'Thiên tài' là một trong những khái niệm thường bị dùng sai nhất trong lịch sử.
Chúng ta định nghĩa đúng về thiên tài - có là những người thông minh và có năng lực sáng tạo - nhưng chúng ta thường cho rằng những thứ đó đến từ năng khiếu bẩm sinh của con người.
Thực tế, dù năng khiếu có vai trò khá quan trọng trong những phát kiến vĩ đại, nhưng phần lớn thành công được tạo nên là nhờ sự kết hợp giữa thực hành, thói quen và tư duy.
Van Gogh là thiên tài. Mozart là thiên tài. Marie Curie cũng là thiên tài.
Quan niệm rằng tài năng của họ là do năng khiếu bẩm sinh không hoàn toàn sai, nhưng nó phần nào đánh giá thấp những cố gắng và nỗ lực hàng ngày mà họ phải bỏ ra để phát huy năng khiếu của mình đến mức mà họ đã đạt được.
Thiên tài phụ thuộc vào hoàn cảnh, và không phải vài ba bước hướng dẫn trong bất kỳ bài báo nào trên Internet có thể giúp bạn thành thiên tài ngay lập tức, nhưng có một điều chắc chắn là bất cứ ai cũng có thể tăng cường trí thông minh và sáng tạo của mình một cách khá đơn giản.
Và những điều này chỉ mất của bạn một giờ đồng hồ mỗi ngày.
1. Dành 10 phút suy ngẫm mỗi ngày
Bạn có thường tự hỏi bản thân vì sao mình đang làm việc này?
Những câu hỏi như vậy không chỉ là về những công việc bạn làm hàng ngày, và câu trả lời cũng không chỉ đơn giản là 'vì tôi cần kiếm tiền' hay 'vì tôi thích'.
Đó quả thực là những lý do chính đáng để bắt đầu việc gì đó, nhưng nó thực sự mang lại điều gì?
Tại sao bạn lại thích việc đó? Có điểm nào bạn không thích?
Cuộc sống hiện tại làm bạn thỏa mãn đến mức nào? Có điều gì khiến bạn chưa hài lòng?
Những câu hỏi này mới chỉ chạm đến bề mặt vấn đề, nhưng những câu hỏi sâu sắc hơn sẽ cho phép bạn đi xa hơn những người khác và giúp bạn suy nghĩ rõ ràng hơn.
Hiểu sâu vấn đề sẽ có lợi cho bạn về lâu dài và giúp cuộc sống dễ dàng hơn.
Bạn có thể học được nhiều từ việc tiếp thu kiến thức ngoài thế giới, nhưng bạn còn có thể học nhiều hơn nữa bằng cách tự phân tích vấn đề để hiểu rõ hơn về chúng.
Mỗi ngày hãy đặt cho mình một câu hỏi khó và dành thời gian suy ngẫm.
2. Đọc sách 20 phút mỗi ngày
Bạn nên dành thời gian đọc sách và duy trì thói quen đọc.
Internet có rất nhiều kiến thức bổ ích và những bộ óc vĩ đại sẵn sàng chia sẻ. Tuy nhiên, có những kiến thức mà Internet không thể hoàn toàn thay thế sách.
Một bài báo có thể cho bạn một số kiến thức mới có giá trị - và bạn nên tiếp tục đọc những bài viết như thế - nhưng nó sẽ không thể lôi cuốn bạn bằng một câu chuyện hay hoặc một nghiên cứu chi tiết và công phu.
Đọc sách cũng kích thích bộ não tư duy về những điều mà tác giả muốn truyền tải - và đó là lúc bộ não của bạn hoạt động tư duy thực sự để nhạy bén hơn.
Nếu bạn đọc 20 phút mỗi ngày hoặc 15 trang sách mỗi ngày, thì sau 1 năm bạn sẽ đọc được 15 đến 20 cuốn sách.
Dựa trên trải nghiệm của tôi, một cuốn sách vào đúng thời điểm quả thực có thể thay đổi hoàn toàn cuộc đời của bạn. Chỉ 20 phút đều đặn mỗi ngày, bạn đã mang lại cho mình thêm 20 cơ hội thay đổi cuộc đời mỗi năm.
Đó là một cách đầu tư thời gian và tiền bạc thông minh hơn bất kỳ hoạt động nào khác.
3. Tập trung 30 phút mỗi ngày
Khi bạn đặt cả bộ óc và cơ thể chuyên chú vào một việc gì đó, bạn đã cho mình cơ hội tinh chỉnh tâm trí theo cách mà chỉ suy ngẫm hay đọc sách không thể bằng được.
Người ta thường cho rằng khi một nghệ sĩ tập chung chơi nhạc hay họa sĩ chăm chú vẽ tranh là họ đang rèn giũa một kỹ năng nhất định và gặt hái thành quả từ đó.
Thực chất họ còn làm nhiều hơn thế. Trong trạng thái tập trung tuyệt đối, khi chúng ta hoàn toàn chăm chú vào một hoạt động thì chúng ta cũng đang rèn giũa bộ máy trí óc nói chung.
Chúng ta tinh chỉnh khả năng của bản thân, biến kiến thức thành kỹ năng của chính mình.
Học cách để học chính là một trong những phẩm chất quan trọng cần có và nó bắt đầu từ khả năng tập trung cao độ.
Bất kể là một sở thích hay một dự án cá nhân, bạn nên dành thời gian cho lĩnh vực đó dù chỉ 30 phút mỗi ngày để tiến bộ dần dần.
Điều đó sẽ không chỉ giúp bạn hoàn thiện kỹ năng ở lĩnh vực đó mà cũng cải thiện trí óc của bạn
Theo TRANG ĐẶNG (giadinhmoi.vn)