Bên cạnh những thắng cảnh, Bắc Kạn còn bảo tồn, phát huy rất tốt bản sắc văn hóa các dân tộc. (Trong ảnh: Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ hát Then Sắc chàm Bắc Kạn).
Cùng với sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các địa phương và nỗ lực của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhiều tiềm năng du lịch của tỉnh miền núi này đang dần được đánh thức.
Bắc Kạn có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, trong đó nổi bật là Vườn quốc gia Ba Bể. Tại Hội nghị Hồ nước ngọt thế giới (tổ chức tại Mỹ năm 1995), hồ Ba Bể được công nhận là một trong top 20 hồ nước ngọt tự nhiên đẹp của thế giới cần được bảo vệ; năm 2011 được công nhận là khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế) và là danh lam thắng cảnh được xếp hạng “Di tích quốc gia đặc biệt” vào năm 2012 theo Quyết định 1419/QĐ-TTg ngày 27/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Vườn quốc gia Ba Bể đã được công nhận là Vườn di sản ASEAN (2004). Toàn bộ khu vực này có tính đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, hấp dẫn với những hệ thống sông, hồ, hang động phong phú. Trong những năm qua, ngành du lịch Bắc Kạn cũng đã quan tâm đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch, nhất là sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng...
Nằm trong vùng chiến khu Việt Bắc, là An toàn khu trong kháng chiến chống Pháp và hiện tại Bắc Kạn còn lưu giữ nhiều điểm di tích lịch sử cách mạng, là tiềm năng, lợi thế du lịch đặc sắc, “địa chỉ đỏ” về nguồn. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bắc Kạn hiện có 152 di tích, trong đó 58 di tích đã được xếp hạng (hai di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, bảy di tích xếp hạng quốc gia, 49 di tích xếp hạng cấp tỉnh) và 94 di tích trong danh mục kiểm kê. Các di tích lịch sử ở Bắc Kạn mang nhiều dấu ấn về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Các điểm di tích lịch sử văn hóa của Bắc Kạn đã kết nối với các điểm du lịch lân cận, như: Di tích lịch sử An toàn khu ATK Định Hóa (Thái Nguyên), di tích lịch sử Tân Trào (Tuyên Quang), di tích lịch sử Pác Bó (Cao Bằng)…
Một số điểm di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh được Bắc Kạn quan tâm đầu tư để thu hút khách du lịch. Ngoài ra, tiềm năng du lịch của tỉnh Bắc Kạn còn nằm ở nền văn hóa đa dạng, phong phú với những phong tục tập quán, lễ hội của đồng bào các dân tộc. Qua đợt tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể năm 2013 đã phát hiện và nhận diện được 291 di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Bắc Kạn đã có 17 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Để khai thác tiềm năng du lịch, tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng, ban hành nhiều chương trình, đề án, như: Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2019 - 2025.
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu từng bước đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai, từ nguồn ngân sách Trung ương, địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác, tỉnh Bắc Kạn đã và đang triển khai các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất nhằm khai thác và phát huy tài nguyên du lịch như các dự án: Cải tạo sửa chữa đường tỉnh ĐT258; cải tạo, nâng cấp đường 258 đoạn qua Vườn quốc gia Ba Bể; xây dựng hạ tầng giao thông khu vực chung quanh hồ Ba Bể; xây dựng tuyến đường Quảng Khê - Khang Ninh, huyện Ba Bể... ; đường TP Bắc Kạn - hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang, Tuyên Quang; quốc lộ 3 mới đoạn Chợ Mới - TP Bắc Kạn; đường Khang Ninh - Quảng Khê; đường chung quanh hồ Ba Bể, giao thông kết nối giữa các khu, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh...
Đầu tư hạ tầng du lịch Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc và các địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn. Phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ, tạo thành mạng lưới đến các điểm, khu du lịch tiềm năng của tỉnh, trọng tâm là du lịch hồ Ba Bể.
Vừa qua Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thông qua Nghị quyết về phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, quyết tâm đưa du lịch Bắc Kạn trở thành ngành kinh tế quan trọng, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025: Khu du lịch Ba Bể trở thành khu du lịch quốc gia, du lịch hồ Nặm Cắt trở thành khu du lịch cấp tỉnh. Mỗi huyện, thành phố có ít nhất một điểm, khu du lịch được công nhận; đón ít nhất 32.000 lượt khách quốc tế và 1.000.000 lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của khách du lịch đạt 13%; tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 1.000 tỷ đồng, tương đương với 5% GRDP toàn tỉnh; có 40% nguồn nhân lực du lịch được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ du lịch. Đến năm 2030, du lịch Bắc Kạn cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; thu hút khoảng 50.000 lượt khách quốc tế và 1.700.000 lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 2.500 tỷ đồng, tương đương với 10% GRDP toàn tỉnh; có 60% nguồn nhân lực du lịch được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ du lịch.
Theo TUẤN SƠN (Vietnam+)