Khởi nghiệp từ trà mãng cầu

12/05/2022 - 07:08

 - Nâng loại trái có giá trị kinh tế thấp lên hàng thương phẩm bằng cách chế biến thành trà thơm là cố gắng đáng quý của chị Lâm Thị Thảo Nhi (sinh năm 1994, ngụ ấp Tân Phú, xã Mỹ Phú Đông, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang). Chị Nhi dành nhiều tâm huyết mang hương vị trà mãng cầu đến gần hơn với người tiêu dùng.

“Ban đầu, khi trồng mãng cầu xiêm, ba mẹ tôi chỉ tính bán trái, chứ chưa nghĩ đến việc chế biến thành trà. Thời điểm đó, giá mãng cầu thấp, có khi không ai mua. Loại trái này còn phụ thuộc thương lái nên rất bấp bênh, chỉ có con đường chế biến mới mang lại giá trị cao cho sản phẩm. Đầu năm 2020, mãng cầu nhiều quá, bán không kịp, bị hư thối, phải bỏ hết. Tôi tiếc quá! Chợt nhớ lúc mẹ hái trái mãng cầu làm trà cho mình uống, vừa ngon vừa thơm, tôi nhận thấy sản phẩm có tiềm năng phát triển lớn, tốt cho sức khỏe. Thế là, tôi quyết định khởi nghiệp với trà mãng cầu” - Thảo Nhi nhớ lại.

Nghĩ là làm, chị tập trung nghiên cứu chế biến trà từ mãng cầu. Vạn sự khởi đầu nan, tất cả đều làm theo quy trình thủ công, nên chị không tránh khỏi thất bại. Trà được rang trên chảo, rất cực công và mất nhiều thời gian. Quan trọng nhất là canh lửa, không để quá lớn hay quá nhỏ, nếu không sẽ hư cả mẻ trà.

Sau nhiều lần kiên trì, tích lũy kinh nghiệm và nghiên cứu, học hỏi, chị Thảo Nhi đã làm ra trà mãng cầu đúng với hương vị mong muốn. Trà có màu cánh gián, trong vắt, mùi thơm đặc trưng, làm nên thương hiệu như kỳ vọng của cô gái trẻ. Lúc đầu, Nhi chỉ làm một ít, đăng bán thử trên mạng xã hội (facebook, zalo…). Khách thấy ngon, hợp khẩu vị nên đơn đặt hàng ngày một nhiều hơn. Đây là động lực để Nhi cố gắng từng ngày.

Thảo Nhi bên sản phẩm khởi nghiệp trà mãng cầu của mình

Đợt tham gia hội thi trưng bày sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) và trưng bày sản phẩm đặc trưng của địa phương nhân dịp Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Thoại Sơn năm 2022, trà mãng cầu nằm chung gian hàng với những sản phẩm đặc trưng của xã Mỹ Phú Đông. Nhìn trái mãng cầu được nâng tầm thương phẩm, thoát cảnh bị “quăng bỏ” vì quá chín, bán không kịp, Nhi mừng thầm, tự nhủ: “Phải cố gắng nhiều hơn để danh tiếng trà mãng cầu do chính mình làm ra ngày một vang xa”.

Hiện nay, nguồn nguyên liệu chế biến trà mãng cầu đều từ vườn nhà, diện tích 2ha. Trước khi chế biến trà, có đợt gia đình Nhi chặt bớt cây, vì trái tươi bán không được. Giờ thấy con gái khởi nghiệp khả quan, ba của Nhi ươm thêm cây giống để trồng. “Thời gian tới, khi thị trường phát triển, tôi sẽ tổ chức các hình thức hợp tác với nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm, tạo tiền đề vững chắc sản xuất trà mãng cầu” - Nhi chia sẻ.

Giờ, Nhi đầu tư máy rang nên nhẹ công phần nào. Tuy nhiên, chưa đầu tư máy cắt sợi nên Nhi còn phải ngồi hàng giờ đồng hồ để cắt sợi mãng cầu. Trái mãng cầu nhiều hột, chưa chín thì cứng, công đoạn này cực lắm. Trung bình, phải mất 10-12kg mãng cầu tươi mới cho ra 1kg trà thành phẩm. Không phải trái mãng cầu nào cũng có thể mang đi làm trà, mà phải chọn lựa phù hợp. Trái non khi sấy sẽ cho ra vị nhạt, còn trái hơi chín lại có vị chua. Chỉ những trái vừa già mới cho ra vị trà thơm, đậm đà và đảm bảo giá trị dinh dưỡng.

“Sau khi sơ chế thì mang phơi nắng, rồi tới các bước canh nhiệt độ, thời gian… Hiện nay, tôi đầu tư xây dựng khu sấy trà và 2 máy rang nhỏ loại 14 lít, đặt máy sấy loại 9 khay. Cộng với các thứ lặt vặt, như: Bao bì, máy ép… tổng chi phí đầu tư khoảng 40 triệu đồng. Tôi ấp ủ mua thêm 2 máy cắt lát và sợi, nhưng hiện vẫn chưa đủ kinh phí. Ngoài ra, tôi đăng ký giấy phép kinh doanh trà mãng cầu xiêm, địa phương hỗ trợ thủ tục để trà đạt chuẩn OCOP thời gian tới” - chị Nhi cho hay. 

Trà mãng cầu hiện được bán với các mức giá: 49.000 đồng/75gr, 189.000 đồng/300gr, 299.000 đồng/600gr. Mỗi tháng, lượng trà mãng cầu được bán ra khoảng 30-40kg. Nếu được đầu tư thêm máy cắt sợi và mở rộng đầu ra, số lượng sẽ không dừng lại ở đó. Đó là mong ước của cô gái trẻ, với quyết tâm khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương.

“Tôi mong được hỗ trợ vốn để mua thêm máy cắt lát, cắt sợi, sau này mở rộng thì mua máy làm trà túi lọc, để sản phẩm trà ngày càng đa dạng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng” - chị Thảo Nhi bày tỏ. 

 

PHƯƠNG LAN