Bà Nguyễn Thị Xuân Linh trình bày sự việc với Báo An Giang
Trình bày sự việc đến Báo An Giang, bà Nguyễn Thị Xuân Linh (sinh năm 1976, ngụ khóm Châu Thới, phường Châu Phú B, TP. Châu Đốc) cho biết, sau ngày “đường ai nấy đi” với chồng, bà được chia một số tiền, dự định nuôi các loại thủy, hải sản. Ngay lúc đó, ông Nguyễn Thanh Tùng biết được tin, nói ông là chủ doanh nghiệp thủy, hải sản ở huyện Phú Tân, sẽ hỗ trợ nguồn giống cho bà để nuôi cá thát lát cườm đang hút hàng.
Đầu năm 2018, ông Tùng bán 15.000 con cá thát lát cườm (giá 2.000 đồng/con), nói đến khi thu hoạch mới lấy lại tiền. Tháng 8-2018, bà Linh bán cá, điện thoại báo ông Tùng đến nhà lấy tiền. Sau đó, ông Tùng trả lời: “Tôi miễn phí cá giống bán trước đó nhưng khi có việc, chỉ cần nhờ sự hỗ trợ của bà là được”. Ông Tùng hứa sẽ tiếp tục hỗ trợ nguồn giống nuôi và cho người hướng dẫn kỹ thuật, giúp đỡ đầu ra sản phẩm.
“Được chủ doanh nghiệp miễn tiền bán cá giống, nay lại tạo điều kiện làm ăn, 3 mẹ con tôi mừng như trúng số. Vui mừng chưa được lâu, ông Tùng điện báo gia đình đang cần số vốn làm ăn lớn, tạm mượn một số tiền cần thiết. Dù chưa biết ông Tùng mượn bao nhiêu nhưng họ vừa giúp đỡ, sao nói lời từ chối được.
Đến cuối năm 2018, ông Tùng mượn 100 triệu đồng, khoảng 10 ngày sau mượn 150 triệu đồng, sau đó mượn thêm 50 triệu đồng. Tôi ra ngân hàng rút số tiền đưa cho ông Tùng mượn, dù không làm giấy tờ nhưng có báo cho người quen và gia đình biết. Ông Tùng nói số tiền này mượn tạm, sau sẽ hoàn trả lại và mời qua công ty giao lưu với gia đình ông. Tại đây, tôi biết được vợ ông Tùng là giáo viên tiểu học ở địa phương, bán chả cá thát lát để kiếm thêm thu nhập.
Từ đó, 2 bên qua lại và khá thân thiết nhau. Vợ ông Tùng lần lượt mượn tiền, tổng cộng 63 triệu đồng, hứa trả lãi đàng hoàng. Giống như chồng bà, tôi không làm giấy tờ buộc họ điểm chỉ, bởi thấy họ uy tín, có cơ sở làm ăn đàng hoàng. Đến đầu năm 2020, tôi đòi lại số tiền nhưng ông Tùng lúc đầu hứa hẹn, sau không có trách nhiệm trả. Thấy nguy cơ bị mất tiền, tôi ghi âm toàn bộ các cuộc nói chuyện với vợ chồng ông Tùng để làm chứng cứ, cơ sở” - bà Linh cho biết.
Phán bác ý kiến của bà Linh, ông Nguyễn Thanh Tùng (sinh năm 1973, Giám đốc Công ty TNHH MTV Chế biến thủy, hải sản Thanh Tùng, ấp Bình Thành, xã Phú Bình, huyện Phú Tân) cho biết, qua giới thiệu, đầu năm 2018, ông xuất nguồn giống cá thát lát cườm và đầu tư các khoản khác cho bà Linh nuôi cá. Sau đó, nguồn thu hoạch bán ra đến 400-500 triệu đồng. Ông thu lại nguồn trước đó bỏ ra, không tính lãi, không có mượn 300 triệu đồng như bà Linh làm đơn khiếu nại. Đối với nguồn thông tin cung cấp cho báo chí và nơi khiếu nại, bà Linh chỉ thu âm phần có lợi cho bà, còn phần tiền của ông đã chi ra đều bị bà Linh cắt bỏ để có lợi cho bà.
Thông tin việc này, bà Châu Thị Thùy Diễm (vợ ông Nguyễn Thanh Tùng) cho biết, việc làm ăn của chồng với bà Linh đã có nhiều lời vào, tiếng ra đầy dị nghị, cần được làm rõ. Để bảo đảm công việc của công ty và hoạt động thường nhật của gia đình, bà rất cần cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ sự việc. Đối với việc bà Linh nói cho bà mượn tiền, trước đây chồng bà đã trả cho bà Linh rồi.
Luật sư Trần Ngọc Phước (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh An Giang) cho biết, dựa vào sự tín nhiệm giữa người thân, quen biết hoặc bạn bè thân thiết, việc cho vay, mượn tiền chỉ nói miệng, mà không có giấy tờ, làm văn bản là việc vẫn hay xảy ra. Khi người cho mượn đòi tiền không trả thường xảy ra tranh chấp. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 hiện hành, hợp đồng cho vay tài sản có thể được xác lập bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Qua đó, giao dịch bằng miệng như trên vẫn được xem xét, giải quyết. Trường hợp bên cho vay tiền không có văn bản, giấy tờ chứng minh thì việc ghi âm, ghi hình cuộc nói chuyện vẫn được coi là cơ sở, chứng cứ về việc cho vay, mượn tiền. Nếu 2 bên không thỏa thuận được, bà Linh có thể khởi kiện vụ việc đến tòa án. Nếu có chứng cứ chứng minh về hành vi chiếm đoạt tài sản thì bên cho vay, có thể tố giác vụ việc đến cơ quan công an theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành.
Bài, ảnh: N.R