Kiên quyết ngăn chặn “tín dụng đen”

08/08/2022 - 08:50

 - Thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh An Giang có chiều hướng phức tạp, biến tướng, tinh vi, chủ yếu do các đối tượng cư trú ngoài tỉnh đến hoạt động. Công an tỉnh đang tăng cường đấu tranh truy quét, nhằm loại trừ, xử lý triệt để tội phạm “tín dụng đen”, đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) và an toàn xã hội.

Theo Công an tỉnh, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” thường hoạt động núp bóng bằng hình thức thành lập các công ty tư vấn đầu tư phát triển thương mại, công ty thương mại - dịch vụ, các cơ sở kinh doanh, cầm đồ, cho vay dưới hình thức không cần nhiều thủ tục, giấy tờ; chỉ cần thế chấp một số giấy tờ liên quan, như: Chứng minh nhân dân/căn cước công dân, hộ khẩu, giấy phép lái xe… là được giải ngân cho vay vốn với lãi suất trả góp hàng ngày rất cao từ 20-60%.

Để đảm bảo thu hồi được nợ vay, các đối tượng đã có sự câu kết với các nhóm đối tượng bảo kê hoạt động liên tuyến, liên địa bàn để đe doạ, khủng bố tinh thần, như: Uy hiếp, ném chất bẩn, dán thông báo truy tìm lừa đảo hoặc dùng vũ lực thực hiện hành vi cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng… xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tổn hại về tinh thần, gây bức xúc trong nhân dân. Nạn nhân của các vụ việc liên quan đến “tín dụng đen” rất đa dạng, thuộc nhiều tầng lớp, lứa tuổi, trình độ học vấn và nghề nghiệp khác nhau.

Theo đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh, các đối tượng cho vay nặng lãi thường là những người có tiền án, tiền sự, như: Cố ý gây thương tích, giết người, đòi nợ thuê... với thủ tục vay nhanh gọn khiến nhiều người dân sập bẫy. “Tín dụng đen” thường diễn ra như những hoạt động ngầm, âm thầm, nhưng hệ lụy của nó ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động bình thường trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; làm cho rất nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn, phải tha phương cầu thực, gia đình mâu thuẫn, ly tán… Đồng thời, là điều kiện hình thành các ổ nhóm tội phạm hoạt động mang tính côn đồ, bạo lực, manh động, gây bất an cho xã hội.

Trước thực trạng trên, ngày 27/7, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đã ký Công văn 843/UBND-NC chỉ đạo tăng cường phòng, chống các hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”. Theo đó, để ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả và đẩy lùi “tín dụng đen”, lành mạnh hóa thị trường tín dụng, ổn định cuộc sống của người dân, UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân về cho vay trong các giao dịch dân sự, về “tín dụng đen”, bẫy “tín dụng đen”. Thông báo những phương thức, thủ đoạn cho vay lãi nặng, lừa đảo thông qua huy động vốn tự phát với lãi suất cao bất thường, các hành vi đòi nợ trái pháp luật, hậu quả của “tín dụng đen” và các vụ việc nghiêm trọng liên quan đến vỡ hụi thời gian qua để người dân nâng cao cảnh giác. Tăng cường quản lý việc cấp giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT đối với các tổ chức, cá nhân; kiên quyết thu hồi các loại giấy trên đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần mở rộng các khoản vay tín dụng tiêu dùng, có thêm nhiều gói sản phẩm cho vay nhỏ, ngắn hạn; thực hiện chính sách tín dụng gắn với các chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn các đối tượng có hành vi phát, dán tờ rơi, quét sơn quảng cáo liên quan đến cho vay, huy động vốn có dấu hiệu của “tín dụng đen”. Tổ chức bóc gỡ, xóa bỏ tờ rơi, bảng quảng cáo dán, treo trên tường, cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông, cây xanh, nơi công cộng liên quan đến cho vay tài chính, cầm đồ làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị...

Các lực lượng chức năng triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chủ động nắm tình hình, rà soát lên danh sách các băng, nhóm, đối tượng, tổ chức tín dụng, cơ sở kinh doanh, dịch vụ cho vay, cầm, cố, thuê tài sản liên quan hoạt động “tín dụng đen”, như: Cho vay lãi nặng, đòi nợ, siết nợ, các điểm giao dịch, trụ sở hoạt động, lưu trú (khách sạn, nhà trọ, nhà cho thuê của các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”) để có kế hoạch quản lý, phòng ngừa, đấu tranh triệt phá, làm trong sạch địa bàn.

 UBND tỉnh đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan “tín dụng đen”. Cán bộ và nhân dân chấp hành nghiêm quy định của Bộ luật Dân sự về hợp đồng vay tài sản, lãi suất trong các giao dịch dân sự; chủ động phát hiện, phòng ngừa, tố giác các hành vi vi phạm. Không trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia các hoạt động cho vay lãi nặng, “tín dụng đen”, lợi dụng kinh doanh dịch vụ cầm đồ, đòi nợ, kinh doanh tài chính để vi phạm pháp luật. Người dân, doanh nghiệp phải tìm đến nguồn thông tin chính thức từ các tổ chức tài chính hợp pháp, website tin cậy, tham khảo ý kiến tư vấn chính thống trước khi quyết định vay vốn.

Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh cho biết: “6 tháng đầu năm 2022, qua kiểm tra 508 cơ sở kinh doanh có điều kiện liên quan đến ANTT, Công an tỉnh phát hiện 124 cơ sở dịch vụ cầm đồ có dấu hiệu hoạt động “tín dụng đen”. Thời gian tới, lực lượng công an sẽ tiến hành rà soát, lập danh sách đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh có điều kiện, để có biện pháp ngăn chặn”.

 

P.V