Phòng, chống xâm hại trẻ em: chuyện chưa bao giờ cũ!

Kỳ 3: Câu chuyện về “phối hợp”

27/10/2019 - 10:15

 - Dù chính quyền địa phương có quan tâm, nhưng vẫn phải nhìn nhận thực tế rằng, từng lúc từng nơi vẫn thiếu sự sâu sát, chưa thật sự quyết liệt, nhất là biện pháp cách ly để kịp thời bảo vệ trẻ em thoát khỏi hành vi đã, đang và sẽ bị xâm hại. Công tác phối hợp giữa các đơn vị vẫn còn không ít lỗ hổng, thiếu chặt chẽ nhưng chồng chéo.

Nhiều chính sách về phòng, chống xâm hại trẻ em

Ngoài các mô hình chăm sóc, bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em mà chúng tôi đã đề cập ở kỳ trước, An Giang là một trong những địa phương rất quan tâm đến việc ban hành chính sách, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Điển hình như, Tỉnh ủy An Giang ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 29-5-2012 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. UBND tỉnh ban hành 10 văn bản quản lý, điều hành, chỉ đạo tổ chức thực hiện các chính sách trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em khá kịp thời, cụ thể hóa các chính sách của Trung ương quy định và nhiệm vụ chính trị của địa phương trong từng giai đoạn. Trong đó, nổi bật là việc UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2977/QĐ-UBND ngày 26-11-2018, thành lập Ban Chủ nhiệm Dự án 4 và Kế hoạch số 756/KH-UBND ngày 26-11-2018 về thực hiện Dự án 4. Công an là đơn vị chủ trì.

Các cơ quan chức năng, nhà trường họp bàn giải pháp xử lý vụ việc trẻ bị xâm hại

Các ngành có liên quan như Sở Giáo dục – Đào tạo, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ... chủ trì, tham gia đề án tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020; đề án phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên đến năm 2020; đề án giáp dục chuyển đổi hành vi xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020; đề án tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2015-2020.         Đặc biệt, 7 sở, ngành (Hội Liên hiệp Phụ nữ, Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, Sở Tư pháp, Sở Y tế, Sở Giáo dục – Đào tạo, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) đã xây dựng, ký kết Chương trình phối hợp ngày 30-5-2019 về công tác bảo vệ an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái, giai đoạn 2019-2021.

Tuy HĐND, UBND tỉnh không ban hành văn bản quy phạm pháp luật về các chính sách trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, nhưng nhìn chung, việc ban hành các văn bản của UBND tỉnh và chương trình phối hợp giữa các cấp, các ngành, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày càng tốt hơn, đáp ứng các quyền cơ bản của trẻ em, tạo mọi điều kiện cho trẻ em hưởng cuộc sống tốt đẹp trong môi trường an toàn và thân thiện. Hàng năm, qua chỉ đạo của UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn triển khai, thực hiện các chính sách, pháp luật bảo vệ quyền lợi hợp pháp, phòng, chống xâm hại trẻ em đạt hiệu quả khá tốt. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, người dân trong việc phòng, chống xâm hại trẻ em, góp phần đảm bảo an ninh trật tự địa phương; kịp thời phối hợp và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực thi pháp luật xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em, nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng nhanh chóng điều tra, truy tố và xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đảm bảo tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa, tạo sự tin tưởng, đồng thuận ngày càng cao trong nhân dân.

Cái khó của công tác quản lý

Một thực tế đang diễn ra là, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em hiện nay do nhiều ngành có liên quan chịu trách nhiệm, quản lý. Điều đó rất phù hợp, thể hiện sự chung tay của cả hệ thống chính trị đối với trẻ em. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng, vướng mắc nằm ở chỗ, chưa phân công cơ quan quản lý, một bộ phận còn chưa sâu sát, nắm bắt chủ trương, chính sách, tham mưu chưa kịp thời công tác chỉ đạo cho UBND tỉnh. Công tác kiểm tra, sơ tổng kết, rút kinh nghiệm, khen thưởng về phòng, chống xâm hại trẻ em chưa kịp thời. UBND tỉnh đôi lúc chưa thường xuyên rà soát kiểm tra công tác chỉ đạo, củng cố, kiện toàn đội ngũ làm công tác về trẻ em; đôn đốc nhắc nhở các ngành có liên quan phối hợp, nhất là các thành viên Ban chỉ đạo về công tác này. Công tác tuyên truyền phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm xâm hại trẻ em tuy có quan tâm thực hiện, nhưng từng lúc chưa thường xuyên, còn hình thức, chưa thật sự đi vào chiều sâu, đúng đối tượng, dẫn đến hiệu quả chưa cao. Ở một số địa phương, chưa quan tâm đầy đủ đến việc xây dựng chương trình, kế hoạch về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em theo giai đoạn và hàng năm; không bố trí kinh phí về trẻ em, nên hoạt động thường chỉ diễn ra trong những ngày lễ, Tết, Quốc tế Thiếu nhi, Tháng hành động vì trẻ em, Trung thu... Các hoạt động hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chỉ là thăm hỏi, tặng quà chứ chưa giải quyết được cơ bản giúp trẻ em thoát khỏi tình trạng đặc biệt.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng phát biểu nhận định về tình hình xâm hại trẻ em trong tỉnh

Không chỉ vậy, UBND tỉnh nhận định thẳng thắn: một số ngành chức năng trong hệ thống bảo vệ trẻ em của tỉnh gặp không ít khó khăn, lúng túng khi xảy ra các vụ xâm hại trẻ em trên địa bàn. Mỗi ngành có quy trình xử lý riêng. Đối với các vấn đề nhạy cảm như xâm hại tình dục trẻ em, người bị hại được pháp luật bảo vệ, đơn vị và cá nhân có liên quan phải thực hiện nguyên tắc giữ kín thông tin người bị hại; hỗ trợ các điều kiện, cơ sở vật chất, pháp lý khi họ cần. Vì vậy, công tác thông tin, phối hợp xử lý không được thực hiện xuyên suốt, mà chỉ tập trung ở một vài ngành chức năng theo quy định của pháp luật.

Ở một khía cạnh khác, theo đánh giá của lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội: “Công tác can thiệp, hỗ trợ trường hợp trẻ bị xâm hại chưa nhịp nhàng. Các ngành chưa có quy trình gắn kết để tránh việc can thiệp, hỗ trợ không mang lại hiệu quả tốt nhất, mà đôi khi trở thành… nỗi lo sợ của trẻ và gia đình trẻ. Bởi vì, đây là những trường hợp có tính nhạy cảm, người bị hại rất mặc cảm, nên trong công tác hỗ trợ, can thiệp cần tế nhị, có sự gắn kết, tránh tình trạng nhiều ngành cùng một lúc thực hiện 1 việc. Tuy đội ngũ làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, nhưng tính ổn định không cao, do thường xuyên thay đổi nhiệm vụ, định mức hỗ trợ không đủ sống, nên không yên tâm công tác, có nhiều trường hợp bỏ việc, rất khó củng cố, kiện toàn kịp thời, nâng cao chất lượng. Kinh phí đầu tư cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng tuy có quan tâm, nhưng còn rất thấp so với tỷ lệ trẻ em tại cộng đồng. Đó là nguyên nhân dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác truyền thông, hỗ trợ mô hình trợ giúp trẻ em”.

Tạo mọi điều kiện cho trẻ em hưởng cuộc sống tốt đẹp trong môi trường an toàn và thân thiện

Câu chuyện “phối hợp” không dừng lại ở các ngành chức năng, mà còn là sự kết hợp quản lý, giáo dục giữa gia đình, nhà trường và xã hội tại các địa phương có nơi chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Trẻ em vẫn còn dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội, trò chơi điện tử. Trẻ em nông thôn, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt nhận được sự quan tâm, chăm sóc chưa tương xứng với sự phát triển của đất nước, nhất là đối với các khu dân cư có kinh tế nông nghiệp là chủ yếu. Một số đơn vị trường học chưa rà soát, chấn chỉnh việc thực hiện nội quy trường lớp, chưa xây dựng kế hoạch phòng chống bạo lực học đường, chưa thực hiện Bộ quy tắc ứng xử văn hóa học đường; phụ huynh chưa nghiêm khắc và quản lý chặt chẽ học sinh sau các buổi học. Điều đó dẫn đến những vụ bạo lực trong học đường, điển hình như tại Trường THCS Mỹ Thới (TP. Long Xuyên) vào tháng 4-2019 vừa qua. Vụ việc em Nguyễn H.Th. (lớp 8) bị 7 học sinh cùng trường đánh chưa lắng xuống, sau đó, em Nguyễn Đ.Kh. (cùng lớp Th.) lại bị đánh, xuất phát từ nguyên nhân rất nhỏ nhặt giữa các học sinh. Chuỗi sự việc bạo lực học đường ở nhà trường tuy không gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng lại phức tạp, kéo dài, cần sự giải quyết dứt điểm từ nhiều phía.

Box: Hiện nay, cơ quan quản lý, phụ trách công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em là Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. Sở có Phòng Trẻ em và Bình đẳng giới, bố trí 6 biên chế; Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện có 11 chuyên viên phụ trách (đều kiêm nhiệm). Cấp xã có 180 cán bộ không chuyên trách làm công tác xóa đói giảm nghèo – gia đình và trẻ em, được bố trí ở 156 xã, phường, thị trấn.

(Còn tiếp)

GIA LẠC

 

Liên kết hữu ích