Kỳ bí những vồ đá trên núi

26/04/2024 - 06:20

 - Mỗi vồ đá, tảng đá ở vùng Bảy Núi đều gắn với câu chuyện tâm linh huyền bí được lưu truyền trong dân gian. Người dân sinh sống trên núi cũng chẳng biết ai đã đặt tên cho đá từ khi nào, mà thu hút đông đảo lữ khách đến cúng viếng quanh năm.

Lên điện Tàu Cau

Một ngày cuối tuần, chúng tôi vượt dốc Ngọa Long Sơn (núi Dài lớn) chinh phục điện Tàu Cau. Ngoài Ô Tà Sóc, Bụng Ông Địa và đồi Ma Thiên Lãnh là địa chỉ du lịch (DL) nổi tiếng bên dãy Ngọa Long Sơn, thì điện Tàu Cau được lữ khách biết đến là điểm DL tâm linh rất hấp dẫn. Dốc núi dựng đứng, muốn chinh phục nơi đây, du khách đi theo đường mòn độc đạo. Nằm trên độ cao khoảng 400m, khí hậu điện Tàu Cau khá mát mẻ. Tuy nhiên, nơi đây còn hoang sơ, nhà cửa lưa thưa, vắng vẻ.

Từ đôi bàn tay cần cù, chịu khó, sơn dân đã biến sỏi đá thành nơi trồng vườn xanh tốt, cho huê lợi cao. Ven đường mòn là những vườn xoài Đài Loan và xoài cát Hòa Lộc đang cho trái lủng lẳng. Ngó quanh quẩn, chúng tôi thấy vườn tược trống hoác, không ai trông coi.

Đi một đoạn khá dài, bắt gặp ông Tư Lực (62 tuổi) đang tỉ mẩn vun lại từng gốc xoài, chuẩn bị cho ra vụ bông tiếp theo khi mùa mưa sắp đến. “Xoài đầy núi, chú em ơi! Nhà nào cũng trồng xoài, không ai phá phách của ai đâu”- ông Tư Lực cười khục khặc.

Một tảng đá to che mát cả khu vực điện Tàu Cau

Điện Tàu Cau có một tảng đá khổng lồ nằm chồng lên một tảng đá khác, y như một chiếc nón tai bèo “khủng” nhô ra che mát cả khu vực rộng lớn. Ở đây, người dân lập miếu thờ Chư Thần, Quan Âm, Thánh Mẫu từ khi nào, trông rất thâm u và kỳ bí.

Ông Tư Lực cho hay, điện Tàu Cau hình thành cách đây rất lâu. Du khách nghỉ chân, cúng kiếng rồi hít thở không khí trong lành, mát dịu, xua tan mệt nhọc sau hành trình leo núi. Trước đây, lên núi khó khăn, phải đi theo đường bậc thang. Sau này, chủ núi rủ nhau hiến đất mở đường mòn lên tận đỉnh. Vào ngày cuối tuần hoặc rằm lớn, bà con từ khắp nơi lên núi thưởng ngoạn rất đông, thậm chí có đoàn du khách ở tận Hà Nội.

Phía trên điện Tàu Cau là khu vực khá rộng, được người dân xây hàng rào bao quanh để đảm bảo an toàn cho du khách. Từ trên điện Tàu Cau nhìn xuống Ô Tà Sóc, cây rừng bao quanh hồ nước rộng lớn, trông như bức tranh sơn thủy hữu tình. Từ lâu, Ngọa Long Sơn được biết đến là ngọn núi dài nhất trong dãy Thất Sơn, thiên nhiên phóng khoáng ban tặng điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi. Ngoài ra, nơi đây còn ẩn chứa nhiều câu chuyện kỳ bí thu hút du khách, tạo nên địa chỉ DL tâm linh hấp dẫn.

Ông Tư Lực kể rằng, trên điện Tàu Cau, người ta truyền tai nhau thời xa xưa, nơi đây từng là chỗ tu hành của những cư sĩ. Có truyền thuyết cho rằng, thời “khai thiên lập địa”, các cô tiên kéo mo cau hạ phàm đàm đạo, vui chơi vào đêm trăng sáng. Thời chiến tranh, những lò ảng, tảng đá trên điện Tàu Cau từng là nơi che chở cha anh hoạt động cách mạng. Vì vậy, nhiều du khách leo núi ở lại qua đêm để hít thở khí hậu trong lành, tận hưởng khung cảnh quạnh vắng trên điện Tàu Cau.

Đông như vồ Hội

Rời Ngọa Long Sơn, chúng tôi trở ngược về Phụng Hoàng Sơn (núi Tô) tiếp tục hành trình chinh phục vồ Hội. Giờ đây, đường sá được tráng bê-tông thẳng tắp, xe cộ lên xuống núi dễ dàng. Du khách có hai lựa chọn: Bắt “xe ôm” hoặc đi bộ. Nhưng núi Tô có độ dốc rất cao, dựng đứng, chúng tôi ngoắt “xe ôm” vừa nhanh, vừa đỡ vất vả hơn.

“Lên xe đi anh, 90.000 đồng/người cho quận lên. Quận xuống 50.000 đồng/người. Nếu tiết kiệm, anh đi quận lên, còn quận xuống có thể thả bộ tuột dốc chầm chậm vẫn được” - Tài, một tay lái lụa trên đỉnh núi Tô hối hả mời chúng tôi lên xe.

Khu vực vồ Hội

Chiếc xe gắn máy được dân trên núi “độ” lại chạy bườn cà giật, cà tưng lên dốc đưa chúng tôi lên vồ Hội. Đi qua những đoạn dốc, cua hình “khuỷu tay”, Tài trấn an: “Anh ôm sát vào coi chừng tuột lại. Đừng nhìn phía sau, dễ bị choáng lắm!”. Chúng tôi có mặt trên vồ Hội đúng ngày rằm, nên rất đông du khách đang cúng kiếng. Từ trước đến nay, chúng tôi đi qua nhiều ngọn núi, nhưng chưa từng gặp du khách tập hợp đông đúc như thế này.

Vồ Hội nằm trên mỏm đá cheo leo, cao khoảng 500m. Khu vực này, người dân lập miếu thờ đủ nhân vật trong truyền thuyết, như: Thánh Mẫu, Sơn Thần, Nam Hải Thần Ni, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Vương Mẫu… Trong dân gian, nhiều người gửi gắm niềm tin vào tín ngưỡng thờ mẫu.

Do đó, khi đặt chân đến đây, ai nấy cũng tranh thủ mua bánh trái, thực phẩm chay để cúng kiếng. Tương truyền, thời khai sơn phá thạch, trên vồ Hội có tảng đá lớn, bằng phẳng, được những “vị tiên” giáng trần vui chơi vào đêm trăng. Từ đó, người ta truyền miệng nhau vồ Hội rất “thiêng”.

“Ngày rằm, gia đình tôi đi viếng Bà Chúa Xứ núi Sam, tham quan các ngọn núi, rồi leo lên vồ Hội cúng chư thần, ngắm cảnh. Năm nào chúng tôi cũng đi tham quan, cúng kiếng trên vồ Hội, cầu mong gia đạo bình yên, làm ăn thuận lợi” - chị Nguyễn Thị Thu Hồng (ngụ tỉnh Bạc Liêu) bày tỏ.

Du khách tham quan, cúng viếng trên vồ Hội

Ông Thành (người trông coi hương khói trên vồ Hội) cho hay, du khách từ khắp nơi đến cúng kiếng. Ngày rằm, nhiều đoàn khách còn ngủ qua đêm, cúng trăng. Dịp lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là thời điểm du khách đến vồ Hội tham quan nhiều nhất. “Họ mang trái cây, vật phẩm từ dưới chân núi lên đây cúng. Ở đây cũng có hàng quán bán đồ chay, nhiều lúc phục vụ không kịp nghỉ tay” - ông Thành kể.

Còn ông Chín Phát (người dân ở núi Tô) quả quyết, vồ Hội có nhiều cái lạ, là nơi có nhiều cá thể khỉ, voọc hoang dã xuất hiện thường xuyên để lấy trộm trái cây ăn. Bảy Núi còn ẩn chứa rất nhiều câu chuyện thời “khai sơn phá thạch”. Những câu chuyện ấy vẫn nguyên vẹn đến nay, tạo nên nét văn hóa rất riêng của vùng đất “thủy tú sơn kỳ” này.

Theo ông Huỳnh Hữu Thiện, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng, khu vực vồ Hội có gần 100 cá thể khỉ, hơn 16 cá thể voọc được người dân và ngành kiểm lâm bảo vệ nghiêm ngặt. Du khách lên vồ Hội tham quan, cúng kiếng còn được tận mắt đùa giỡn với loài khỉ và voọc quý hiếm được liệt vào sách đỏ cần bảo tồn. Vồ Hội thực sự là điểm đến DL tâm linh khá hấp dẫn ở vùng Bảy Núi này.


HOÀNG MỸ