Khuyến cáo tiêm phòng cúm cho gia cầm để ngăn chặn đại dịch

22/05/2023 - 07:56

Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH) khuyến nghị các chính phủ cân nhắc tiêm vaccine phòng bệnh cúm gia cầm cho gia cầm để ngăn chặn virus lây lan và bùng phát thành đại dịch.

Gà được nuôi tại trang trại ở Jakarta, Indonesia. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Mức độ nghiêm trọng của dịch cúm gia cầm hiện nay cùng với những thiệt hại về kinh tế do dịch gây ra đã buộc các chính phủ phải xem xét việc tiêm phòng cho gia cầm. Tuy nhiên, một số nước, trong đó có Mỹ, vẫn còn lưỡng lự do lo ngại yêu cầu tiêm cúm gia cầm sẽ tạo ra rào cản đối với hoạt động thương mại.

Trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters mới đây, Tổng Giám đốc WOAH Monique Eloit cho rằng hiện hầu hết các quốc gia thực hiện thương mại quốc tế đều bị ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm, do đó hiện là thời điểm thích hợp để thảo luận vấn đề tiêm phòng cho gia cầm.

Bà cho biết tiêm phòng nên tập trung vào các loài gia cầm nuôi thả, chẳng hạn như vịt, vì cúm gia cầm lây truyền từ các loài chim hoang dã di cư. Tuy nhiên, quan chức này lưu ý việc tiêu hủy gia cầm nhiễm cúm một cách có hệ thống vẫn là công cụ chính để kiểm soát dịch bệnh.

Cũng theo người đứng đầu WOAH, nguy cơ lây truyền cúm gia cầm sang người hiện còn thấp, nhưng các nước cần chuẩn bị ứng phó với bất kỳ tình huống nào có thể xảy ra.

Dự kiến, từ ngày 21 - 25/5, WOAH sẽ tổ chức một phiên thảo luận chung, tập trung vào biện pháp kiểm soát các loại virus cúm gia cầm độc lực cao (HPAI) trên toàn cầu.

Kết quả một cuộc khảo sát của WOAH cho thấy chỉ có 25% trong số các quốc gia thành viên của tổ chức này đồng ý với kế hoạch cho phép nhập khẩu các sản phẩm từ gia cầm đã tiêm phòng cúm.

Năm ngoái, 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí thực hiện chương trình tiêm vaccine cúm gia cầm. Pháp dự kiến sẽ là quốc gia EU đầu tiên triển khai tiêm vaccine phòng cúm cho gia cầm, bắt đầu vào mùa Thu này.

Bộ Nông nghiệp Mỹ đang đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các loại vaccine tiềm năng có thể bảo vệ gia cầm khỏi mối đe dọa này. Tuy nhiên, bộ trên nhấn mạnh các biện pháp an toàn sinh học vẫn là công cụ hiệu quả nhất để ngăn chặn virus lây lan.

Đợt dịch cúm gia cầm hiện nay trên thế giới đã khiến các nước phải tiêu hủy hàng trăm triệu con gia cầm và gây bệnh cho cả động vật có vú như sư tử biển, cáo, rái cá và mèo.

Theo TTXVN