Khiếu nại bị sa thải trái pháp luật, không giải quyết chính sách bảo hiểm

22/02/2021 - 06:12

 - Bà Đoàn Thị Gom (sinh năm 1961, ngụ ấp Tây Bình, xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn) khởi kiện Công ty TNHH Công nghệ Nhựa PaoYeng (Long An) sa thải bà trái hợp đồng, yêu cầu xem xét giải quyết các quyền lợi theo quy định của pháp luật hiện hành.

Bà Đoàn Thị Gom trình bày sự việc với Báo An Giang

Khiếu nại sự việc đến Báo An Giang, bà Đoàn Thị Gom cho biết, sau thời gian tìm việc làm, đến ngày 6-3-2011, bà được nhận vào làm công nhân của Công ty TNHH Công nghệ nhựa PaoYeng (gọi tắt là Công ty PaoYeng). Công ty này chuyên sản xuất các loại sản phẩm từ plastic, gồm: nguyên liệu, thiết bị, gia công các loại hạt nhựa tái sinh từ phế phẩm, phế liệu nhựa, mảnh nhựa các loại. Đồng thời, bán phụ tùng và các bộ phận phụ trợ của ôtô, xe máy, xe có động cơ, xe đạp điện, đồ dùng nội thất…

Ngày 29-6-2011, bà Gom và Công ty PaoYeng ký hợp đồng lao động 12 tháng. Sau đó, 2 bên không tiếp tục ký hợp đồng, công ty nói thuộc trường hợp không xác định thời hạn. Khi vào làm việc, công ty phân công bà làm công nhân ở bộ phận lắp ráp, thuộc tổ 4. Gần 10 năm làm việc, bà luôn hoàn thành tốt công việc được giao, tuân thủ các quy định của công ty, được khen ngợi và không lần nào bị khiển trách, xử phạt. Ngày 4-11-2020, khi bà đang làm việc, một thanh niên không quen biết bên tổ 5 đi qua xúc phạm thân thể bà, nên 2 bên xảy ra xô xát. Nghe tin báo, người quản lý đến hiện trường, khẳng định cho 2 người nghỉ việc ngay trong ngày. Việc sa thải không có lập biên bản, không thông qua xem xét kỷ luật, không có văn bản, quyết định và người lao động (NLĐ) không biết được mình vi phạm điều gì.

“Hôm cho nghỉ việc, người quản lý buộc tôi phải rời cơ sở, đưa tờ giấy kêu ký tên nhưng tôi không điềm chỉ do không nói rõ nội dung. Theo hợp đồng ký kết, NLĐ làm việc theo sự phân công của công ty, làm việc 8 giờ/ngày, được công ty đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định, hỗ trợ tiền cơm trưa, được 9 ngày nghỉ lễ, Tết và 12 ngày phép năm. NLĐ công tác liên tục từ đủ 12 tháng được hưởng lương tháng 13. Mức lương ban đầu chỉ 1.445.000 đồng/tháng nhưng đến năm 2020 tôi được tăng lên 4.195.000 đồng/tháng. Do chịu khó làm thêm việc ngoài giờ, được tăng ca nên cuộc sống có phần dễ chịu hơn. Vừa qua, xuất phát từ lỗi của người khác, buộc tôi phải tự vệ, nhưng tôi lại bị công ty sa thải trái quy định. Hơn 3 tháng qua, tôi thất nghiệp, cuộc sống của gia đình gần như bế tắc. Đặc biệt, các quyền lợi suốt 10 năm của tôi (bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, tiền hỗ trợ thất nghiệp) đều không có” - bà Đoàn Thị Gom than thở.

Trả lời sự việc, ông Trần Sỹ Cương (đại diện Công ty PaoYeng) cho biết, việc sa thải NLĐ đối với bà Đoàn Thị Gom là do có hành vi đánh nhau tại nơi làm việc. Sau khi xảy ra sự cố, công ty mời bà Gom đến làm việc, nhưng 3 lần bà vẫn không có mặt. Về việc này, bà Gom đã làm đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa. Thẩm quyền xem xét, giải quyết do cơ quan xét xử quyết định. Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa (Long An) xác nhận: ngày 14-1-2021, bà Đoàn Thị Gom khởi kiện về việc “Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” của Công ty PaoYeng. Hiện vụ việc đang thực hiện theo trình tự.

Luật sư Trần Ngọc Phước (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh An Giang) cho biết: “Sa thải là việc người sử dụng lao động chấm dứt lao động với NLĐ vì lỗi của NLĐ gây ra. Đây là hình thức xử lý nặng nhất vì ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ. Theo Luật Lao động, NLĐ có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy trong phạm vi nơi làm việc, bị kỷ luật kéo dài mà tái phạm, tự ý bỏ việc trong 5 ngày cộng dồn trong 1 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 1 năm mà không có lý do chính đáng, như: thiên tai, hỏa hoạn, đau ốm… sẽ bị sa thải. Tất cả các trường hợp trên phải được quy định rõ trong nội quy lao động của công ty. Về thủ tục xử lý kỷ luật lao động rất rõ ràng. Trước hết, phải có sự tham gia của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở; NLĐ phải có mặt, được quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc tổ chức đại diện NLĐ bào chữa; người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của NLĐ; việc xử lý kỷ luật được ghi thành biên bản. Việc xử lý kỷ luật lao động đối với bà Gom không xảy ra, chỉ nói miệng rồi sa thải với bà là trái với Luật Lao động hiện hành. Việc bà Gom đánh nhau có thể bị sa thải nhưng phải được làm rõ và việc này có quy định trong hợp đồng. Tuy nhiên, công ty không tuân thủ đúng quy trình sa thải NLĐ do pháp luật đề ra, vì vậy quyết định sa thải bà của công ty là không hợp pháp”.

Bài, ảnh: N.R

 

Liên kết hữu ích