Kiếm tiền từ những món… ăn chơi

03/06/2022 - 06:18

 - Không đòi hỏi nhiều vốn, cũng không cần đầu tư mặt bằng rộng rãi, bàn ghế cầu kỳ… chính là lợi thế của mô hình kinh doanh món ăn vặt, đang được nhiều bạn trẻ lựa chọn khởi sự kinh doanh, thu lợi nhuận ổn định.

Món ăn bình dị

Trước đây, anh Phan Văn Lành (phường Long Phú, TX. Tân Châu, tỉnh An Giang) làm nghề thợ hồ. Đây cũng là nguồn thu nhập chính để lo kinh tế gia đình. Sau đó, một lần tình cờ vào mạng xã hội, anh Lành xem được video người bán món đậu hũ hấp kẹp rau răm và muối ớt rất hấp dẫn, thu hút nhiều thực khách. Thấy món ăn đơn giản mà lại được đón nhận như vậy, trong khi ở địa phương chưa có ai làm, anh Lành nảy ra ý tưởng kinh doanh. Nghĩ là làm, anh Lành đầu tư chiếc xe máy cũ, gắn thêm mái che, lò than, nồi hấp. Lúc mới bắt đầu, anh hồi hộp vì sợ mọi người chưa biết tới nhiều, bán không được. Bởi vậy, anh cố gắng đầu tư chỉn chu, một phần đậu hũ để trong nồi hấp giữ nóng, phần còn lại bảo quản lạnh trong thùng xốp, đảm bảo luôn tươi ngon.

Với món ăn vặt này, đậu hũ phải ngon, muối tiêu vừa miệng, rau răm phải tươi. Một chút cay của ớt, nồng của rau răm, cùng vị mặn đậm đà của muối tiêu pha chút ớt và chút chua nhè nhẹ của tắc, giúp miếng đậu hũ trở nên tròn vị, kích thích vị giác. Gọi là ăn chơi cũng được, ăn no cũng không sai.

“Ban đầu, chưa biết mọi người có đón nhận như ở trên mạng không, tôi chỉ lấy chừng vài chục miếng đậu hũ, chả đòn để bán thử. Những nguyên liệu này đều được đặt ở lò, hàng mới mỗi ngày nên rất ngon. May mắn, món ăn bình dị nhưng được mọi người thích, mỗi miếng đậu hũ chỉ có 5.000 đồng, còn chả đòn 15.000 đồng, giá bình dân nên người dân quê hay thành thị đều ăn được. Mà ít người nào mua 1 miếng lắm, thường mỗi lần mua từ vài miếng trở lên. Khách hàng đa dạng, từ học sinh đến người lớn” - anh Lành thiệt tình.

Nhờ chất lượng ngon, giá cả cạnh tranh, thương hiệu bánh tráng cô Kiều được nhiều người ủng hộ

Trên xe, anh gắn thêm loa để giới thiệu món ăn, rong ruổi khắp các tuyến đường nội ô ở TX. Tân Châu. Nhờ vậy, xe bán đậu hũ kẹp rau răm của anh được nhiều người biết đến, ủng hộ. Từ vài chục miếng lúc ban đầu, hiện nay mỗi ngày anh Lành có thể bán được khoảng 100-150 miếng đậu hũ, chả đòn. Sau khi trừ chi phí, anh có được nguồn thu nhập ổn định hơn so với nghề làm phụ hồ trước đây.

Bán “giải trí” rồi chuyển qua làm chủ

Sẵn mặt bằng thuê kinh doanh cửa hàng quần áo, bạn Lê Công Tuấn Em (TP. Long Xuyên) và chị gái bàn bạc mở thêm gian hàng bán các loại bánh tráng trộn sẵn. Kinh doanh thử nghiệm, được khách hàng ủng hộ nhiệt tình, thay vì nhập bánh làm sẵn từ xưởng như trước đây, Tuấn Em nhập bánh về gia công tại nhà, xây dựng thương hiệu “Bánh tráng cô Kiều”, bên cạnh bán lẻ còn mở thêm kênh bán sỉ với nhiều ưu đãi.

Theo Tuấn Em, kinh doanh bánh tráng không cần quá nhiều vốn, vì mỗi sản phẩm chỉ dao động từ 9.000-10.000 đồng, nếu mua nhiều hoặc lấy sỉ thì giá rẻ hơn. Bên cạnh đó, không cần mặt bằng để mở tiệm mà có thể bán trên xe đẩy đặt trước cổng trường học, công viên hoặc bán online.

“Hiện giờ, mình đã có 4 xe bán lẻ, đặt ở phường Bình Khánh, Mỹ Phước, Mỹ Long… Ngoài ra, còn có nhiều khách sỉ ở huyện, học sinh sau khi ăn ngon quyết định nhập về bán online. Hàng mới được gia công liên tục, đảm bảo chất lượng” - Tuấn Em thông tin.

Để tiếp cận thêm khách hàng, ngoài trang mạng xã hội facebook, zalo cá nhân, Tuấn Em còn tạo tài khoản “Bánh tráng cô Kiều” để giới thiệu sản phẩm, chia sẻ trong hội, nhóm ăn uống. Hàng ngày, các công đoạn làm hàng, đóng gói sản phẩm đều được bạn chụp ảnh lại để khách hàng tiện theo dõi, tạo được lòng tin. Thêm vào đó, khách sỉ có thể lấy hình ảnh về đăng, giới thiệu sản phẩm cho khách hàng.

“Chất lượng sản phẩm là một trong những tiêu chí mà mình đặt lên hàng đầu. Sắp tới, tôi cố gắng mở thêm nhiều xe bán lẻ, hỗ trợ giao hàng miễn phí cho khách. Bên cạnh đó, nghiên cứu, cho ra mắt sản phẩm mới để tạo sự mới mẻ, phù hợp với tâm lý của khách hàng, nhất là bạn trẻ” - Tuấn Em giải thích.

Hiện nay, chỉ có bánh tráng là Tuấn Em nhập từ xưởng, còn nguyên liệu khác, như: Muối ớt, sa tế, sốt me… đều do gia đình làm mới mỗi ngày, đảm bảo vừa miệng, an toàn. Sản phẩm đa dạng, từ không cay, cay ít đến cay nhiều… dễ tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng. Từ em nhỏ 5, 6 tuổi cho đến học sinh, nhân viên văn phòng cũng trở thành khách hàng thân thiết. Thực khách của những hàng ăn vặt đa phần là các bạn trẻ. Do vậy, ngoài quan tâm đầu tư chất lượng thì người bán nên cập nhật, bắt kịp theo xu hướng. Phải “nhanh và nhạy” trong tìm kiếm món mới, đáp ứng được nhu cầu của thực khách, nhất là giới trẻ.

ÁNH NGUYÊN