Kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh trái phép qua đường mòn, lối mở

27/11/2020 - 08:48

 - Gần 3 tháng, Việt Nam không có cas mắc COVID-19 mới trong cộng đồng. Thế nhưng, nguy cơ dịch bệnh vẫn tiềm ẩn rất cao, khi tình trạng nhập cảnh trái phép ở các khu vực biên giới diễn biến phức tạp.

Theo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP), từ đầu năm đến nay, hơn 20.000 người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam bị phát hiện, với thủ đoạn nhập cảnh trái phép ngày càng tinh vi. Chuẩn bị tới Tết Nguyên đán nên nhu cầu thăm thân nhân của người dân khu vực biên giới rất lớn. Bên cạnh đó, đời sống của nhân dân ở vùng biên còn gặp nhiều khó khăn, thiếu việc làm, nhất là trong mùa nông nhàn. Vì nhu cầu mưu sinh, người dân tìm mọi cách để xuất, nhập cảnh (XNC) trái phép. Tình trạng người Việt Nam nhập cảnh trái phép, trốn cách ly khi về nước cũng đang diễn biến phức tạp. Một số lao động ở Lào về không muốn cách ly nên nhập cảnh trái phép qua các đường mòn, lối mở; một số lao động từ Brunei nhập cảnh trái phép về nước qua tuyến biển… Việc nhập cảnh trái phép chủ yếu được tiến hành thông qua mạng xã hội; các đối tượng liên lạc với nhau bằng sim rác, sau đó thuê “xe ôm”, taxi để vận chuyển người trái phép. Đáng chú ý, một số đối tượng lẩn trong tàu hàng, tàu cá, container để vào Việt Nam.

Lực lượng chức năng tuần tra, nhắc nhở người dân chung tay phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: GIA KHÁNH

Tại An Giang, người XNC trái phép bị lực lượng chức năng liên tục phát hiện, nhất là vào đêm khuya, rạng sáng. Điển hình như vụ việc xảy ra vào 21 giờ 15 phút ngày 22-11, tại đoạn biên giới thuộc ấp An Khánh, xã Khánh An (An Phú). Tổ công tác phòng, chống dịch COVID-19 Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình (BĐBP An Giang) phối hợp Công an xã Khánh An tuần tra, kiểm soát địa bàn. Qua đó, phát hiện 3 đương sự nghi vấn nhập cảnh trái phép từ Campuchia về Việt Nam. Những người đàn ông này có độ tuổi từ 33 - 45, làm cùng công ty chuyên sửa chữa máy phát điện tại TP. Hồ Chí Minh. Được một người bạn ở Campuchia nhờ sửa máy cho một khách hàng cũ, cả 3 đi xe ô tô của công ty từ TP. Hồ Chí Minh xuống đoạn biên giới xã Khánh An. Khi đến nơi đã là 2 giờ ngày 22-11. Từ biên giới, họ được một người chạy xe Honda đầu chở ra bờ sông, rồi đi xuồng xuất cảnh trái phép sang Campuchia. Sau khi sửa máy xong, họ quay lại nhập cảnh trái phép về Việt Nam, chi phí đi-về 400USD/người. Trong lúc chờ xe công ty đến đón thì bị lực lượng chức năng kiểm tra, mời về đồn làm việc. Các đương sự bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “Qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục XNC theo quy định” (Điểm a, Khoản 3, Điều 17 Nghị định 167/NĐ-CP của Chính phủ), mức phạt tiền 4 triệu đồng/người. Đồng thời, bị đưa đi cách ly tập trung theo quy định.

Trước đó, khoảng 2 giờ 30 phút ngày 12-11, Tổ công tác của Đồn Biên phòng Phú Hữu đang làm nhiệm vụ kiểm soát lưu động tại khu vực ngã ba cua Ông Cải (thuộc ấp Đồng Ky, Quốc Thái, An Phú) thì phát hiện 1 xe ô tô biển kiểm soát 93A-193.25 chạy từ hướng Khánh An theo Quốc lộ 91C về TP. Châu Đốc, có biểu hiện nghi vấn. Tổ công tác ra tín hiệu dừng phương tiện để kiểm tra. Qua kiểm tra, phát hiện trên xe chở 2 người (cùng ngụ tỉnh Thái Nguyên). Tổ công tác đã mời họ về đồn để điều tra, làm rõ. Họ khai nhận nhập cảnh trái phép từ Campuchia về Việt Nam giải quyết việc gia đình. Cả 2 bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi nhập cảnh trái phép, phạt tiền 4 triệu đồng. Tài xế bị xử phạt về hành vi che giấu, giúp đỡ người khác đi lại trái phép trong khu vực biên giới, mức phạt 400.000 đồng.

 Làm việc với các đối tượng nhập cảnh trái phép về Việt Nam

Đây chỉ là 2 trong rất nhiều vụ việc tương tự đã được phát hiện, ngăn chặn kịp thời trên tuyến biên giới An Giang. Ngày 11-11, UBND tỉnh ban hành Công văn số1197/UBND-KGVX về việc tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh trái phép qua đường mòn, lối mở. Theo đó, UBND tỉnh giao Bộ Chỉ huy BĐBP chủ trì, phối hợp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Sở Y tế, Sở Ngoại vụ, UBND các huyện, thị xã, thành phố biên giới (Tri Tôn, Tịnh Biên, An Phú, TP. Châu Đốc và TX. Tân Châu) tiếp tục tập trung thực hiện nghiêm việc phòng, chống dịch tại khu vực biên giới; tăng cường kiểm soát chặt chẽ các đường mòn, lối mở không để các trường hợp nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Nếu cá nhân, đơn vị nào để xảy ra có trường hợp nhập cảnh trái phép thì cá nhân, đơn vị đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, thường xuyên tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép trong cộng đồng, báo ngay cho chính quyền địa phương để tổ chức cách ly, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Khi dịch bệnh trong nước có dấu hiệu “lắng dịu”, dễ nảy sinh tâm lý lơi lỏng, chủ quan trong nhân dân. Nhu cầu mưu sinh, tìm thu nhập thêm của họ (đặc biệt là người dân tuyến biên giới) trong giai đoạn “đóng cửa” biên giới tăng cao sau nhiều tháng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, dẫn đến tình trạng người dân địa phương “tiếp tay” cho các đối tượng XNC trái phép. Tuy nhiên, thù lao kiếm được sẽ không thể nào bù đắp nổi thiệt hại nhiều mặt khi có trường hợp nhiễm bệnh lọt vào cộng đồng. Vì vậy, việc tiếp tục giữ vững hệ thống phòng, chống dịch bệnh từ lực lượng chức năng, chính quyền địa phương và từng người dân là cần thiết, cấp bách. Có như thế mới giữ được thành quả và công sức phòng chống dịch của cả nước thời gian qua.

Bài, ảnh: GIA KHÁNH