Kỷ niệm 43 năm giải phóng Trường Sa (29-4-1975 - 29-4-2018): Chuyện xây “loa thành” ở “quần đảo bão tố”

27/04/2018 - 06:56

 - Ngày 29-4, tròn 43 năm Trường Sa được giải phóng. Song, không phải ai cũng tường tận chuyện 43 năm trước ở “quần đảo bão tố” ấy, những người lính “áo vằn cánh sóng” trẻ tuổi ở Trung đoàn 83 và Trung đoàn 131 Công binh Hải quân đã gác lại tuổi thanh xuân đi Trường Sa xây đảo như thế nào. Giữa đại dương bao la, họ dầm mình trong mưa rào, nắng lửa và đối mặt với bao gian khổ, thiếu thốn, khắc nghiệt của bão tố, nhiều chiến sĩ đã hy sinh giữa ngàn khơi.

Cuộc hải trình sinh tử

Chiều cuối tuần 1 ngày cuối tháng 3, tôi đến nhà cựu binh Trần Quốc Thống (đường Đô Lương, phường 11, TP. Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu). Ông Thống nguyên là trung tá, chỉ huy Trung đoàn 131 Công binh Hải quân cầm quân vượt sóng ra Trường Sa dựng nhà xây đảo Trường Sa lớn, hòn đảo được coi là “thủ phủ” đầu tiên được xây dựng giữa Biển Đông.

“Sau giải phóng, nhiệm vụ xây dựng đảo Trường Sa được đặt lên hàng đầu trong chiến lược bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Điều đó có ý nghĩa chính trị đặc biệt quan trọng trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ biển, khẳng định với thế giới rằng, quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam” - ông Thống nhớ lại.

Việc xây dựng phải đảm bảo 2 yếu tố cơ bản: vừa là nơi phòng thủ kiên cố có tầm quan sát rộng, tiện cơ động sẵn sàng chiến đấu và tránh nắng nóng; vừa tránh được ẩm thấp nước biển mặn, đón được hướng gió, bảo đảm mọi sinh hoạt công tác, huấn luyện, vui chơi của bộ đội.

Nhận nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này, cán bộ, chiến sĩ (CB, CS) Trung đoàn 83 Công binh Hải quân xác định: “Phải xây dựng bằng được nhà kiên cố lâu bền, đó là mệnh lệnh từ trái tim người lính đối với Tổ quốc nơi tuyến đầu”.

Hàng ngàn khối đá, xi-măng, sắt, thép và vật liệu xây dựng được chuyển xuống tàu, vượt sóng gió ra Trường Sa. Chuyến tàu đầu tiên mang tên Đại Khánh, do đại úy Lê Nhật Cát (nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 83) chỉ huy 70 CB, CS trẻ hành trình ra Trường Sa lớn vào cuối tháng 4-1976.

“Việc đi Trường Sa ngày ấy đồng nghĩa với cuộc chia ly. Bởi, đất nước mới trải qua chiến tranh, tàn tích đau thương chưa xóa nhòa, giờ lại phải ra Trường Sa xây dựng đảo, một thử thách lớn đối với những người lính công binh thời bình” - ông Thống hồi tưởng.

Cuộc hải trình trên tàu Đại Khánh có trọng tải 75 tấn vượt sóng ra Trường Sa từ cảng T thuộc Cam Ranh - Phú Khánh (nay là Khánh Hòa) lúc chiều tối. 4 ngày vật lộn với sóng gió, 80% CB, CS bị say sóng, nhiều CS trẻ bỏ bữa. Hầu hết các CS chưa biết Trường Sa là gì, chỉ hình dung trong đầu, đó là một hòn đảo xa xôi và thiêng liêng.

"Ngày đó chưa có tàu hiện đại như bây giờ. Tất cả áo phao, phương tiện bảo đảm trên tàu rất thô sơ. Đất nước mới giải phóng, đau thương chồng chất, đi Trường Sa lúc đó khác gì sinh tử. Vì nhiệm vụ, vì Trường Sa, chúng tôi lên đường không hề do dự” - ông Thống nhớ lại.

Kỷ niệm 43 năm giải phóng Trường Sa (29-4-1975 - 29-4-2018):   Chuyện xây “loa thành” ở “quần đảo bão tố”

Một góc đảo Trường Sa lớn hôm nay nhìn từ biển

Mưu sinh trên sỏi cát

Trường Sa lớn ngày đầu giải phóng toàn là đất, đá và thuốc súng. Ban ngày nhiệt độ nóng đến 380C, cộng với gió Tây Nam thổi mạnh, hơi nước mặn từ biển bốc lên, càng làm cho khí hậu thêm khắc nghiệt. Công việc đầu tiên của CB, CS là thiết kế nơi ăn ở, nhanh chóng bắt tay vào xây đảo.

Một bài toán vô cùng khó khăn đặt ra là làm gì để có nước ngọt, trong khi lượng nước ngọt do tàu Đại Khánh đựng trong can nhựa vơi dần, trời thì không mưa, nước từ giếng nhiễm mặn không dùng được.

Thời điểm đó, ngoài Trường Sa lớn và Song Tử Tây không có đảo nào có nước ngọt. 2 đảo này có bể chứa nước, mỗi bể chừng 6m3 nhưng không dùng được vì nhiễm thuốc súng, phân và lông chim.

Trước tình thế ấy, để sinh tồn và xây đảo, chỉ bằng một cách là tiết kiệm tối đa cho đến khi có nguồn nước viện trợ từ đất liền. Kế hoạch tiết kiệm là mỗi người 1 lít nước/ngày cho cả đánh răng, rửa mặt.

“Nói là 1 lít, nhưng chúng tôi múc đầy cái cà-mèn của Liên Xô cũng được hơn 1 lít. Chừng ấy nước, lúc xây đảo, tôi chỉ tu 2 hơi là hết, vậy mà phải uống dè” - cựu binh Thống chia sẻ.

Ngoài tiêu chuẩn mỗi người 1 cà-mèn/ngày, chiều chiều các CS lội xuống biển tắm, người nọ kỳ lưng cho người kia, tắm xong anh em lên dội lại nước lợ từ giếng. Do tắm nước biển lâu ngày, nên da người nào cũng xù xì như lớp sừng bám, tất cả CB, CS người nào cũng đen cháy, khi cười chỉ nhìn thấy răng và mắt. Việc ăn uống vô cùng khổ sở.

Ông Thống nhớ lại: “Vào thời điểm xây những ngôi nhà đầu tiên trên đảo vô cùng khó khăn. Trên trời nắng cháy da, mặt đảo nóng hừng hực do cát bốc lên, anh em phải dùng bạt che tạm làm nhà ở. Mùa gió chướng, cả đảo mù mịt cát bụi càng làm cho khí hậu khắc nghiệt, càng nhớ đất liền hơn. Khó khăn thì không thể nói hết được, nhưng điều quan trọng là CB, CS luôn vững vàng, yên tâm tư tưởng và quyết tâm xây đảo”.

Nước mắt rơi trong niềm vui giữa biển

Trong tâm can của người lính “già” đã kinh qua hàng trăm lần xây đảo, có lẽ ông Thống không bao giờ quên được giây phút ông và đồng đội ôm nhau khóc giữa biển khơi. Đó là ngày khánh thành ngôi nhà đầu tiên trên đảo Trường Sa lớn.

“43 năm rồi, sao quên được buổi sáng hôm ấy. Nhìn ngôi nhà sừng sững giữa đại dương, chúng tôi bật khóc. Khóc vì sung sướng. Khóc vì nghĩ lại những ngày chạy đua với sóng gió quá khổ. Chúng tôi ôm nhau reo hò và hy vọng một ngày nào đó trở lại đất liền thăm gia đình” - ông Thống nhớ lại.

Trường Sa lớn là đảo nổi đầu tiên được xây dựng. Đây là đảo nằm trong cụm T1, tức là đảo thuộc sở chỉ huy trung tâm. Nhà xây dựng trên đảo này là loại nhà “sê-ri” thế hệ đầu tiên kết cấu nửa chìm nửa nổi, chiều cao 2,8m, trong đó 1,5m ẩn, lòng nhà rộng 4,5m theo hình lục giác, có các cửa sổ, hứng gió 4 phía. Cùng thời điểm này, tại các đảo: Song Tử Tây, Nam Yết, Sinh Tồn, Sơn Ca cũng được từng bước xây dựng. Mỗi công trình gắn liền với mồ hôi, nước mắt và xương máu của lính Công binh lúc đó.

Nếu 43 năm trước, Trường Sa khô cằn sỏi đá, đời sống quân-dân huyện đảo gặp nhiều khó khăn, thì nay Trường Sa thị tứ sầm uất giữa biển khơi, đời sống của quân dân ngày một “thay da đổi thịt”.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bắt đầu từ năm 2009, Trường Sa đã khoác lên mình màu áo mới. 100% các đảo nổi, đảo chìm có điện thắp sáng bằng pin năng lượng mặt trời, phủ sóng Đài Truyền hình Việt Nam và điện thoại di động không dây.

Hàng năm, có hơn 20 đoàn công tác, khách, người thân của CB, CS từ đất liền ra thăm đảo. Sau cuộc hành trình “ba cùng” ngắn ngủi với lính đảo, họ trở về đất liền trong niềm cảm phục, tự hào về Trường Sa và những người lính kiên trung nơi  “chân trời” Tổ quốc.

Bài, ảnh: MAI THẮNG