Kinh tế tập thể thích ứng biến đổi khí hậu

19/02/2025 - 07:43

 - Biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp. Nhiều hợp tác xã nông nghiệp (HTX) có hoạt động sản xuất - kinh doanh thích ứng với biến đổi khí hậu hiệu quả, như: Chuyển đổi cây trồng vật nuôi; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; áp dụng quy trình canh tác bền vững; tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Nhiều mô hình điển hình

Tỉnh đã hỗ trợ HTX, tổ hợp tác xây dựng, triển khai thực hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn chất lượng, mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong nông nghiệp, mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm… Qua tổng kết, đánh giá cho thấy, các mô hình đều đạt hiệu quả kinh tế cao, có khả năng nhân rộng.

Điển hình như mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP (canh tác lúa bền vững), ứng dụng cơ giới hóa và thực hiện liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp. Qua đó, hỗ trợ 11 mô hình ứng dụng thiết bị gieo sạ cụm để gieo sạ và ứng dụng máy bay phun xịt để gieo sạ, quy mô thực hiện 50 ha/mô hình. Các chủ thể tham gia mô hình được tập huấn sản xuất lúa theo tiêu chuẩn bền vững SRP, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ. Sau tổng kết mô hình, nông dân tham gia đạt lợi nhuận đạt từ 19,7 - 44,2 triệu đồng/ha.

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp  

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tỉnh đã hỗ trợ triển khai 20 mô hình sản xuất lúa carbon thấp (1 phải 6 giảm), tổng diện tích 100ha. Thực hiện chuyển giao kỹ thuật ứng dụng tổng hợp tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa thương phẩm cho nông dân. Kết quả, giúp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) hiệu quả, kết hợp áp dụng đồng bộ giải pháp giảm lượng giống gieo sạ, áp dụng cơ giới hóa, bón phân cân đối… góp phần giảm công lao động, ô nhiễm môi trường, hướng đến sản xuất bền vững. Năng suất lúa dao động trung bình từ 6 - 7tấn/ha (cao hơn đối chứng 300kg/ha). Lợi nhuận trên 39,2 triệu đồng/ha, cao hơn đối chứng hơn 6 triệu đồng/ha.

Tỉnh đã xây dựng 4 mô hình “Vùng sản xuất lúa giống xác nhận tập trung, ứng dụng cơ giới hóa (thiết bị sạ cụm) và công nghệ sau thu hoạch gắn với liên kết tiêu thụ”. Hỗ trợ cung cấp kiến thức cho nông dân tham gia mô hình về sản xuất lúa giống cấp xác nhận; lợi nhuận đạt từ 37,5 - 42,9 triệu đồng/ha. Hay triển khai hiệu quả mô hình sản xuất sản xuất lúa hàng hóa thương phẩm theo quy trình “1 phải 5 giảm” kết hợp công nghệ sinh thái. Hỗ trợ nông dân tham gia mô hình tập huấn về sản xuất lúa theo quy trình ứng dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ trên nền kỹ thuật “1 phải 5 giảm”, kết hợp công nghệ sinh thái ruộng lúa bờ hoa, về giảm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và gắn với liên kết tiêu thụ; hiệu quả kinh tế của mô hình cao hơn so đối chứng.

Tăng hỗ trợ

Toàn tỉnh hiện có 229 HTX, gồm: 179 HTX đang hoạt động với khoảng 10.900 thành viên; 2 liên hiệp HTX và 1.193 tổ hợp tác hoạt động trong nông nghiệp. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước những diễn biến thất thường của thời tiết, để giúp HTX thích ứng, tỉnh đã chỉ đạo đồng bộ trong hệ thống chính trị triển khai các giải pháp và phương án ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt là công tác theo dõi, cảnh báo, dự báo thay đổi của thời tiết, thủy văn, xâm nhập mặn tại một số điểm tiếp giáp với tỉnh Kiên Giang.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Trần Thanh Hiệp, tỉnh thành lập tổ khuyến nông cộng đồng tại 11 huyện, thị xã, thành phố để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phát triển HTX trong giai đoạn mới, hình thành vùng nguyên liệu tập trung tham gia Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL tại An Giang. 

Mô hình kết hợp công nghệ sinh thái ruộng lúa bờ hoa

Để nâng cao khả năng thích ứng, tỉnh đã và đang khuyến khích HTX mạnh dạn chuyển đổi thực hiện mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động sản xuất, như: Trồng dưa lưới, trồng rau màu trong nhà màng, nhà lưới; đầu tư hệ thống tưới phun tự động kết hợp phun thuốc; hệ thống tuần hoàn nước trong chăn nuôi; canh tác theo tiêu chuẩn; đặc biệt ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp… Qua đó, đã có 36 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, 20 HTX ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản trị, sản xuất.

Thay đổi tư duy

Đặc biệt, HTX đã thay đổi tư duy, tập quán sản xuất kiểu cũ, truyền thống, tích cực tham gia đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, tiếp nhận và ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Từ đó, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có sức đề kháng, sức chống chịu tốt, phù hợp điều kiện thời tiết, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ giới hóa đồng bộ trên đồng ruộng, ứng dụng chương trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, “1 phải 6 giảm”, ứng dụng phần mềm nhật ký sản xuất theo dõi quá trình canh tác, ứng dụng mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn chất lượng (SRP, IPM, Viet GAP, Global GAP…).

HTX đã biết tận dụng phụ phẩm từ rơm rạ để phát triển sinh kế và tái sản xuất phân hữu cơ, tham gia quảng bá sản phẩm, giao dịch mua bán trên sàn thương mại điện tử, tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với doanh nghiệp, tổ chức… Nhờ vậy, ngày càng thích ứng được với tác động, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như hiện nay, để sản xuất - kinh doanh bền vững.

HẠNH CHÂU