Kỳ tài danh nhân tuổi Mão

22/01/2023 - 09:45

 - Trong lịch sử dân tộc, nhiều danh nhân tuổi Mão không chỉ là người cứu nước, danh tướng, quân sư, mà còn là bậc tài hoa nghệ thuật. Trong đời sống của họ có nhiều việc khác thường, nhưng để lại cho hậu thế những giá trị tinh thần vô giá.

Danh tướng thạo ngoại ngữ, mê nghệ thuật

Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật (sinh năm 1255) là con thứ 6 vua Trần Thái Tông, nổi tiếng thông minh, ham học từ nhỏ. Đặc biệt, ông mê “tiếng lạ”, âm nhạc, phong tục tập quán nước nhà và các nước lân cận. Năm 20 tuổi, triều đình giao ông đặc trách về các dân tộc. Nhờ kiến thức có sẵn, am hiểu ngôn ngữ Hán, Chiêm Thành, Tống, Sách Mã Tích (Singapore), ông vận dụng nó thành thục.

Phụng sự 4 đời vua (Trần Thánh Tông, Nhân Tông, Anh Tông và Minh Tông), Trần Nhật Duật làm đến Đô nguyên súy, Thượng trụ quốc, Khai quốc vương, Tả thánh thái sư, phong Đại vương, thọ 76 tuổi. Không chỉ là “Ngũ hổ tướng quân” (Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Phạm Ngũ Lão, Trần Nhật Duật), ông còn là người độc nhất thông thạo nhiều ngoại ngữ, sáng tác nhiều khúc nhạc, lời ca và điệu múa.

Thần đồng xứ nghệ

Phan Bội Châu (sinh năm 1867, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) nổi tiếng “thần đồng” từ nhỏ, thành thạo các thể văn lúc 13 tuổi, 16 tuổi 3 lần đỗ đầu xứ. Năm 17 tuổi, ông viết hịch chống giặc, 19 tuổi lập Đội sĩ tử Cần vương hưởng ứng “Chiếu Cần vương” chống Pháp, đỗ Giải nguyên năm 1900.

Trong 15 năm cuối đời, bằng văn thơ, viết báo, ông không ngừng tuyên truyền tinh thần yêu nước, chống giặc được nhân dân yêu mến. Ông cống hiến to lớn vào cuộc cách mạng của dân tộc, văn học yêu nước, để lại trên 1.200 tác phẩm lớn nhỏ đủ thể loại.

Lụy vua đến 3 lần

Ông Nguyễn Thiếp (1723-1804) được vua Quang Trung trân trọng gọi Phu tử - một trong 4 Phu tử vang danh trong lịch sử (Chu Văn An (1292-1370), Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), Võ Trường Toản (1720-1792).

Ông sinh trong dòng họ khoa bảng nổi tiếng. Năm 1786, Nguyễn Thiếp chối từ gặp vua Quang Trung. Lần thứ 2 (1788), ông gặp mặt, vui vẻ luận bàn nhưng xin về ở ẩn. Lần thứ 3 (1789), trên đường đem quân ra Bắc đánh 29 vạn quân Thanh, vua mời Phu tử đến hỏi tình hình. Ông khẳng định: “Chúa công đi chuyến này không quá 10 ngày, giặc Thanh sẽ bị dẹp tan!”. Chỉ trong 6 ngày, quân Tây Sơn đánh tan 29 vạn quân Thanh. Trưa mùng 1 Tết Kỷ Dậu 1789, vua Quang Trung vào thành Thăng Long. Trong bức thư gửi Nguyễn Thiếp, vua nói: “Trẫm 3 lần xa giá Bắc thành, Phu tử đã chịu ra bàn chuyện thiên hạ. Người xưa bảo rằng: Một lời nói mà dấy nổi cơ đồ. Lời Phu tử hẳn có thế thật”.

Nguyễn Thiếp làm Viện trưởng Sùng Chính biên dịch các sách chữ Hán sang chữ Nôm, thực hiện các biện pháp cải cách giáo dục, kinh tế, đào tạo nhân tài... 

Danh tướng nông dân

Phạm Ngũ Lão (sinh năm 1255, làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương) lập nhiều chiến công cuộc kháng chiến lần thứ 2 (1285) và thứ 3 (1288) đánh thắng quân Mông- Nguyên, là danh tướng trăm trận trăm thắng đời Trần. Ông cao to, sức khỏe phi thường, sống trong gia đình nhiều đời làm nghề nông.

Lịch sử ghi, một hôm ông ngồi dưới gốc đa đầu làng vót nan đan sọt. Khi ấy, Đại vương Trần Quốc Tuấn kéo binh mã từ Vạn Kiếp đi qua làng Phù Ủng về Thăng Long. Quân tiền vệ quát tháo dẹp đường, nhưng ông vẫn ngồi im không cựa quậy. Một người lính lấy giáo đâm vào đùi, ông vẫn ngồi như không có chuyện gì. Đại vương thấy lạ hỏi. Ông kính cẩn nói: “Tôi đang mải nghĩ một việc nên không để ý đến”. Nhìn tướng mạo oai phong, vương càng lạ. Hỏi đến học hành, kinh sử, binh thư, chàng trai ứng đối trôi chảy. Vương mừng, sai người rịt thuốc rồi cho ngồi xe sau đưa về Thăng Long, sung vào quân cấm vệ, coi giữ binh quyền.

 NGUYỄN RẠNG