Kiểm soát diện tích trồng sầu riêng

16/03/2023 - 05:39

 - Giá bán sầu riêng luôn ở mức cao, đầu ra ổn định… đã mang lại lợi nhuận hấp dẫn cho nông dân. Hiệu quả từ mô hình, nhiều nông dân đã chuyển đổi diện tích đất trồng lúa, vườn tạp, các loại cây ăn trái khác để trồng sầu riêng. Tuy nhiên, việc tăng diện tích một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát, theo phong trào, không theo định hướng, sẽ dẫn đến hậu quả khó lường, khiến cung vượt cầu.

Cùng với một số địa phương khác, hiện nay, người dân trên địa bàn tỉnh đang đầu tư, phát triển mô hình trồng sầu riêng. Một trong những lý do để nông dân lựa chọn loại cây trồng này là giá bán cao, lợi nhuận hấp dẫn, đầu ra ổn định… 

Trước đây, gia đình ông Đào Văn Đua (xã Lê Trì, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) trồng rừng phòng hộ xen với các loại cây trồng: Xoài, bơ, mít, mãng cầu… Sau nhiều năm khai thác, các loại cây trồng này không còn mang lại giá trị kinh tế cao.

Ông Đua quyết định tìm giống cây trồng mới thay thế. Được sự hỗ trợ của ngành chuyên môn, ông mạnh dạn thay thế các loại cây trồng cũ để trồng sầu riêng. Giống được ông Đua lựa chọn là Ri-6 và Monthong. Nhờ thổ nhưỡng thích hợp nên chất lượng sầu riêng ở núi Dài khá cao, được nhiều người ưa chuộng.

“Gia đình tôi canh tác 7 công đất vườn (7.000m2), trong đó có khoảng 60 cây sầu riêng cùng nhiều loại cây trồng khác. Giá sầu riêng những năm qua luôn ổn định, từ 80.000-90.000 đồng/kg. Mỗi năm, gia đình tôi thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng” - ông Đào Văn Đua chia sẻ.

Diện tích trồng sầu riêng phát triển mạnh thời gian qua

Không riêng ông Đua, nhiều nông dân ở khu vực núi Dài đẩy mạnh phát triển diện tích sầu riêng. Nhờ trồng loại nông sản này đã giúp đời sống người dân khu vực núi Dài ngày càng cải thiện. Những vườn cây ăn trái không những đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn thu hút du khách đến tham quan, thưởng thức tại vườn...

Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), việc phát triển cây sầu riêng đang diễn ra ồ ạt, không theo quy hoạch của ngành nông nghiệp. Một số nơi có điều kiện thổ nhưỡng, vị trí địa lý không thuận lợi cho cây sầu riêng phát triển, dẫn đến năng suất và chất lượng không đạt yêu cầu…

Để phát triển sầu riêng bền vững, hiệu quả, phù hợp định hướng phát triển chung của ngành, vừa qua, Sở NN&PTNT An Giang đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung nghiên cứu Công văn 140/TT-CCN, ngày 23/2/2023 của Cục Trồng trọt, đồng thời tổ chức thực hiện tại địa phương. Việc triển khai phải đảm bảo phát triển cây sầu riêng theo kế hoạch, có kiểm soát và gắn kết được doanh nghiệp tiêu thụ. Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, phường, thị trấn, doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ dân trồng sầu riêng nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 8084/CT-BNN-TT của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.

Ngành nông nghiệp còn yêu cầu các địa phương tiếp tục tuyên truyền cho người dân tổ chức sản xuất theo quy hoạch và theo nhu cầu, định hướng của thị trường. Khuyến cáo không nên tăng diện tích, sản lượng mà tập trung tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất, chuẩn hóa quy trình từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, phân phối… Qua đó, nhằm nâng cao giá trị gia tăng, tránh tình trạng trồng tự phát, nhỏ lẻ gây khó khăn cho quản lý dịch hại và liên kết tiêu thụ.

Sở NN&PTNT cũng yêu cầu triển khai, thực hiện Quyết định 3302/QĐ-UBND, ngày 31/12/2021 của UBND tỉnh về Kế hoạch phát triển vùng sản xuất chuyên canh và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tập trung các hoạt động nâng cao chất lượng cây ăn trái, hướng đến xây dựng được tiêu chuẩn chất lượng, tạo vùng nguyên liệu ổn định, có gắn mã số vùng trồng phục vụ thị trường trong và ngoài nước.

Mặt khác, yêu cầu địa phương khẩn trương thực hiện Quyết định 1994/QĐ-UBND, ngày 26/8/2021 của UBND tỉnh về phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau, màu và cây ăn trái giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch 114/KH-SNNPTNT, ngày 27/12/2022 của Sở NN&PTNT về phê duyệt kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang rau, màu và cây ăn trái trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2023.

Trong đó, cần định hướng rõ các vùng lợi thế, vùng phù hợp đối với các cây trồng chuyển đổi. Các địa phương cần lưu ý với các diện tích phát triển cây sầu riêng phải phù hợp với quy hoạch chung. Song song đó, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa theo đúng quy định.

Sở NN&PTNT An Giang chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng giống cây ăn trái nói chung, cây sầu riêng nói riêng. Đồng thời, quan tâm công tác bình tuyển, công nhận cây đầu dòng, vườn cây giống đầu dòng, tạo nguồn giống chất lượng cho nông dân…

MINH ĐỨC