văn Công Mai, bà Lê Thị Liên cùng bà Trương Thị Huỳnh H. làm tờ thỏa thuận mua bán đất. Đất tọa lạc tổ 16 (ấp Tấn Phước, xã Tấn Mỹ), vị trí cặp đường lộ liên xã, ngang 8m, chiều dài giáp đầu phần đất ông S., giá bán 20 chỉ vàng 24k. Liên quan đến việc này, ngày 24-4-2021, bà Trương Thị Huỳnh H. xác nhận, bà ngoại có 2 người con gái: mẹ bà và bà Nguyễn Thị Kim M.
Năm 1980, bà ngoại cho mẹ con bà diện tích đất ngang 8m từ lộ liên xã đến mộ ông Đém; phần từ mộ ông Đém đến ấp chiến lược do bà M. thụ hưởng. Năm 1989, bà M. bán phần đất này cho ông S. Đến cuối năm 1998, bà H. bán đất cho vợ chồng ông Mai, bà Huệ, có cán bộ địa chính đến đo đạc xác thực. Năm 2000, 2 bên làm tờ thỏa thuận mua bán đất và người ở xung quanh đều biết.
Tường trình về sự việc, ông Lê Thành S. thông tin: Năm 1989, ông mua đất chiều ngang 8m, dài 28m của bà Nguyễn Thị Kim M., chỉ nói miệng. Vài năm sau bà M. chết, ông trồng xoài ăn trái. Năm 2005, ông làm GCNQSDĐ, sau đó bán đất cho người khác. Đến tháng 4-2018, vợ chồng ông Văn Công Mai khiếu nại ông đến UBND xã Tấn Mỹ, cho là ông lấy đất, điều này không đúng thực tế.
Thông tin về vụ việc, đại diện UBND xã Tấn Mỹ cho biết, qua khiếu nại của gia đình ông Văn Công Mai, địa phương tìm hiểu, xác định, nguồn gốc đất là của bà Trương Thị Huỳnh H., sử dụng đến năm 2000 bán lại cho vợ chồng ông Mai, bà Liên, giá 20 chỉ vàng 24k. Đất có chiều ngang 8m từ mé đường lộ chạy vào phần đất ông S. khoảng 100m, có giấy thỏa thuận mua bán đất. Năm 2001, gia đình ông Mai bán phần đất bên ngoài (dài khoảng 60m), số còn lại để trống, không rào chắn.
Đến đầu năm 2018, gia đình ông Mai về nhà ở, phát hiện đất bị rào lại, biết ông S. đã bán nên làm đơn khiếu nại. Qua làm việc, ông S. khẳng định mua đất của bà Nguyễn Thị Kim M. vào năm 1989, không có giấy mua bán đất. Sau đó, ông sang nhượng, giá khoảng 100 triệu đồng, đất được cấp GCNQSDĐ (nhưng trong hòa giải, ông không cung cấp được giấy tờ). Ông không thừa nhận tờ thỏa thuận mua bán đất của gia đình ông Mai với bà H., do giấy làm gần đây.
TAND tỉnh thông tin, đơn vị thụ lý vụ án dân sự sơ thẩm 03/2021/TLST-DS, ngày 4-1-2021 về việc “Tranh chấp QSDĐ, yêu cầu hủy GCNQSDĐ”. Nguyên đơn ông Văn Công Mai yêu cầu ông Lê Thành S. (bị đơn) trả lại diện tích 8m x 40m đất, tọa lạc ấp Tấn Phước (xã Tấn Mỹ); đồng thời, xem xét hủy GCNQSDĐ số H0125fB, ngày 29-6-2005 do UBND huyện Chợ Mới cấp. Tòa án thông báo cho nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt tại trụ sở tòa án lúc 14 giờ ngày 16-3-2022, hòa giải lần 5. Sau đó, tòa án xem xét, giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Luật sư Phan Văn Được (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, cá nhân, tổ chức tự ý sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà không được tổ chức, cá nhân đó cho phép thì bị coi là chiếm đất. Đối với người vi phạm, tùy mức độ, hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự. Qua sự việc nói trên cho thấy, có dấu hiệu hành vi chiếm dụng đất trái phép, làm GCNQSDĐ. Tuy nhiên, sự việc này đã tổ chức hòa giải nhiều lần, đang được TAND tỉnh thụ lý, xem xét giải quyết.
Bài, ảnh: N.R