Không đồng ý trả lại đất

05/01/2023 - 07:53

 - Cho rằng 30m2 đất là của ông bà cho, đương sự cất nhà ở 26 năm nay. Năm 2021, một người cháu khởi kiện đòi lại đất, nhưng đương sự yêu cầu tòa án xem xét giải quyết cho giữ lại đất.

Trình bày sự việc đến Báo An Giang, vợ chồng ông Lê Trần Hải Minh (sinh năm 1966), bà Phạm Thị Phượng Kiều (sinh năm 1967, ngụ khóm Tây Khánh 2, phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) cho biết, bà Kiều là cháu ông Cao Văn Khuyên (chồng bà Nhan Thị Tánh, đã qua đời). Ngày 20/4/1997, thấy vợ chồng bà Kiều không chỗ ở, làm ngày nào ăn ngày đó, bà Tánh làm "Tờ cho đất cất nhà ở", ghi rõ: Cho đất ngang 3m, dài 10m, nhưng 2 người phải bồi hoàn thành quả lao động 2 triệu đồng. Nếu sau này vợ chồng bà Kiều không ở nữa thì trả lại đất, không được mua bán, sang nhượng cho ai.

“Có đất cất nhà, vợ chồng tôi rất mừng, vất vả kiếm 2 triệu đồng trả thành quả lao động. Đến năm 2012, Cao Thanh Duy (cháu nội ông Khuyên, bà Tánh) kêu ký giấy thuê đất 5 năm thì mới ở được. Do không có chỗ ở, nhà cất chưa lâu nên vợ chồng tôi buộc phải ký hợp đồng. Hết thời hạn, chúng tôi xin cho ở tiếp 5 năm, ông Duy không đồng ý, khởi kiện đòi lại đất. Vì không hiểu pháp luật, bí bách về chỗ ở, tôi nói với tòa án mua lại đất giá 100 triệu đồng, nhưng ông Duy không đồng ý”- bà Kiều trình bày.

Vợ chồng ông Minh, bà Kiều trình bày sự việc

Bản án 151/2022/DS-ST, ngày 7/9/2022 về việc “Tranh chấp hợp đồng thuê quyền sử dụng đất” của Tòa án nhân dân TP. Long Xuyên quyết định: Hợp đồng thuê diện tích đất ngày 24/5/2012 giữa ông Cao Thanh Duy với ông Lê Trần Hải Minh, bà Phạm Thị Phượng Kiều là vô hiệu. Vợ chồng bà Kiều có nghĩa vụ hoàn trả lại 32,7m2 đất đã thuê; ông Duy trả giá trị căn nhà 70 triệu đồng. Bà Kiều kháng cáo bản án, bởi đất ông bà cho, họ đã trả thành quả lao động (như đã mua) và sử dụng 26 năm. Gia đình họ không có chỗ cất nhà cho 6 người ở, đang lao động hàng ngày kiếm sống. Họ yêu cầu tòa án xem xét, giải quyết cho gia đình giữ lại số đất, đúng như "Tờ cho đất cất nhà ở" của bà Tánh ngày 20/4/1997.

Qua đơn khởi kiện và tại phiên tòa ngày 7/9/2022, ông Cao Thanh Duy (sinh năm 1987, ngụ phường Mỹ Hòa) trình bày, bà nội ông (bà Nhan Thị Tánh) tặng cho ông diện tích đất theo "Tờ tự thuận" ngày 5/8/2004. Hiện nay, trong một số chú, bác, cô, có người đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Trước đây, bà Tánh cho vợ chồng ông Minh, bà Kiều diện tích đất ngang 3m, dài 10m. Sau ngày cho đất, ông đóng thuế luôn phần đất của vợ chồng bà Kiều đang ở. Năm 2012, ông yêu cầu 2 người trả đất, nhưng họ xin ở lại. Ngày 24/5/2012, các bên ký Hợp đồng thuê đất 5 năm, có xác nhận của Trưởng ban Nhân dân khóm Tây Khánh 2. Khi hết hạn, ông yêu cầu ông Minh, bà Kiều di dời nhà. Họ không thực hiện, yêu cầu trả giá trị nhà 60 triệu đồng, sau đó lên 100 triệu đồng, ông không đồng ý. Nay ông yêu cầu vợ chồng bà Kiều trả lại đất đã thuê.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP. Long Xuyên thông tin, việc tòa án xác định quan hệ tranh chấp vụ án là Hợp đồng thuê tài sản theo Bộ luật Tố tụng dân sự là chưa chính xác, mà cần xác định quan hệ tranh chấp của vụ án là đòi tài sản. Tờ cho đất cất nhà ở ngày 20/4/1997 thể hiện ông Minh, bà Kiều bồi hoàn thành quả lao động 2 triệu đồng. "Tờ tự thuận" ngày 5/8/2004 thể hiện nội dung: “Phần diện tích đất còn lại do tôi là chủ, sau khi tôi qua đời, sẽ giao lại cho cháu nội tôi là Cao Thanh Duy”. Như vậy cho thấy, chưa xác định phần đất ông Duy hưởng là bao nhiêu, ở đâu, vị trí thế nào; ông Duy cũng chưa được nhà nước cấp GCNQSDĐ; không đưa ra chứng cứ nào khác chứng minh phần đất tranh chấp đối với vợ chồng ông Minh. Từ đó, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Duy về việc buộc vợ chồng ông Minh trả lại 32,7m2 đất.

Theo Bản án 151/2022/DS-ST, ngày 7/9/2022, Hội đồng xét xử chỉ xem xét, giải quyết trong phạm vi của giao dịch dân sự là Hợp đồng thuê QSDĐ giữa các đương sự. Phía ông Duy, bà Kiều, ông Minh không ai yêu cầu công nhận quyền sử dụng diện tích 32,7m2 đất, nên tòa án không xem xét. Ông Duy chưa có GCNQSDĐ, việc ký kết hợp đồng cho thuê QSDĐ là vi phạm về quyền của chủ thể. Hợp đồng thuê diện tích đất ngày 24/5/2015 được lập thành văn bản, nhưng không được công chứng, chứng thực, không thực hiện thủ tục, trình tự đăng ký cho thuê QSDĐ... Hội đồng xét xử tuyên bố giao dịch giữa các bên bị vô hiệu.

ThS Nguyễn Hồng Hoai (Trung tâm Tư vấn pháp luật, Hội Luật gia tỉnh) cho biết, khoảng năm 1980-1990, pháp luật về đất đai chưa có chế định bồi thường, hỗ trợ tái định cư, mà chỉ có chế định bồi thường thành quả lao động trên đất. Việc thực hiện này phải căn cứ vào văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực tại thời điểm thu hồi đất. Quyết định 201-CP, ngày 1/7/1980 của Chính phủ quy định, nếu việc thu hồi đất không phải là do lỗi của người sử dụng đất hoặc bị trưng dụng đất, người bị thu hồi (cần có đất để sử dụng) được cấp đất khác. Nếu trên đất có nhà cửa, công trình xây dựng khác hoặc trồng cây lâu năm, cây ăn trái thu lợi thì được bồi thường thích đáng. Theo "Tờ cho đất cất nhà", vợ chồng ông Minh, bà Kiều đã trả thành quả lao động 2 triệu đồng thì phải xem xét giải quyết. Ngoài ra, chiếu theo "Tờ cho đất cất nhà", ông Minh, bà Kiều không được mua bán, sang nhượng, nhưng được ở lâu năm, pháp luật bảo vệ.

PHÒNG BẠN ĐỌC