Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc sáng 20-5

18/05/2020 - 19:10

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào sáng 20-5-2020, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 19 ngày.


Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì họp báo. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Chiều 18-5, tại Hà Nội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì buổi họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Thông qua 10 dự án luật

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào sáng 20-5-2020. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 19 ngày.

Kỳ họp tiến hành theo hai đợt: Đợt 1: Họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (từ ngày 20-5 đến ngày 29-5-2020); Đợt 2: Họp tập trung tại Nhà Quốc hội (từ ngày 8-6 đến ngày 18-6-2020). Quốc hội họp phiên bế mạc vào ngày 18-6-2020. 

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành khoảng 10 ngày cho công tác xây dựng pháp luật (chiếm hơn 50% tổng thời gian của kỳ họp). Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 6 dự án luật khác.

Các dự án luật được Quốc hội xem xét, thông qua gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Đầu tư (sửa đổi).

Các dự thảo Nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua gồm: Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, một bên là Liên minh châu Âu Việt Nam và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA); Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU; Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến, gồm: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Cư trú (sửa đổi).

Bên cạnh đó, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét Báo cáo về kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước (trong đó có nội dung phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đánh giá tác động của đại dịch đến phát triển kinh tế-xã hội, các giải pháp ứng phó và phương án phát triển kinh tế-xã hội); Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV; Xem xét, quyết định việc tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước; Xem xét việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Xem xét, quyết định việc chuyển đổi phương thức đầu tư đối với một số đoạn tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

Về hoạt động giám sát tối cao, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” và biểu quyết thông qua Nghị quyết về nội dung này; biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021.

Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ không tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên toàn thể. Quyền chất vấn của các đại biểu Quốc hội vẫn được thực hiện bằng cách gửi văn bản, các bộ trưởng, thành viên Chính phủ sẽ trả lời theo quy định.

Quốc hội sẽ xem xét, thông qua các Nghị quyết về: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

Ngoài ra, Quốc hội sẽ thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia; xem xét, quyết định công tác nhân sự; xem xét, thông qua Nghị quyết về vấn đề quan trọng và Nghị quyết chung của kỳ họp (nếu có).

Giao cơ quan chuyên môn nghiên cứu vụ Hồ Duy Hải

Tại cuộc họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và đại diện một số Ủy ban thuộc Quốc hội đã trả lời các vấn đề mà báo chí quan tâm.

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi một số đại biểu Quốc hội có kiến nghị tiến hành giám sát vụ án Hồ Duy Hải, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ, ngày 8-5, Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao đã có kết luận phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, quyết định giữ nguyên mức án đã được tòa sơ thẩm, phúc thẩm tuyên tử hình đối với Hồ Duy Hải.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài. Ở nhiệm kỳ khóa XIII, Quốc hội đã thành lập đoàn giám sát tối cao liên quan đến vấn đề này do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm trưởng đoàn. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao khi đó cũng có báo cáo chi tiết về vụ án Hồ Duy Hải. Sau đó, các cơ quan đã xem xét.

Tuy nhiên, gia đình Hồ Duy Hải liên tục khiếu nại, kêu oan. Dư luận trong nước và quốc tế cũng rất quan tâm. “Trước tình hình đó, để có thời gian xem xét toàn diện, khách quan các vấn đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang giao cơ quan chuyên môn của Quốc hội nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý theo đúng quy định của pháp luật,” Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh.

Một nội dung đáng chú ý là tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Thông tin thêm về nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến cho biết, ngày 18-4-2020, Chủ tịch nước có Tờ trình về phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.

Ngày 20-4-2020, Chính phủ có báo cáo thuyết minh trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA. Ủy ban Đối ngoại đã tổ chức họp thường trực Ủy ban mở rộng, tiến hành thẩm tra và có báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định tại Kỳ họp thứ 9.

Theo báo cáo thuyết minh của Chính phủ, Hiệp định sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25%. EVFTA dự kiến sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh châu Âu (EU) tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030, tập trung vào một số ngành như nhóm hàng nông sản, nhóm ngành chế biến, chế tạo, nhóm ngành dịch vụ. Về lao động, EVFTA dự kiến giúp tăng thêm khoảng 146.000 việc làm mỗi năm...

Đi cùng với những lợi ích này, Hiệp định cũng mang lại một số thách thức nhất định như tạo ra sức ép cạnh tranh từ hàng hóa và dịch vụ từ EU cho doanh nghiệp, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại chỉ rõ, EVFTA đánh dấu giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam. Việc Việt Nam ký và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do với EU tại thời điểm này là phù hợp, tiếp tục tạo đà phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế; hồi phục phát triển kinh tế trong nước sau đại dịch COVID-19…

Theo PHAN PHƯƠNG(TTXVN/Vietnam+)