Khơi thông tiềm năng hợp tác thương mại Việt-Lào

25/04/2022 - 08:32

Nghệ An là trung tâm vùng Bắc Trung Bộ-nơi kết nối của nhiều hệ thống giao thông trong nước và quốc tế, trong đó có tuyến đường xuyên Á đông-tây theo quốc lộ 7 đến cảng quốc tế Cửa Lò và sân bay quốc tế Vinh... Ðây chính là tiềm năng và lợi thế để hợp tác phát triển thương mại giữa Nghệ An với nước bạn Lào cũng như các nước trong khu vực.

Cảng quốc tế Cửa Lò (Nghệ An) tiếp nhận hàng hóa xuất, nhập khẩu của nước bạn Lào. (Ảnh THU HUYỀN)

Tuy nhiên, việc phát triển thương mại biên giới giữa tỉnh Nghệ An với các tỉnh của Lào hiện còn nhiều khó khăn và hạn chế. Ðể khơi thông tiềm năng hợp tác thương mại, Chính phủ hai nước cần có chính sách ưu đãi đặc thù, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong đầu tư phát triển hạ tầng biên giới.

Đánh thức tiềm năng và lợi thế

Nghệ An là tỉnh có đường biên giới đất liền tiếp giáp với nước bạn Lào dài nhất cả nước. Trong những năm qua, mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết thủy chung và hợp tác toàn diện giữa Nghệ An với các tỉnh Bôlykhămxay, Xiêng Khoảng, Hủa Phăn của nước bạn không ngừng được củng cố trên nhiều lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, thương mại của cả hai bên. Ðặc biệt, nhiều mặt hàng, trong đó có vật liệu xây dựng là một trong những lợi thế sản xuất của Nghệ An, xuất khẩu sang thị trường Lào đạt từ 15 triệu đến 20 triệu USD/năm. Nghệ An hiện có những doanh nghiệp hàng đầu về kinh doanh xăng, dầu cùng hệ thống cảng chuyên dụng và kho chứa nhiên liệu của các công ty: CP Thiên Minh Ðức (DKC), Petrolimex... thường xuyên đáp ứng yêu cầu của thị trường Lào với kim ngạch xuất khẩu từ 5 triệu đến 10 triệu USD/năm. Ðồng thời, các mặt hàng truyền thống như: gạo, dầu ăn, phân bón, đồ nội thất, thủy hải sản... từ lâu đã quen với người tiêu dùng tại Lào. Dân cư hai nước thường xuyên qua lại, giao thương qua các cặp chợ biên giới như: Ðin Ðăm (tỉnh Bôlykhămxay), Thanh Thủy (huyện Thanh Chương), Thông Thụ (huyện Quế Phong)...

Trên cơ sở các hiệp định thương mại song phương được ký kết và các văn bản pháp luật được Chính phủ ban hành, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, thương nhân hai bên trao đổi, mua bán, xuất, nhập khẩu hàng hóa. Trong giai đoạn 2018 đến quý I/2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Nghệ An và Lào đạt hơn 139 triệu USD, hàng trăm nghìn lượt người và phương tiện qua lại để thăm người thân, làm việc, trao đổi mua bán hàng hóa, tham quan du lịch. Công tác thông quan hàng hóa, phương tiện, xuất, nhập cảnh... được hai bên phối hợp thực hiện thuận lợi. Tỉnh Nghệ An cũng phối hợp Bộ Công thương lập quy hoạch tổng thể phát triển thương mại biên giới chung giữa hai nước Việt Nam-Lào giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Hằng năm, tỉnh Nghệ An đã thành lập nhiều đoàn doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, đầu tư tại Lào. Theo thống kê sơ bộ, hiện có hơn 90 doanh nghiệp Nghệ An đang đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Lào với số vốn khoảng 200 triệu USD. Ngoài ra, tỉnh còn mời doanh nghiệp Lào tham gia các chương trình hội chợ thương mại để kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp hai nước. Bên cạnh đó, công tác đối ngoại địa phương (huyện, xã) biên giới cũng được quan tâm thực hiện thường xuyên và toàn diện... Dọc biên giới Nghệ An và nước bạn Lào có 20 cặp bản-bản kết nghĩa để giúp nhau phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng, cũng như trao đổi hàng hóa song phương... Nghệ An còn là địa chỉ tin cậy trong việc đào tạo nhiều thế hệ sinh viên Lào với khoảng 750 người đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng tại địa phương.

Khai thác hiệu quả tiềm lực hai nước

Phát triển thương mại biên giới giữa Nghệ An và các tỉnh của Lào đã đạt những kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Trước hết, cơ cấu hàng hóa xuất, nhập khẩu giữa Nghệ An-Lào còn nhiều bất cập, chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế hai bên. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Nghệ An sang Lào có tỷ trọng nhỏ, năm 2021 chỉ chiếm 1,7% tổng kim ngạch của tỉnh Nghệ An. Trong khi đó hạ tầng kỹ thuật khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới Nghệ An-Lào còn yếu kém, lạc hậu (ngoại trừ cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn được đầu tư bài bản). Thương nhân tham gia hoạt động thương mại biên giới chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy mô lô hàng nhỏ, mang tính chất thương vụ, chưa có chiến lược phát triển lâu dài. Tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại diễn biến phức tạp trong khi địa bàn rộng lớn, lực lượng chức năng hai bên còn mỏng...

Thời gian qua, Nghệ An được đánh giá là điểm đến của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh khá trong khu vực phía bắc, năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước và trở thành một cực phát triển quan trọng trong hành lang kinh tế đông-tây nối Việt Nam-Lào và các nước trong khu vực. Từ đó, góp phần khai thác tốt tiềm năng xuất khẩu của Lào với các mặt hàng nông, lâm sản... và lợi thế của Nghệ An với các sản phẩm như: Vật liệu xây dựng, thủy hải sản, máy móc thiết bị... Ðể tạo bước phát triển mới trong hoạt động giao thương giữa Nghệ An với các tỉnh của nước bạn Lào, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh cho biết: Hai nước cần nghiên cứu, rà soát cơ chế chính sách phát triển thương mại biên giới để đề xuất Chính phủ hai nước có chính sách ưu đãi đầu tư đặc thù vào phát triển hạ tầng biên giới, trong đó chú trọng chính sách phát triển hạ tầng thương mại biên giới đất liền. Ðặc biệt đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong đầu tư và xây dựng hạ tầng thương mại biên giới cũng như tăng cường hội đàm, trao đổi song phương các vấn đề phát sinh về quản lý, xây dựng cửa khẩu, lối mở, vận tải hàng hóa thuận lợi...

Một vấn đề quan trọng là Chính phủ, các bộ, ngành liên quan hai nước cần ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội-Viêng Chăn qua cửa khẩu Thanh Thủy và sớm công bố cửa khẩu Nậm On (tỉnh Bôlykhămxay) thành cửa khẩu chính, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu, xuất nhập cảnh. Mặt khác, hai nước cần quan tâm bố trí nguồn vốn đầu tư, nâng cấp xây dựng hệ thống chợ, cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật thương mại cho các cửa khẩu biên giới Việt Nam-Lào nói chung và Nghệ An-Lào nói riêng, nhất là cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại các cửa khẩu liên quan... Cũng theo ông Lê Hồng Vinh, để góp phần đẩy mạnh tiềm năng hợp tác với nước bạn Lào, doanh nghiệp hai nước cần sớm nghiên cứu, phát triển nhanh hệ thống dịch vụ, logistics nhằm kết nối, vận chuyển hàng hóa của Lào, Thái Lan và khu vực, thông qua hệ thống cảng biển quốc tế ở Nghệ An và cũng như tại các địa phương khác ở Việt Nam cùng hệ thống giao thông nước bạn Lào…

Tại Hội nghị Hợp tác phát triển thương mại biên giới Việt Nam-Lào lần thứ 12 diễn ra mới đây tại Thủ đô Viêng Chăn (Lào), Bộ trưởng Công thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên cho rằng, tiềm năng phát triển quan hệ thương mại giữa hai nước vẫn còn rất lớn và Hội nghị là một trong những bước đi quan trọng để góp phần khai phá tiềm năng đó, với mục tiêu để thương mại giữa hai nước phát triển ổn định và bền vững; khai thác tiềm năng, lợi thế của mỗi bên... từ đó góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho phát triển kinh tế-xã hội của hai nước Lào và Việt Nam anh em.

Tại Hội nghị Hợp tác phát triển thương mại biên giới Việt Nam-Lào lần thứ 12 diễn ra mới đây tại Thủ đô Viêng Chăn (Lào), Bộ trưởng Công thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên cho rằng, tiềm năng phát triển quan hệ thương mại giữa hai nước vẫn còn rất lớn và Hội nghị là một trong những bước đi quan trọng để góp phần khai phá tiềm năng đó, với mục tiêu để thương mại giữa hai nước phát triển ổn định và bền vững; khai thác tiềm năng, lợi thế của mỗi bên... từ đó góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho phát triển kinh tế-xã hội của hai nước Lào và Việt Nam anh em.Từ năm 2018 đến năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa song phương Việt Nam-Lào đạt 4,5 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu từ Lào sang Việt Nam đạt 2,1 tỷ USD và kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Lào đạt 2,4 tỷ USD. Kim ngạch thương mại song phương trung bình đạt hơn một tỷ USD/năm, tăng trưởng hơn 10%/năm. Ðến nay, Việt Nam có 214 dự án đầu tư sang Lào với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 5,33 tỷ USD; vốn thực hiện đạt khoảng 2,6 tỷ USD. Việt Nam đứng thứ ba trong số các nước có hoạt động đầu tư tại Lào (sau Trung Quốc, Thái Lan)...

Theo Nhân Dân