Trong 2 ngày 13 và 14-4, trên địa bàn tỉnh xuất hiện mưa trái mùa với lượng mưa khá lớn đã làm giảm nguy cơ cháy rừng từ cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm) xuống còn cấp II (cấp cháy trung bình). Tuy nhiên, vì thời tiết tiếp tục nắng nóng, không mưa nên đến ngày 19-4, mức dự báo cháy rừng đã trở lại cấp cháy V, tức có khả năng cháy lớn và lan nhanh trên các loại rừng.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm An Giang Trần Phú Hòa thông tin: “Đối với rừng đồng bằng thì sau những cơn mưa đầu mùa sẽ làm bùn đất, phèn trên lớp lá cây, cành khô, rễ cây, cỏ khô... dưới tán rừng được rửa sạch. Khi đó, khả năng bén lửa dễ dàng hơn nên nguy cơ cháy rừng đồng bằng sẽ tăng cao so với trước khi mưa. Vì vậy, công tác PCCCR cần được chính quyền địa phương, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng và các ngành liên quan tiếp tục quan tâm thực hiện cho đến hết mùa khô năm 2020”.
Toàn tỉnh hiện có 7 khu rừng tràm ở đồng bằng, với tổng diện tích 4.070ha. Trong đó, 3 khu rừng có diện tích lớn là rừng tràm Lâm trường Tỉnh đội (hơn 1.671ha), rừng tràm Bình Minh (963ha), rừng tràm Trà Sư (845ha).
Hiện nay, những khu rừng này vẫn đang có mức cảnh báo cháy rất cao nên ngành kiểm lâm đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc tích cực phối hợp cùng địa phương thực hiện tốt công tác PCCCR. Trong đó, luôn đảm bảo công tác ứng trực của lực lượng bảo vệ rừng, tham mưu chính quyền địa phương ngưng các hoạt động trong rừng tại các vùng trọng điểm cháy song song với việc thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng vào các giờ cao điểm nắng nóng.
Theo đó, ngành kiểm lâm đã xác định vùng trọng điểm cháy hơn 7.286ha trong tổng số 16.868ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp toàn tỉnh, để thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn trước “giặc lửa” qua giai đoạn khốc liệt của mùa khô năm nay.
Lực lượng bảo vệ rừng đã phát dọn, đốt cỏ cục bộ làm giảm vật liệu cháy trong rừng; đốt dọn các tuyến băng trắng, vùng đệm chống cháy lan từ ngoài vào tại các khu vực giáp diện tích sản xuất nông nghiệp. Với các khu rừng đồng bằng, lực lượng bảo vệ rừng tập trung duy trì nước dưới kênh, đốt dọn gốc rạ giáp rừng, đốt dọn cỏ trên các tuyến kênh và thực hiện vệ sinh rừng.
Hiện nay, tình hình thời tiết vẫn còn khá bất lợi, dễ gây ra hiện tượng cháy ở hầu hết diện tích rừng trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, việc huy động lực lượng, phương tiện gặp nhiều khó khăn do đã tập trung bố trí ở các khu vực trọng điểm cháy. Vì vậy, việc tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát để nắm tình hình sẽ giúp lực lượng bảo vệ rừng đưa ra phương án xử lý phù hợp.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền, vận động người dân cùng chung tay bảo vệ rừng đang là biện pháp đơn giản nhưng mang đến hiệu quả cao. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm còn kết hợp các đoàn thể, các xã có rừng thực hiện lồng ghép trong các buổi họp dân để tuyên truyền các nội dung PCCCR, chống chặt phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép, mua bán vận chuyển gỗ, lâm sản và động vật hoang dã trái phép...
Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ và Đặc dụng tỉnh Thái Văn Nhân cho biết, đơn vị đã phối hợp ngành kiểm lâm cùng các địa phương tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ rừng. Với khu vực rừng tràm Trà Sư, thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra, chốt chặn các khu vực trọng điểm và bố trí 2 tổ thay phiên tuần tra đêm trong rừng nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các vụ vi phạm.
Ngoài ra, đơn vị thường xuyên kiểm tra dụng cụ, phương tiện PCCCR, phát dọn cỏ và đốt chủ động các đường băng cản lửa, thực hiện khảo sát các hồ đập chứa nước và bổ sung nước vào các bồn phục vụ PCCCR khu vực đồi núi.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư khi khảo sát công tác PCCCR tại 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn đã khẳng định, tuy mùa khô năm nay đi qua 2/3 chặng đường nhưng lực lượng bảo vệ rừng không vì thế lơ là nhiệm vụ. Các đơn vị phải đảm bảo 100% quân số trong công tác trực nhật, đồng thời cho rà soát lại trang thiết bị, vật tư, nhiên liệu, điều kiện kinh phí phục vụ công tác PCCCR nhằm đảm bảo tốt phương châm “4 tại chỗ” khi có tình huống xảy ra.
Đối với rừng tràm Trà Sư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu đơn vị quản lý cho đóng cửa rừng, bổ sung thêm lực lượng chốt chặn, kiểm soát người ra vào để đảm bảo an toàn. Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh, Cảnh sát PCCC tỉnh tích cực tuần tra, kiểm tra tình hình các diện tích rừng có nguy cơ cao nhằm đưa ra phương án phòng cháy, chữa cháy phù hợp. Với tinh thần nỗ lực, tỉnh phấn đấu sẽ bảo vệ hiệu quả diện tích rừng qua mùa khô năm 2020.
Từ đầu năm tới nay, toàn tỉnh đã xảy ra 14 vụ cháy rừng. Trong đó có 13 vụ cháy xảy ra trong phạm vi đất quy hoạch lâm nghiệp với tổng diện tích 10,77ha. Các vụ cháy đều được những địa phương có rừng huy động lực lượng tham gia cứu chữa, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về rừng.
|
THANH TIẾN