Kiểm soát bệnh sởi: Chủ động khống chế, bao phủ vaccine
08/04/2025 - 13:38
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, đẩy nhanh tiêm chủng vaccine, bệnh sởi ở nước ta đã được kiểm soát, có xu hướng chung giảm.
AA
Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng dự báo, dịch sởi chưa dừng lại, cần hết sức thận trọng, sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều ca sốt phát ban nghi sởi tại các tỉnh, thành phố, đặc biệt ở một số tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế còn khó khăn, những địa phương có tỷ lệ tiêm vaccine phòng sởi thấp.
Thăm khám cho bệnh nhi mắc sởi đang được điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
Chủ động khống chế
Từ cuối năm 2024 đến đầu năm 2025, bệnh sởi ở Việt Nam gia tăng mạnh. Cả nước đã ghi nhận hơn 52.000 ca mắc sởi, hầu hết trường hợp mắc sởi đều chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ mũi theo quy định.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh sởi, ngày 15/3, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị toàn quốc về phòng, chống bệnh sởi. Bộ đề nghị, các địa phương tiếp tục khẩn trương tổ chức, ưu tiên đảm bảo nhân lực, hậu cần, kinh phí, vật tư, thiết bị đẩy nhanh tiến độ chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống bệnh sởi, phải hoàn thành trong tháng 3/2025. Bộ Y tế thành lập 6 đoàn kiểm tra, giám sát phòng, chống bệnh sởi.
Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 23/CĐ-TTg yêu cầu đẩy nhanh tiêm chủng vaccine phòng, chống bệnh sởi. Để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, không để lây lan, bùng phát trên diện rộng, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống bệnh sởi; kết thúc chiến dịch chậm nhất trong ngày 31/3/2025.
Bộ Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế thu dung, điều trị bệnh nhân mắc sởi và sốt phát ban nghi sởi, theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục khẩn trương chỉ đạo đánh giá tình hình, diễn biến bệnh sởi tại địa phương để có kế hoạch tổ chức chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh sởi theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không để bùng phát dịch trong thời gian tới.
Ghi nhận ca mắc liên tục tăng, các địa phương chủ động biện pháp phòng chống, khoanh vùng, khống chế không để bùng phát thành dịch.
Tại Đà Nẵng, tính từ đầu năm 2025 đến ngày 6/4, toàn thành phố ghi nhận khoảng 3.700 ca nghi sởi (cùng kỳ năm 2024 có 11 ca báo cáo); 973 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với sởi (chiếm 83,7% các trường hợp lấy mẫu xét nghiệm). Thành phố gấp rút, nỗ lực phối hợp với các ngành, địa phương triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi tại 47/47 xã, phường và kết thúc chiến dịch đến ngày 31/3. Có 21.560 trẻ em từ 6-9 tháng tuổi và trẻ em từ 1-10 tuổi chưa tiêm đủ 2 liều vaccine phòng sởi được tiêm bổ sung, đạt 96,23% (đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra).
Hệ thống khám chữa bệnh tại Đà Nẵng đủ khả năng đáp ứng với tình hình bệnh sởi. Bên cạnh việc khám chữa bệnh thường xuyên theo phân công, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên bố trí sẵn sàng 650-700 giường bệnh điều trị nội trú đối với bệnh nhân nghi sởi, sởi và khoảng 30 giường điều trị bệnh nhân sởi nặng.
TP Hồ Chí Minh triển khai nhiều biện pháp quyết liệt và đồng bộ, trong đó chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi cho trẻ từ 1-10 tuổi. Nhờ tỷ lệ bao phủ vaccine tăng cao, cộng đồng đã được tăng cường miễn dịch, góp phần quan trọng kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Sở Y tế Thành phố thông tin, sau khi công bố hết dịch, trong bối cảnh di biến động dân cư và tình hình dịch sởi vẫn còn diễn tiến phức tạp tại các tỉnh, thành trong khu vực, địa phương tiếp tục duy trì giám sát, phát hiện ca bệnh nghi ngờ trong cộng đồng và trường học, thu thập mẫu tiến hành xét nghiệm xác định chẩn đoán để kịp thời xử lý, ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch trở lại.
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ ngày 28/3 đến 4/4, tổng số ca mắc sởi trên địa bàn tiếp tục gia tăng nhiều nhất từ đầu năm 2025 đến nay; trong đó, toàn thành phố ghi nhận 206 trường hợp mắc sởi, nâng tổng số ca mắc sởi ở thành phố từ đầu năm 2025 là hơn 1.400 ca. Số ca mắc sởi chủ yếu ở người chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ; dự báo, Hà Nội tiếp tục ghi nhận ca bệnh trong thời gian tới.
CDC Hà Nội tiếp tục giám sát việc phòng, chống sởi; đồng thời đề nghị Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát và tổ chức tiêm vaccine sởi cho trẻ em thuộc đối tượng tiêm chủng, tập trung đối tượng trẻ 6 đến dưới 9 tháng và trẻ từ 1-10 tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi.
Vaccine là giải pháp hữu hiệu nhất
Bệnh sởi rất dễ lây lan và thường gây thành dịch nhưng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vì thế, tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh sởi đã từng xảy ra những đợt dịch lớn theo chu kỳ khoảng 5 năm, do sự tích lũy các đối tượng chưa có miễn dịch đối với bệnh sởi trong cộng đồng..
Trước đây, hầu hết trẻ em đều mắc sởi. Song nhờ việc triển khai rộng rãi tiêm vaccine sởi trong nhiều năm đã khống chế thành công bệnh sởi. Đặc biệt, bệnh sởi chỉ có thể cắt đứt sự lây truyền khi miễn dịch trong cộng đồng đạt ít nhất 95%.
Để đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng, Bộ Y tế đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống bệnh sởi theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 25/3/2025.
Bộ Y tế đã chủ động huy động các nguồn lực để đảm bảo cung ứng đủ, kịp thời vaccine phòng bệnh sởi cho các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước. Cùng với chiến dịch tiêm chủng năm 2024 và 2025, trên cơ sở nhu cầu đề xuất của địa phương, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2025 đợt 2.
Kế hoạch được triển khai tại 54 tỉnh, thành phố (trừ 9 tỉnh, thành phố gồm TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cà Mau, Kon Tum, Long An, Sóc Trăng, Bến Tre, Kiên Giang, Bạc Liêu không nằm trong kế hoạch do đã hoàn thành chiến dịch tiêm chủng từ năm 2024/đợt 1 năm 2025) cho trẻ từ đủ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi, trẻ từ 1- 10 tuổi chưa được tiêm đủ mũi vaccine chứa thành phần sởi theo quy định với mục tiêu bao phủ từ 95% trở lên.
Các tỉnh, thành phố đã khẩn trương rà soát đối tượng, tuyên truyền, vận động cha mẹ, người giám hộ đưa trẻ đi tiêm chủng, tổ chức hình thức tiêm chủng linh hoạt phù hợp đặc điểm của từng vùng, khu vực bao gồm tiêm chủng trong ngày nghỉ (thứ 7, Chủ nhật) hoặc tiêm chủng buổi tối.
Theo thống kê của Bộ Y tế, đến hết ngày 3/4, có 53/54 tỉnh đã triển khai tiêm chủng vaccine phòng, chống bệnh sởi được 762.320/800.719 đối tượng, đạt 95,2%. Đặc biệt, thành phố Cần Thơ do đã hoàn thành việc tiêm chủng cho các nhóm đối tượng đạt tỷ lệ cao trong năm 2024 và đầu năm 2025 nên còn số ít đối tượng cần tiêm chủng, triển khai lồng ghép vào ngày tiêm chủng thường xuyên.
Có 40/53 tỉnh đạt tỷ lệ tiêm trên 95%; trong đó có 5 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao nhất bao gồm Bắc Giang (98,0%), Khánh Hòa (97,5%), Phú Yên (97,5%), Lạng Sơn (97,4%), Tiền Giang (97,3%); 12/53 tỉnh tỷ lệ tiêm cao từ 90-95%. Chỉ còn Hòa Bình có tỷ tiêm dưới 90% và đang tiếp tục tiêm vét cho trẻ hoãn tiêm.
Cao Bằng là địa phương có bệnh sởi bùng phát mạnh với khoảng 3.200 ca mắc từ đầu năm đến nay. Để đạt mục tiêu tăng tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng, tỉnh đã triển khai tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi cho hơn 10.000 trẻ tại 10 huyện, thành phố. Đến ngày 31/3, Cao Bằng đã tiêm cho gần 7.100 trẻ, tương đương 91,15% kế hoạch.
Để đạt mục tiêu bao phủ vaccine, các địa phương đã nỗ lực thống kê, rà soát, "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng", tích cực truyền thông để người dân đưa con em đến điểm tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cao Bằng Nông Trí Truyền cho biết, để tiêm chủng theo đúng quy định và đảm bảo hiệu quả, tạo miễn dịch cộng đồng đạt trên 95%, Trung tâm đề nghị các đơn vị lập danh sách cụ thể trẻ chưa được tiêm chủng theo kế hoạch (theo nhóm tuổi từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi, từ 1 - 5 tuổi, từ 6 - 10 tuổi) để tổ chức tiêm bù, tiêm vét ngay nhằm tạo miễn dịch phòng bệnh...
Theo thống kê đến ngày 31/3, Đắk Lắk đã tiêm được 41.220 liều vaccine phòng bệnh sởi trong tổng số 42.943 đối tượng, đạt 96% với nhóm đối tượng từ 6 tháng đến 10 tuổi. Nhờ đó, số ca mắc sởi có xu hướng giảm, toàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp tử vong do bệnh này. Đây là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ và nỗ lực của toàn ngành y tế địa phương trong bối cảnh điều kiện triển khai còn nhiều khó khăn. Thời gian tới, Đắk Lắk tiếp tục rà soát, triển khai tiêm vét tại các huyện, xã còn trẻ em chưa được tiêm đủ liều nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Liên quan đến bệnh sởi, ngày 18/3, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đã ra Tuyên bố chung về các nỗ lực phòng chống bệnh sởi ở Việt Nam. Trong đó, tổ chức này đánh giá cao những biện pháp nhanh chóng và quyết liệt mà Bộ Y tế Việt Nam đã triển khai để ứng phó với đợt bùng phát bệnh sởi hiện nay, đồng thời bày tỏ, cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong kiểm soát đợt bùng phát bệnh sởi hiện tại và ngăn chặn sự lây lan của bệnh.
Theo TTXVN
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: