Bộ đội Biên phòng Đồng Tháp kiểm soát chặt chẽ khu vực cửa khẩu nhằm ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép gia cầm vào trong tỉnh.
Kiểm soát chặt việc vận chuyển qua biên giới
Trung bình mỗi ngày, có khoảng 200 lượt người qua lại Cửa khẩu Quốc tế Dinh Bà (xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng). Những ngày qua, Bộ đội Biên phòng Đồng Tháp cùng các lực lượng liên quan làm nhiệm vụ tại cửa khẩu kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện xuất nhập cảnh. Trung tá Thân Văn Cường, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Dinh Bà cho biết, đơn vị đã triển khai nhiều biện pháp để phòng, chống dịch cúm gia cầm. Đồn chỉ đạo các trạm, chốt trực thuộc tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát khép kín trên tuyến biên giới nhằm kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp mua bán, vận chuyển trái phép gia cầm và sản phẩm từ gia cầm qua lại biên giới.
Theo Trung tá Thân Văn Cường, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Dinh Bà quản lý, bảo vệ tuyến biên giới dài hơn 17 km thuộc 2 xã Tân Hộ Cơ, Bình Phú (huyện Tân Hồng). Đơn vị thường xuyên trao đổi với lực lượng bảo vệ biên giới của tỉnh Prey Veng để nắm tình hình dịch bệnh, kịp thời tham mưu cho UBND các cấp và báo cáo Bộ Chỉ huy, có giải pháp ứng phó, phòng dịch H5N1 hiệu quả; phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành liên quan tổ chức tuyên truyền trong nhân dân về tình hình dịch bệnh ở nước bạn để người dân chủ động phòng, chống.
Luôn nêu cao tinh thần cảnh giác với dịch bệnh, UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành Công điện khẩn về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm H5N1. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chủ động phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện nghiêm việc kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới, đặc biệt tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở. Tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
Theo Bác sĩ chuyên khoa II Dương Ân Hận, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận ổ dịch nguy hiểm hoặc các bệnh lây truyền từ động vật sang người. Gần đây, Bộ Y tế Campuchia ra thông cáo báo chí chính thức về việc phát hiện trường hợp cúm gia cầm trên người và đã có trường hợp tử vong tại huyện Sithor Kandal, tỉnh Prey Veng. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá bệnh H5N1 không có khả năng lây lan quá mạnh, chỉ lây trên những đối tượng có yếu tố đặc biệt. Tuy nhiên, cần hết sức cảnh giác với dịch H5N1 trong trường hợp xảy ra biến chủng mới, có động lực cao vì sẽ rất nguy hiểm, nếu nhiễm trên người thì khả năng tử vong cao từ 50 - 90%.
Bác sĩ chuyên khoa II Dương Ân Hận cho hay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tập trung giám sát nhằm phát hiện sớm những trường hợp nghi nhiễm cúm H5N1 tại cửa khẩu; phát hiện sớm những trường hợp bệnh, chùm ca bệnh/ổ dịch cúm và viêm hô hấp chưa rõ nguyên nhân tại cộng đồng và các cơ sở y tế để triển khai xử lý kịp thời. Ngoài việc tăng cường giám sát các trường hợp nhập cảnh qua biên giới từng tiếp xúc với gia cầm bị bệnh, ngành y tế cũng giám sát ở các bệnh viện. Đối với những trường hợp viêm phổi nặng, nghi do vi rút sẽ được lấy mẫu gửi về Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh xét nghiệm. Bác sĩ chuyên khoa II Dương Ân Hận khuyến cáo, hiện nay, cúm gia cầm có thể lưu hành trên các loài chim, cò hoang dã nên mọi người cần tránh tiếp xúc với chúng; không nên chế biến và ăn thịt gia cầm bị bệnh.
Đẩy mạnh tiêm vaccine cho gia cầm
Bên cạnh quản lý biên giới, phòng dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào, ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp cũng đang quan tâm việc tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn gia cầm. Ông Bạch Tuấn Kiệt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Đồng Tháp cho biết, chi cục đã chỉ đạo nhân viên thú y cơ sở tăng cường giám sát dịch bệnh, đẩy mạnh công tác tiêm phòng vaccine cúm cho đàn gia cầm đợt I/2023 và tổ chức tiêm phòng bổ sung, tiêm phòng theo lứa tuổi khi có gia cầm mới phát sinh nhằm sớm bao phủ vaccine. Người chăn nuôi cần phối hợp với cán bộ thú y cơ sở trong việc tiêm phòng vaccine cúm cho đàn gia cầm; nên áp dụng những biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, mua con giống rõ nguồn gốc, tiêu độc, khử trùng chuồng trại… sẽ góp phần phòng bệnh cho đàn gia cầm, chăn nuôi có hiệu quả.
Anh Nguyễn Văn Hóa ngụ huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp có thâm niên gần 20 năm làm nghề nuôi vịt chạy đồng. Khoảng 1 tuần trước, anh Nguyễn Văn Hóa đưa đàn vịt 2.600 con (nuôi lấy trứng) từ huyện Cao Lãnh đến cánh đồng thuộc xã Thông Bình, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp. Nghe tin có dịch cúm H5N1 ở Campuchia nên anh đã liên hệ cán bộ thú y xã Thông Bình yêu cầu tiêm vaccine cúm cho đàn vịt của mình.
“Sau khi liên hệ, cán bộ thú y xã đã nhanh chóng đến tiêm vaccine cúm. Trong lúc bệnh H5N1xảy ra phía bên kia biên giới, tôi nghĩ việc tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn vịt là rất quan trọng và cần thiết, vừa giúp tránh lây lan dịch bệnh vừa an toàn cho đàn vịt của tôi”- anh Hóa chia sẻ.
Lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện qua lại cửa khẩu nhằm ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép gia cầm vào Đồng Tháp.
Toàn tỉnh Đồng Tháp có khoảng 3,5 triệu con vịt và gà. Hiện nay, tỉnh đang trong giai đoạn tiêm phòng vaccine cúm gia cầm đợt I/2023, kéo dài từ ngày 1/1 - 31/5/2023. Tính từ ngày 1/1/2023 đến giữa tháng 2/2023, so với số lượng tổng đàn thuộc diện tiêm phòng vaccine cúm, Đồng Tháp đã tiêm mũi 1 cho gà đạt tỉ lệ 4,9%, cho vịt đạt tỉ lệ 18,7 %; tiêm mũi 2 cho gà đạt tỉ lệ 8,33% và cho vịt đạt 10,47%. Trong bối cảnh tỉnh Prey Veng (Campuchia) đã xuất hiện ca nhiễm và có trường hợp tử vong trên người vì cúm H5N1, Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh Đồng Tháp phối hợp với các đơn vị, địa phương đang đẩy mạnh tiêm vaccine cúm gia cầm.
Ông Bạch Tuấn Kiệt cho hay, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Đồng Tháp đã gửi văn bản đề nghị các đơn vị liên quan yêu cầu UBND các xã, phường, thị trấn chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật lực để chủ động ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra. Đơn vị đã tổ chức đoàn công tác đi khảo sát tại các cửa khẩu và khu vực biên giới để kiểm tra, nắm tình hình vận chuyển gia súc, gia cầm qua biên giới; đôn đốc, nhắc nhở lực lượng trực ở các trạm kiểm dịch động vật phải có mặt 24/24, giám sát chặt tình hình, kiên quyết đấu tranh, ngăn ngừa việc vận chuyển gia súc, gia cầm nhập lậu quan biên giới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện yêu cầu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, UBND cấp xã củng cố lực lượng phản ứng nhanh tại cấp cơ sở, tập trung chỉ đạo phòng ngừa và khống chế dịch bệnh cúm gia cầm hiệu quả; khẩn trương kiểm tra, đôn đốc tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ tối thiểu trên 80% tổng đàn có nguy cơ và đối tượng thuộc diện tiêm phòng.
Bên cạnh đó, yêu cầu cơ sở, người chăn nuôi chấp hành đăng ký chăn nuôi và khai báo dịch bệnh với UBND xã, phường, thị trấn; tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine cho đàn gia cầm theo quy định. Nếu không chấp hành việc tiêm phòng và áp dụng những biện pháp phòng bệnh bắt buộc cho vật nuôi sẽ không được xem xét hỗ trợ từ ngân sách nhà nước khi có dịch bệnh xảy ra theo quy định.
Theo TTXVN