Phòng, chống xâm hại trẻ em: chuyện chưa bao giờ cũ!

Kỳ cuối: Hãy là chỗ dựa vững chắc cho trẻ em

29/10/2019 - 10:17

 - Qua kiểm điểm, đánh giá công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em những năm qua cho thấy, thời gian tới, những yếu tố là nguyên nhân, điều kiện của loại tội phạm này vẫn còn tiềm ẩn, chưa thể khắc phục triệt để. Do đó, tình hình xâm hại trẻ em tiếp tục diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng. Đây là loại tội phạm có tính chất nguy hiểm, để lại những hậu quả khó lường, gây ảnh hưởng lớn và rất khó khắc phục cho trẻ em về thể chất, tâm lý, tinh thần, sự phát triển bình thường và các quyền của trẻ. Điều cần nhất hiện nay là sự chung tay vào cuộc một cách chặt chẽ, quyết liệt và dài hơi của cả hệ thống chính trị, tổ chức. Trong đó, vai trò của gia đình mang tính chất quyết định nhất.

Đề xuất nhiều ý kiến, kiến nghị đến Trung ương

Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định trong Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến Đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020: Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tình trạng xâm hại trẻ em thời gian vừa qua đang là vấn đề nóng của xã hội, được cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm. Qua lấy ý kiến Đại biểu Quốc hội về việc lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề, đa số Đại biểu Quốc hội lựa chọn chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” với tỷ lệ 79,13% để tiến hành giám sát tối cao tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2020). An Giang không nằm trong nhóm đối tượng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội trực tiếp giám sát, nhưng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện giám sát riêng, tại Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Tỉnh đoàn, UBND tỉnh.

Hãy để trẻ được học tập, sinh hoạt và vui chơi theo các quyền của trẻ em

Qua giám sát, các đơn vị được giám sát và đoàn giám sát Đại biểu Quốc hội tỉnh thống nhất đề xuất, kiến nghị nhiều vấn đề lớn đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương. Về thể chế, chính sách, cần nghiên cứu thường xuyên rà soát các luật có nội dung điều chỉnh liên quan đến trẻ em, nhằm kịp thời sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong từng giai đoạn, đảm bảo phát triển thể chất, tinh thần, đủ sức làm chủ đất nước trong tương lai. Tiếp tục rà soát các chính sách dài hạn về trẻ em đã có hiệu lực, kịp thời điều chỉnh những nội dung không còn phù hợp hoặc dàn trải, hình thức, để tập trung nguồn lực Nhà nước đạt hiệu quả thực chất và cao hơn. Địa phương kịp thời có chính sách ngắn hạn và tập trung nguồn lực chăm lo trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, thúc đẩy công tác phòng, chống xâm hại trẻ em đi vào chiều sâu, đạt kết quả tốt hơn.

Về tổ chức thực hiện, cần nghiên cứu đổi mới hình thức, phương pháp, nội dung, đối tượng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức trực tiếp thực hiện công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Nâng cao vai trò nòng cốt của lực lượng cảnh sát khu vực, công an xã tại các địa bàn; thực hiện tốt công tác rà soát, lập danh sách quản lý, giáo dục các đối tượng có dấu hiệu hoặc tiền sự xâm hại trẻ em. Thống nhất và hoàn thiện các quy trình, thủ tục, tiêu chí về biện pháp phòng, chống xâm hại trẻ em, trong đó quy định rõ các thủ tục, quy trình và trách nhiệm phòng ngừa, phát hiện, tố giác, trợ giúp và giải quyết các trường hợp trẻ em bị xâm hại của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, nhà trường, gia đình, cá nhân và trẻ em. Nghiên cứu thống nhất biểu thống kê việc xử lý hành vi xâm hại trẻ em để tổng hợp kịp thời, đánh giá đúng công tác phòng, chống có hiệu quả; dự báo sát tình hình, từ đó có các giải pháp phù hợp phòng ngừa, bảo vệ trẻ em trước những hành vi xâm hại, nhất là đối với nhóm trẻ có nguy cơ bị xâm hại cao như trẻ em đường phố, lang thang cơ nhỡ, trẻ em là nạn nhân của xâm hại tình dục. Cần quy định về quy trình, trách nhiệm đánh giá nguy cơ và quản lý trường hợp trẻ em bị xâm hại, cũng như những quy định cụ thể về tiêu chí đánh giá mức độ nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em.

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Phan Huỳnh Sơn thay mặt Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, đề xuất: “Về nguồn lực, ngân sách trung ương và địa phương cần quan tâm phân bổ nhiều hơn, đáp ứng yêu cầu cơ bản công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Đồng thời, tiếp tục phát huy các nguồn lực xã hội để chăm sóc, bảo trợ trẻ em tốt hơn, như chăm sóc khi áp dụng biện pháp cách ly, tài trợ học tập, giáo dục phổ thông đúng độ tuổi, tài trợ học nghề, giải quyết việc làm. Tòa án nhân dân tối cao chủ trì nghiên cứu, phối hợp sớm hướng dẫn tội phạm có “Hành vi quan hệ tình dục khác” quy định tại khoản 1 từ Điều 141 đến Điều 145 và dấu hiệu cấu thành tội “Dâm ô người dưới 16 tuổi” theo quy định của Bộ luật Hình sự. Đồng thời, hướng dẫn trình tự, thủ tục công khai xin lỗi theo khoản 2 Điều 48 Bộ luật Hình sự năm 2015. Chính phủ nghiên cứu ban hành Nghị định về nghề hoạt động công tác xã hội, làm rõ vai trò, vị trí, nhiệm vụ của cán bộ xã hội; tiêu chuẩn thực hành nghề công tác xã hội; quy định theo dõi, giám sát chất lượng cung cấp dịch vụ công tác xã hội. Các bộ, ngành Trung ương tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức và kỹ năng cần thiết cho đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, cán bộ bảo vệ trẻ em và các cán bộ khác hoạt động trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; đưa nội dung bảo vệ trẻ em vào chương trình đào tạo tại các cơ sở đào tạo chuyên ngành công an, kiểm sát, tòa án, tư pháp, lao động xã hội..., nhằm tăng cường bảo vệ, hỗ trợ một cách hiệu quả đối với trẻ em bị xâm hại, bạo lực. Có đề án kiện toàn tổ chức, bộ máy; quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quy chế phối hợp của hệ thống quản lý nhà nước với các ngành, đoàn thể có liên quan về chăm sóc và bảo vệ trẻ em các cấp”.

Gia đình phải là số một!

Trong số các nguyên nhân dẫn đến tình trạng xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp, có nguyên nhân xuất phát từ chính gia đình trẻ. Việc một số cha mẹ xao nhãng, bỏ mặc con cái chính là mầm mống nảy sinh các hành vi xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục đối với trẻ em. Hoặc tình trạng cha mẹ ly hôn, ly thân hay mắc tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật…, không có điều kiện chăm sóc, quản lý, giáo dục các em, thường để các em ở nhà một mình, gửi cho đối tượng không đáng tin cậy. Hoặc do sự thiếu thốn tình cảm, sống trong hoàn cảnh gia đình không hoàn thiện, lại không được học hành chu đáo, các em bị lợi dụng, rủ rê vào các hành vi phạm tội. Bên cạnh đó, do bản thân phụ huynh không nhận thức được trường hợp nguy cơ cao trẻ bị xâm hại. Họ e ngại, thậm chí không dạy trẻ những kiến thức, kỹ năng cơ bản. Hậu quả, trẻ thiếu kỹ năng phòng tránh, tự vệ và phản kháng để chống lại các hành vi lạm dụng. Nhiều vụ án mà bị can là người chưa thành niên (chưa đủ 16 tuổi), nghĩ rằng quan hệ tình dục giữa 2 người là sự tự nguyện, không biết rằng mọi hành vi giao cấu với người dưới 13 tuổi là phạm tội “Hiếp dâm trẻ em”. Khi trẻ bị xâm hại, gia đình có tâm lý chung là ngại tố cáo tội phạm, cho qua hoặc giấu kín vì sợ tai tiếng, ảnh hưởng đến danh dự của trẻ và gia đình.

Đã đến lúc phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của cha mẹ và người thân, nhằm xây dựng thiết chế gia đình bền vững, trước khi quá muộn. Theo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang Lê Xuân Hải, một trong những giải pháp cần thiết hiện nay là nâng cao hơn nữa trách nhiệm quản lý giữa gia đình và nhà trường, tăng cường giáo dục cho các em các kiến thức về giới tính, để các em tự bảo vệ mình trước những hành vi dụ dỗ, lôi kéo của đối tượng xấu. Khi bị xâm hại, trẻ và gia đình phải trình báo ngay cho cơ quan chức năng để được hỗ trợ tư vấn, giải quyết, tránh bỏ lọt tội phạm.

Chúng tôi xin kết thúc loạt bài này bằng ý kiến của Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng: “Bác Hồ dành rất nhiều tình cảm cho thiếu nhi, kỳ vọng vào thế hệ tương lai của đất nước, như thông điệp ngàn đời của dân tộc ta. Hiện nay, thực tế đáng buồn là có cả một hệ thống chính trị, đoàn thể chung tay bảo vệ trẻ em, nhưng tình trạng xâm hại trẻ em vẫn gây nhức nhối trong xã hội. Đó là hồi chuông cảnh tỉnh mạnh mẽ đến tất cả chúng ta: cần phải tăng cường tinh thần trách nhiệm, vào cuộc mạnh mẽ hơn, nhất là các cơ quan pháp luật. Đặc biệt, gia đình là điểm tựa rất quan trọng cho trẻ, bởi họ phải là người yêu thương, chăm sóc con em mình chu đáo hơn ai hết. Bên cạnh đó, cần phải hoàn thiện khung pháp lý trong lĩnh vực này, có chế độ khen thưởng đột xuất cho người làm công tác phòng, chống xâm hại trẻ em… Đây là câu chuyện dài, nhưng An Giang quyết tâm tiếp tục đẩy lùi, hạn chế đến mức thấp nhất vụ việc đáng tiếc xảy ra trên địa bàn tỉnh”.

GIA LẠC

 

Liên kết hữu ích