Áp lực với mặt hàng này tuy vẫn còn, nhưng không quá lớn như cùng kỳ năm ngoái, không lo thiếu thịt lợn dịp tết.
Sản lượng thịt lợn tăng nhanh
Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, sản phẩm nông nghiệp phục vụ dịp tết năm nay của Hà Nội đa dạng, phong phú, chất lượng cao. Công tác tái đàn lợn tại địa bàn đang có nhiều thuận lợi, với tổng đàn lợn hiện đạt gần 1,4 triệu con.
Theo tính toán, nhu cầu thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 của Hà Nội ước khoảng 292.000 tấn gạo, gần 57.000 tấn thịt lợn, 19.000 tấn thịt gà, 18.000 tấn thịt bò, 396 triệu quả trứng gia cầm, 315.000 tấn rau củ, 15.000 tấn thủy hải sản, 18.000 tấn thực phẩm chế biến, 156.000 tấn trái cây.
Hiện sản lượng gia cầm, thủy sản đã đáp ứng 100% nhu cầu người dân Thủ đô, sản lượng gạo, rau, quả, thịt lợn, thịt gà… đáp ứng khoảng 60 - 90%.
Dây chuyền chế biến thịt mát tại Nhà máy MEATDeli Sài Gòn. Ảnh: M.H
Tuy vậy người dân Thủ đô cũng không phải lo chuyện thiếu thịt bởi Hà Nội đã liên kết với các tỉnh, thành phố đưa nông sản, thực phẩm an toàn về Thủ đô tiêu thụ.
Hiện đã có 25 đơn vị sản xuất, kinh doanh của TP.Hà Nội và các tỉnh, thành, 2 tổ chức tín dụng đăng ký tham gia chương trình bình ổn các mặt hàng thiết yếu thông qua 12.443 điểm bán, trong đó có 142 siêu thị; 1.351 cửa hàng tiện lợi, 7.680 cửa hàng tạp phẩm, 1.438 điểm bán tại các chợ, 495 bếp ăn tập thể, 5.000 điểm bán hàng ở các tỉnh, thành phố ngoài Hà Nội.
Tại "thủ phủ" chăn nuôi Đồng Nai, đàn lợn tại đây đã đạt khoảng 2,2 triệu con, tăng 25% so với dịp tết năm ngoái. Theo đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nguồn lợn thịt dồi dào này sẽ đủ phục vụ nhu cầu của người dân trong tỉnh.
Ngoài ra, mỗi ngày còn có khoảng 7.000 con lợn từ Đồng Nai được chuyển về TP.HCM tiêu thụ, chiếm khoảng 75% lượng lợn xuất chuồng trong ngày của Đồng Nai.
Nhiều doanh nghiệp, trang trại chuẩn bị bung hàng
Là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất ngành chăn nuôi lợn với tổng đàn chiếm khoảng 15% thị trường, đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần C.P Việt Nam cho biết, năm 2020, C.P đã tăng sản lượng sản xuất hơn 10% so với năm 2019.
Mỗi ngày, C.P cung ứng cho thị trường TP.HCM khoảng 3.000-3.500 con lợn, chưa kể thịt gia cầm và hàng trăm ngàn quả trứng.
Trước tình hình giá lợn hơi tăng liên tục từ tháng 12/2020 đến nay (dao động từ 81.000-85.000 đồng/kg), đại diện C.P cho biết, hiện giá lợn hơi không chỉ tăng ở Việt Nam mà tại Thái Lan cũng đang tiến sát mức 82.500 đồng, đặc biệt giá lợn hơi tại Trung Quốc cao hơn hẳn Việt Nam, dẫn đến một lượng lợn hơi được thương lái đưa sang nước này.
Đáng chú ý, để chủ động cung ứng hàng dịp Tết Nguyên đán 2021, Tập đoàn bán lẻ BRG cũng vừa nhập khẩu 3 container thịt lợn từ Mỹ (tương đương 23 tấn/container).
Ghi nhận tại chợ đầu mối Hóc Môn (chợ bán sỉ thịt lợn lớn nhất TP.HCM), tổng sản lượng lợn hơi về chợ này hiện đạt khoảng 4.200 con/đêm, tình hình buôn bán của tiểu thương thuận lợi nhờ sức mua tăng nhẹ.
Trong khi đó, đại diện Saigon Co.op cho biết đơn vị này đã chuẩn bị xong 3.500 tấn thịt lợn an toàn từ các đơn vị cung cấp thịt lợn và một lượng lớn thịt bò, thịt gà, thịt vịt, thủy hải sản...
Dây chuyền chế biến thịt lợn mát tại nhà máy MEATDeli Sài Gòn. T.L
Đại diện nhà phân phối sản phẩm thịt lợn mát MEATDeli cho biết, sản lượng thịt bán ra trong dịp tết sẽ tăng gấp 10 lần so với sản lượng sản xuất thông thường do có những dòng sản phẩm mới. Dự kiến dịp tết MEATDeli sẽ cung ứng 1.577 tấn thịt tươi; thịt chế biến 280 tấn, trong đó giò chả 80 tấn, xúc xích 200 tấn…
Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Nguyễn Công Bắc - chủ trang trại đang nuôi thường xuyên từ 6.000 - 7.000 con lợn thịt và trên 1.500 lợn nái tại TP.Sơn La (tỉnh Sơn La) cho biết, ông đã chuẩn bị khoảng 2.500 con lợn thịt để bán từ nay tới 30 tháng Chạp. Cách đây hơn 1 tuần, ông bán 60 tấn lợn với giá 80.000 đồng/kg. Tính ra, mỗi con lợn ông lãi ròng hơn 2 triệu đồng.
Theo ông Bắc, vài năm trở lại đây, nghề nuôi lợn rất vất vả vì hết khủng hoảng thừa lại đến dịch bệnh hoành hành, nhất là dịch tả lợn châu Phi. Cũng may, trang trại của ông chăn nuôi khép kín hoàn toàn, áp dụng công nghệ hiện đại, phòng dịch bệnh nghiêm ngặt nên đàn lợn vẫn an toàn, ít bị thiệt hại về đầu con.
Để đàn lợn sinh trưởng bình thường, kịp bán tết, ông đang phải tăng cường hệ thống sưởi bằng gas cho toàn bộ trại khi trời rét đậm, rét hại. Đèn điện được thắp cả ngày lẫn đêm, công nhân giám sát nhiệt độ liên tục để kịp thời điều chỉnh, giữ ấm cho lợn.
Theo Cục Thú y, gần đây, lượng lợn sống nhập khẩu từ Thái Lan về Việt Nam tăng vọt so với giai đoạn trước. Chỉ trong tháng 12/2020 và những ngày đầu tháng 1/2021, các doanh nghiệp đã nhập khẩu trên 100.000 con lợn thịt từ Thái Lan về giết mổ, chế biến. |
Theo Dân Việt