Khuyến học, khuyến tài trên vùng đất ông Thoại

06/09/2019 - 07:36

 - Từ vùng đất nghèo nàn, lạc hậu, Thoại Sơn vươn lên trở thành vựa lúa của cả nước, được phong 2 danh hiệu anh hùng, là lá cờ đầu của khu vực ĐBSCL về xây dựng nông thôn mới… Giờ đây, cũng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Thoại Sơn đang tiếp tục thành công với mô hình xây dựng quỹ Khuyến học-– khuyến tài (KHKT).

Từ chuyện học bổng “chẳng giống ai”…

Là một người con của quê hương Thoại Sơn nên sau khi về hưu, thạc sĩ Nguyễn Văn Khảm (nguyên Trưởng khoa Văn hóa Nghệ thuật- - Trường Đại học An Giang) đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội Khuyến học (KH) huyện Thoại Sơn. “Nhận thấy lâu nay, phần lớn việc trao học bổng nghiêng nặng về chuyện học tập nhưng ít quan tâm đến khen thưởng đạo đức học sinh, thầy Khảm làm "cầu nối" với một nhóm Việt kiều Mỹ quê An Giang quyết tâm xây dựng học bổng mang tên “phần thưởng hạnh đức”, tập trung vào 16 trường THCS và 14 trường THPT trên địa bàn huyện Thoại Sơn. Theo đó, trên cơ sở đề xuất của trường, Hội KH các xã sẽ đến từng nhà học sinh để xác minh, đảm bảo các em rèn luyện đạo đức, hạnh kiểm tốt cả ở trường và gia đình, có tham gia hoạt động xã hội. Dựa vào kết quả xác minh và bài tự viết về đạo đức của học sinh, mỗi em tiêu biểu nhất từng khối lớp của trường được chọn nhận học bổng “phần thưởng hạnh đức” với trị giá 2 triệu đồng; những em còn lại nhận phần thưởng động viên. Đối với học sinh THCS, phần thưởng sẽ được tặng kèm theo sách “Tâm hồn cao thượng”, còn học sinh THPT là sách “Đắc nhân tâm”.

Thoại Sơn chăm lo công tác khuyến học, khuyến tài

“Lần trao đầu tiên (năm 2017), tổng giá trị khen thưởng hạnh đức là 2.000 USD, lần thứ 2 (năm 2018) là 2.200 USD, còn tại lễ khai giảng năm học 2019-2020 này, có 76 em được trao thưởng với tổng trị giá 3.000 USD (tương đương 70 triệu đồng). Đây là học bổng có tính ổn định cao, được các nhà tài trợ đồng tình ủng hộ” - thầy Khảm nhấn mạnh.

…đến tấm lòng của người lãnh đạo

Trong thời gian công tác tại Trường Đại học An Giang, câu chuyện về một sinh viên quê Thoại Sơn bị điện giật nhưng không có nguồn kinh phí trợ giúp kịp thời làm thạc sĩ Nguyễn Văn Khảm luôn ray rứt. “Đối với các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, dù có quen thân cỡ nào nhưng đi vận động nhiều lần mình cũng thấy ngại. Việc khen thưởng, hỗ trợ theo hình thức xin được bao nhiêu cho bấy nhiêu không mang tính ổn định, bền vững. Phải làm sao xây dựng được nguồn quỹ KHKT mà ngày càng “nở” ra, chứ không thu hẹp lại và phải có sẵn kinh phí để trợ giúp kịp thời các trường hợp đột xuất”- thầy Khảm trăn trở.

Những năm qua, tại huyện Thoại Sơn đã xuất hiện 2 nguồn quỹ hoạt động rất có hiệu quả là quỹ Học bổng Nguyễn Văn Thoại (hiện đạt hơn 2 tỷ đồng) và quỹ KHKT Trường THCS Định Mỹ (hiện hơn 1 tỷ đồng). “Cả 2 quỹ học bổng này đều do ông Ba Nưng (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng) khởi xướng. Đầu năm 2018, sau khi tổ chức đám tang cho mẹ, ông Ba Nưng đã có nhã ý tặng 100 triệu đồng cho Hội KH huyện Thoại Sơn. Sau đó,  huyện thống nhất giao cho xã, thị trấn nào vận động đủ 400 triệu đồng thì sẽ được tặng 100 triệu đồng để thành lập quỹ KHKT (theo Nghị định 30 của Chính phủ, muốn thành lập quỹ xã hội phải có tiền mặt từ 500 triệu đồng trở lên cho quỹ hoạt động). Tuy nhiên, chỉ có thị trấn Núi Sập “dám” đứng ra đảm nhận”- thầy Khảm nhớ lại.

Nhờ sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị ở thị trấn Núi Sập, quỹ KHKT đầu tiên của huyện Thoại Sơn vượt ngoài mong đợi khi số tiền vận động hơn 1,14 tỷ đồng. Ngày 2-6-2018, UBND huyện Thoại Sơn đã long trọng tổ chức lễ ra mắt quỹ KHKT thị trấn Núi Sập, đồng thời kết hợp triển khai Kế hoạch số 112/KH-UBND (ngày 31-5-2018) về vận động và thành lập quỹ KHKT trên địa bàn huyện Thoại Sơn. Theo đó, mỗi xã, thị trấn sẽ được huyện hỗ trợ 205 triệu đồng, vận động đối ứng ít nhất 295 triệu đồng để đảm bảo vốn điều lệ từ 500 triệu đồng trở lên cho quỹ hoạt động. Số tiền huyện hỗ trợ gồm 150 triệu đồng khen thưởng nông thôn mới, 50 triệu đồng đóng góp của cán bộ, nhân viên hàng năm và 5 triệu đồng của một nhà hảo tâm hỗ trợ cho mỗi xã, thị trấn.

Thành công của thị trấn Núi Sập đã tạo động lực, hứng khởi cho các xã, thị trấn còn lại trên địa bàn huyện Thoại Sơn. “Nguyên tắc hoạt động của quỹ KHKT là gửi toàn bộ số tiền vào tổ chức tín dụng, chỉ được sử dụng lãi cho khen thưởng, hỗ trợ. Các nhà hảo tâm thấy được số tiền của họ không mất đi, mà có ý nghĩa chăm lo lâu dài cho giáo dục nên yên tâm đóng góp nhiều hơn, giúp quỹ “nở” ra thêm. Thấy được ý nghĩa này, các tổ chức tín dụng khi nhận gửi tiền cũng tính lãi suất cao nhất (khoảng 8%/năm). Có đơn vị như Quỹ tín dụng Vọng Đông còn đối ứng thêm 5% trên số tiền gửi”- thầy Khảm thông tin.

Phát huy vai trò cấp ủy

17 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều đã tổ chức lễ ra mắt quỹ KHKT. Tính chung, với quỹ KH huyện Thoại Sơn, quỹ Học bổng Nguyễn Văn Thoại và quỹ KHKT Trường THCS Định Mỹ thì tổng nguồn quỹ KHKT trên địa bàn huyện hiện nay gần 17 tỷ đồng. Sau lễ khai giảng năm học 2019-2020, công tác vận động sẽ tiếp tục nhằm phấn đấu hoàn thành sớm Đề án số 04/ĐA-UBND, có thể tổ chức tổng kết ngay trong dịp 20-11-2019. Với 19 tỷ đồng gửi tiết kiệm, các xã, thị trấn sẽ có tiền lãi hơn 1 tỷ đồng mỗi năm để chăm lo công tác KHKT.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn Nguyễn Ngọc Điệp tặng giấy khen của UBND huyện cho các cá nhân có đóng góp vào Quỹ khuyến học – khuyến tài

Dĩ nhiên, để có số tiền quỹ lớn như hiện nay, đòi hỏi nỗ lực và quyết tâm rất lớn. Trở lại câu chuyện của thị trấn Núi Sập, địa phương tiên phong vận động thành lập quỹ KHKT và đang có nguồn quỹ lớn nhất hiện nay với 1,141 tỷ đồng (các xã, thị trấn còn lại có nguồn quỹ từ 505-778 triệu đồng). Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Núi Sập Nguyễn Ngọc Thơ (sáng lập viên quỹ KHKT thị trấn) cho biết, công tác vận động ban đầu rất khó khăn. “Khi quyết định nhận vốn “mồi” 100 triệu đồng, Đảng ủy thị trấn đặt quyết tâm rất cao. Do đây là mô hình mới, chưa ai làm nên phải mất nhiều thời gian giải thích. Thị trấn đã thành lập nhiều đoàn đi vận động, bản thân Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND đều trực tiếp tham gia cùng các ngành, đoàn thể và cán bộ, đảng viên của thị trấn. Nhờ sự kiên trì, quyết tâm của cả hệ thống chính trị đã tạo thành phong trào sâu rộng, chỉ sau 3 tháng đã vận động vượt mức kế hoạch ban đầu”- ông Thơ chia sẻ.

Thành công trong xây dựng mô hình quỹ KHKT ở huyện Thoại Sơn một lần nữa cho thấy, khi cấp ủy Đảng phát huy tốt vai trò, trách nhiệm sẽ kéo theo cả hệ thống chính trị cùng tham gia. “Tôi thấy quỹ này rất có ý nghĩa, mình đóng góp vào sẽ được giữ đó để lo cho nhiều thế hệ con, cháu sau này. Chỉ có khuyến khích học tập và hỗ trợ tài năng thì quê hương, đất nước mới phát triển”- nông dân Huỳnh Nhan Thiện Truất (ấp Tây Bình C, xã Vĩnh Chánh), người đóng góp 50 triệu đồng vào quỹ KHKT xã Vĩnh Chánh, bộc bạch.

Ngày 18-5-2019, quỹ KHKT xã Mỹ Phú Đông (địa phương vùng sâu, khó khăn nhất của huyện Thoại Sơn) chính thức ra mắt. Dịp này, UBND huyện Thoại Sơn kết hợp tổ chức triển khai Đề án số 04/ĐA-UBND (ngày 15-5-2019) về xã hội hóa hoạt động xây dựng và phát triển hệ thống quỹ KHKT trên địa bàn huyện giai đoạn 2019-2020. Phó Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn Nguyễn Ngọc Điệp cho biết, thời điểm triển khai đề án, tổng nguồn quỹ KHKT của huyện mới hơn 9 tỷ đồng nhưng huyện quyết tâm đặt mục tiêu phấn đấu đạt 19 tỷ đồng vào năm 2020.

 

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN