Kinh tế phục hồi trong các ngành sản xuất chế tạo, bán lẻ và du lịch

04/10/2022 - 07:59

Tại buổi làm việc với Bộ Tài chính chiều 3/10, Đoàn Cán bộ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) do bà Era Dabla-Norris, Trợ lý Vụ trưởng Vụ Châu Á - Thái Bình Dương làm Trưởng đoàn, cho biết: Kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ trong các ngành sản xuất chế tạo, bán lẻ và du lịch.

Công nhân may tại Công ty TNHH May mặc Dony. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

IMF dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ khoảng 7 - 7,5% năm 2022; lạm phát trung bình thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4%. 

Sản lượng ngành sản xuất đã lấy lại động lực tăng trong tháng 8/2022, sau khi đã chậm lại trong tháng 7/2022 khi các công ty tiếp tục phục hồi từ đại dịch COVID-19 và có số lượng đơn đặt hàng mới tăng.

Theo công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê (TCTK), giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm nay ước tính tăng 9,63% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 7,16%; quý II tăng 9,51%; quý III tăng 12,12%). 

So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng tăng ở hầu hết các địa phương (61 địa phương tăng, 2 địa phương giảm). Chỉ số sản xuất 9 tháng năm 2022 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất đồ uống tăng 31,9%; sản xuất trang phục tăng 22,5%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 20,4%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 18,3%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 17,3%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 16,4%; sản xuất thiết bị điện tăng 14,9%; sản xuất phương tiện vận tải khác và sản xuất sản phẩm thuốc lá cùng tăng 11,4%.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, du lịch Việt Nam đang có sự phục hồi khá toàn diện. Tuy số lượng gần 1,9 triệu lượt khách quốc tế chỉ mới đạt hơn 20% mục tiêu năm 2022, và thấp hơn nhiều so với thời điểm trước COVID-19; nhưng sự tăng trưởng trong những tháng gần đây đã cho thấy sức hút của du lịch Việt Nam đối với khách quốc tế đang tăng lên nhanh chóng. Bởi trong 9 tháng qua, lượng khách quốc tế đã tăng 16,4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Điều này mở ra hy vọng về sự bùng nổ của lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong những tháng còn lại của năm 2022.

Kinh tế - xã hội 9 tháng năm nay được các chuyên gia TCTK đánh giá nhìn chung khởi sắc ở hầu hết các lĩnh vực. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý III/2022 tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước, nhiều ngành đã khôi phục mạnh mẽ và đạt mức tăng trưởng cao hơn trước khi dịch COVID-19 xảy ra như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa… là những yếu tố tích cực tác động đến chỉ số sản xuất công nghiệp và thương mại trong nước tăng cao. 

Đại diện IMF cũng đưa ra khuyến nghị Việt Nam cần phối hợp các chính sách vĩ mô một cách cẩn trọng để quản lý rủi ro và giảm nhẹ tác động của các lựa chọn đánh đổi về chính sách; tiếp tục tiến hành cải cách để đảm bảo tăng trưởng bền vững, phát triển doanh nghiệp, tăng cường đầu tư vào vốn con người.

IMF nhận định chính sách tài khoá của Việt Nam đang hỗ trợ tốt cho nền kinh tế, các biện pháp miễn, giảm, giãn thuế đã triển khai theo đúng kế hoạch, cải cách về quản lý thuế như tăng cường thu thuế thương mại điện tử và củng cố quản lý rủi ro tuân thủ được ghi nhận. IMF khuyến nghị các chính sách tài khóa cần linh hoạt trong bối cảnh nhiều bất ổn đáng kể.

Phát biểu tại buổi làm việc chiều 3/10, bà Hoàng Diệu Linh – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính cho biết, từ ngày 22 - 29/9/2022, Đoàn cán bộ của IMF đã làm việc với nhiều đơn vị của Bộ Tài chính để nghiên cứu, phân tích, đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô, tình hình triển khai các giải pháp về chính sách tài khóa, chính sách thuế, chính sách quản lý nợ công, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Việt Nam sau đại dịch COVID-19, giải pháp về kiểm soát lạm phát, giải pháp tài chính đối với biến đổi khí hậu… Bộ Tài chính ghi nhận các khuyến nghị của IMF và sẽ rà soát, nghiên cứu kỹ các khuyến nghị này để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách tài khóa, đảm bảo an toàn và ổn định tài chính, củng cố tăng trưởng kinh tế bền vững trong dài hạn.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng TCTK nhận định: Từ nay tới cuối năm, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn và ngày càng có quan hệ sâu rộng với các nền kinh tế trên thế giới nên biến động giá cả hàng hóa trên thế giới có tác động nhất định đến giá cả và lạm phát trong nước, tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào tổng cầu của bên ngoài. 

Trong khi đó, tình hình thế giới vẫn biến động  phức tạp, khó lường, các vấn đề căng thẳng địa chính trị khu vực, toàn cầu, lạm phát cao và xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều nước; giá dầu thô, khí đốt, một số hàng hóa cơ bản biến động mạnh; tăng trưởng kinh tế thế giới suy giảm, thị trường quốc tế bị thu hẹp, tiềm ẩn nguy cơ suy thoái kinh tế và tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với ổn định tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực.

Những diễn biến này vượt khỏi khả năng dự báo của các nước, các tổ chức quốc tế và tạo áp lực rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là áp lực kiểm soát lạm phát nhưng vẫn phải thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2022 và năm 2023. “Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong quý IV/2022, Việt Nam cần thực hiện tốt giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công được giao; nhất là đối với các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao, đồng thời tiết kiệm chi thường xuyên, chi sự nghiệp có tính chất đầu tư, các khoản chi chưa thực sự cần thiết”, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết.

Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam cần quyết liệt triển khai nhanh, hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt cần khẩn trương hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh việc triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho vay theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ. Do ước tính đến hết tháng 8/2022, gói hỗ trợ này mới chỉ giải ngân được 13,5 tỷ đồng, tương đương chưa đến 0,1% kế hoạch giải ngân trong năm 2022. Việc triển khai gói cấp bù lãi suất 2% đang rất chậm so với kế hoạch của Chính phủ. 

"Việc đẩy nhanh triển khai hiệu quả gói gói hỗ trợ lãi suất 2% là hết sức cần thiết trong bối cảnh lãi suất điều hành và lãi suất tiền gửi mới được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng vào ngày 22/9/2022, sẽ bù đắp phần nào việc tăng lãi suất do sức ép từ việc tăng lãi suất huy động và có thể giúp giảm lãi suất cho vay", Tổng cục trưởng TCTK cho biết.

Theo MINH PHƯƠNG (Báo Tin Tức)

 

Liên kết hữu ích