Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một công trình có tầm khái quát lý luận cao, tổng kết thực tiễn cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam thời gian qua - biểu hiện của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng ta. Cuốn sách có giá trị như kim chỉ nam cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam trong thời gian tới.
Tuy nhiên, ngay khi cuốn sách ra mắt bạn đọc, thông qua các nền tảng mạng xã hội, website, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đã cố tình xuyên tạc, chống phá, phủ nhận ý nghĩa và giá trị của cuốn sách nhằm phủ nhận những kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam.
Thực tiễn cho thấy, uy tín của Đảng nói chung và uy tín của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói riêng, luôn được dư luận trong nước, quốc tế đánh giá rất cao. Tên tuổi, uy tín của Tổng Bí thư không phải bắt nguồn từ việc xuất bản sách hay không, mà bắt nguồn từ chính đạo đức, phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo và hiệu quả công tác thực tiễn. Tại buổi giới thiệu cuốn sách, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học đã nêu rõ: “Tổng Bí thư không có chủ đích viết sách về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đứng tên mình, không muốn tự đề cao mình. Nhưng sau khi xem toàn bộ nội dung cuốn sách và đặc biệt là sau khi xem lời tựa nói rằng Ban Nội chính Trung ương phối hợp Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật biên soạn cuốn sách này, Tổng Bí thư đồng ý”.
Với luận điệu xuyên tạc “phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam mãi chỉ là khẩu hiệu, hình thức” của bọn phản động lại càng trơ trẽn, phiến diện. Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật”, Đảng ta đã khẳng định tham nhũng là “quốc nạn”, “giặc nội xâm”… Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XIII đến nay, nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng đã được đưa ra xét xử nhanh chóng, không để tình trạng án đọng kéo dài gây bức xúc trong xã hội…
Tổng kết 10 năm thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022, cả nước thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức Đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã kỷ luật hơn 50 cán bộ diện Trung ương quản lý… Qua công tác thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975.000 tỷ đồng, gần 76.000ha đất; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, thay thế hơn 2.000 văn bản pháp luật… Kết quả này không chỉ được cán bộ, đảng viên và nhân dân ghi nhận, mà còn tạo ấn tượng đối với cộng đồng quốc tế. Bình luận về công cuộc phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam, báo The Economist - một tờ báo phục vụ độc giả nói tiếng Anh, đã sử dụng nguyên văn cụm từ "Dot lo" bằng tiếng Việt. Điều này cho thấy, công cuộc chống tham nhũng tại Việt Nam tạo nên ấn tượng vô cùng đặc biệt với cộng đồng quốc tế.
Theo Báo cáo chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2022 mới được Tổ chức Minh bạch quốc tế công bố, Việt Nam đã tăng 3 điểm so với năm trước, vươn từ 39 lên 42 trên thang điểm 100 và là một trong 6 quốc gia khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có tiến bộ nổi trội… Với những kết quả to lớn nêu trên, thật nực cười trước luận điệu của những kẻ xuyên tạc khi cho rằng “phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam mãi chỉ là khẩu hiệu…”?
Tham nhũng xuất hiện từ rất sớm, ngay từ khi có sự phân chia quyền lực và hình thành nhà nước. Như vậy, dù ở bất kỳ thể chế chính trị nào, mô hình nhà nước nào, nếu quyền lực bị tha hóa sẽ dẫn tới rất nhiều hệ lụy, đặc biệt là nạn tham nhũng. Nhìn sang Singapore, Đảng Hành động Nhân dân là đảng cầm quyền tại Singapore liên tục từ khi lập quốc đến nay, nhưng đảo quốc này là một trong 5 quốc gia ít tham nhũng nhất thế giới. Trong khi Somalia, Syria... là những nước có nhiều phe cánh, đảng phái chính trị và cũng là 2 trong số các nước có chỉ số tham nhũng cao nhất thế giới.
Cuốn sách của Tổng Bí thư ra đời là một cẩm nang vô cùng quý báu về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cuốn sách giúp bạn đọc trong và ngoài nước hiểu đúng, đầy đủ hơn về chủ trương, đường lối, quyết tâm của Đảng, nhà nước ta và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phòng, chống “giặc nội xâm”, qua đó củng cố và tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào quyết tâm của Đảng và Tổng Bí thư trong cuộc chiến cam go này. Bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt những nội dung sâu sắc từ cuốn sách, chúng ta cần phải mạnh mẽ bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc về cuốn sách mà các thế lực thù địch đang mưu đồ chống phá.
H.H