Khởi sắc bức tranh kinh tế
Tăng trưởng GRDP 9 tháng qua của tỉnh An Giang đạt kết quả khả quan. Công nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định, hoạt động sản xuất được tăng cường, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Thương mại - dịch vụ phát triển mạnh mẽ. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 881 triệu USD (tăng 1,86% so cùng kỳ). Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt 60,02% kế hoạch. Tổng thu ngân sách nhà nước từ kinh tế địa bàn ước đạt 5.560 tỷ đồng, đạt 83,76% dự toán HĐND tỉnh giao.
“Tăng trưởng GRDP của tỉnh trong 9 tháng năm 2023 đứng thứ 28 cả nước và thứ 5 trong khu vực ĐBSCL. Mặc dù tốc độ tăng trưởng vẫn giữ được mức khá cao và ổn định, nhưng vẫn chưa đạt như kỳ vọng, thấp hơn cùng kỳ 0,38 điểm % (cùng kỳ năm 2022 đạt 6,79%) và thấp hơn kịch bản điều hành từ 0,56 - 1 điểm %. Điều này cho thấy những khó khăn trong nội tại của nền kinh tế, trong từng ngành và lĩnh vực, trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp vẫn chưa được giải quyết tốt; những ảnh hưởng từ bên ngoài đã tác động nhiều đến kinh tế nước ta nói chung và tỉnh ta nói riêng.
Đánh giá tổng thể chung của nền kinh tế, khu vực nông nghiệp vẫn giữ “vai trò bệ đỡ” của nền kinh tế khi tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ đóng góp tăng trưởng GRDP cao hơn cùng kỳ; đối với 2 khu vực còn lại (công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ) sụt giảm và tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ năm 2022” - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình thông tin.
Phấn đấu GRDP đạt 7 - 7,5%
Theo ước tính, để đạt chỉ tiêu tăng trưởng GRDP năm 2023 từ 7 - 7,5% theo Nghị quyết của HĐND tỉnh thì tăng trưởng GRDP quý IV phải đạt từ 8,8 - 9,5%. Đây là chỉ tiêu rất cao, trong khi dự báo tình hình kinh tế và những yếu tố bất lợi còn diễn biến phức tạp và khó lường. “Để giữ vững thành quả đạt được trong 9 tháng qua, trong 3 tháng còn lại của năm 2023, UBND tỉnh sẽ nỗ lực, quyết tâm hơn để thực hiện đạt kết quả cao nhất theo Nghị quyết của HĐND tỉnh.
Phấn đấu tăng trưởng GRDP quý IV sẽ cao hơn quý III để bình quân cả năm 2023 đạt cao hơn nữa. Từ đó, tạo đà thuận lợi thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2024 và giảm áp lực cho những năm tiếp theo để phấn đấu đạt những chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) với kết quả cao nhất” - đồng chí Nguyễn Thanh Bình cho biết.
Kích cầu tiêu dùng những tháng cuối năm 2023
Để kinh tế phát triển những tháng cuối năm 2023, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương, đơn vị khai thác tối đa dư địa tăng trưởng ở 3 lĩnh vực, gồm: Đẩy mạnh hoạt động sản xuất công nghiệp, gia tăng sản lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp lễ, Tết trong nước và thị trường xuất khẩu những tháng cuối năm. Đồng thời, khai thác nhu cầu tiêu dùng thương mại - dịch vụ - du lịch thông qua các chương trình khuyến mãi, kích cầu, giao thương hàng hóa… Tăng nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế thông qua đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang cho rằng, để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển KTXH của tỉnh trong năm 2023, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đơn vị tập trung rà soát kết quả thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu để đề ra giải pháp thực hiện phù hợp trong 3 tháng cuối năm. Chủ động dự báo tình hình, xây dựng kế hoạch phát triển KTXH năm 2024. Thường xuyên phối hợp các bộ, ngành Trung ương tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để sớm triển khai thực hiện.
Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp; liên kết sản xuất, định hướng sản xuất phải gắn với nhu cầu thị trường. Tập trung chỉ đạo sản xuất vụ thu đông và chuẩn bị sẵn sàng cho vụ đông xuân tới. Tăng cường dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình mưa bão, sụt lún, sạt lở bờ sông, kênh, rạch. Bên cạnh đó, thường xuyên cung cấp thông tin nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, làm cơ sở cho doanh nghiệp và người dân có kế hoạch sản xuất hiệu quả. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu; đưa các sản phẩm của tỉnh lên các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm và giải ngân vốn đầu tư công
Thực hiện hiệu quả Chỉ thị 08-CT/TTg, ngày 23/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 và Chương trình phục hồi và phát triển KTXH. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm, nhất là Dự án thành phần 1 thuộc Dự án tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên. Tăng cường quảng bá tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư tại tỉnh. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai thực hiện các dự án, sản xuất - kinh doanh đúng quy định pháp luật.
“Tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách an sinh xã hội; thường xuyên nắm chắc tình hình lao động việc làm; bảo vệ lợi ích chính đáng cho người lao động. Tổ chức Tháng cao điểm “Vì người nghèo”; chuẩn bị các phương án, kế hoạch vận động, chăm lo gia đình chính sách, người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vui Xuân, đón Tết Giáp Thìn 2024” - Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang yêu cầu.
THU THẢO