Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020: Đề thi Ngữ văn khá gần gũi

09/08/2020 - 11:02

 - Sáng 9-8, có 15.069/15.089 thí sinh trên địa bàn tỉnh An Giang tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đã hoàn thành môn thi Ngữ văn, với thời gian làm bài 120 phút.

Cán bộ coi thi kiểm tra giấy dự thi của thí sinh trước khi vào phòng thi

Các thi sinh chuẩn bị làm bài thi môn Ngữ văn

Sau 2 giờ làm bài, tại điểm thi Trường THPT Long Xuyên, nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi với tâm lý thoải mái, phấn khởi, bởi đề thi Ngữ Văn năm nay khá nhẹ nhàng.

Cấu trúc đề ra có 2 phần: phần đọc hiểu (3 điểm) và phần làm văn (7 điểm), trong đó, phần nghị luận xã hội (2 điểm), từ nội dung đọc trích ở phần đọc hiểu, thí sinh trình bày về suy nghĩ của bản thân về sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày và phần nghị luận văn học (5 điểm), yêu cầu thí sinh phân tích tư tưởng “Đất nước của nhân dân" trong bài thơ “Đất nước” của tác giả Nguyễn Khoa Điềm.

Các thí sinh trao đổi sau thời gian làm bài thi 

Thí sinh Trần Nguyễn Minh Trị, Trường THPT Long Xuyên, cho biết: “Đề Ngữ văn khá dễ. Phần nghị luận xã hội nói về suy nghĩ của bản thân về sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày “không làm khó” thí sinh, còn phần nghị luận văn học 5 điểm hỏi về tác phẩm "Đất nước của nhân dân " cũng nằm trong chương trình ôn tập. Em tự tin mình sẽ đạt khoảng 7 điểm trở lên…”.

Cô Nguyễn Thị Tuyết Minh, giáo viên Ngữ văn (Trung tâm Giáo dục thường xuyên An Giang) cho biết, đề thi Ngữ văn năm nay không quá đánh đố thí sinh. Với cấu trúc đề đã cho, học sinh trung bình, khá có thể làm bài đạt từ 5 đến 7 điểm. Đặc biệt, câu hỏi phần nghị luận xã hội khá gần gũi với các học sinh. Tuy nhiên, nếu muốn lấy điểm cao, các thí sinh cần phải phân tích sâu và bao quát vấn đề đề đã cho.

Theo báo cáo nhanh của Sở Giáo dục & Đào tạo An Giang, trong buổi thi môn Ngữ văn, toàn tỉnh có 15.069/15.089 thí sinh dự thi (đạt tỷ lệ  99,87%) và không có thí sinh bị đình chỉ thi. 

Ngoài ra, có 2 thí sinh tại điểm thi THPT Bình Mỹ (Châu Phú) và THPT Nguyễn Hữu Cảnh (Chợ Mới) phải nhập viện, do bệnh nặng (mổ ruột thừa, viêm ruột). Trong đó, đủ điều kiện xét đặc cách tốt nghiệp 1 trường hợp.

Chiều nay, các thí sinh sẽ thi môn Toán, với thời gian làm bài 90 phút.

Đề thi môn Ngữ văn như sau:

Gợi ý đáp án của các giáo viên Hệ thống giáo dục HOCMAI (theo nguồn Vietnamplus)

PHẦN I: ĐỌC HIỂU

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích là nghị luận. (0,5 điểm)

Câu 2: Các loài thực vật ở vùng Tsunoda thuộc Bắc cực đua nhau nảy mầm, nở thật nhiều hoa, kết hạt, chen chúc vươn mình trong khoảng không với mảnh đời thật ngắn ngủi giữa mùa hè. (0,5 điểm)

Câu 3: Sự tương đồng về sự sống của các loài thực vật ở vùng Tsunoda ở Bắc cực và ở vùng sa mạc Sahara trong đoạn trích: Dù sống trong điều kiện khắc nghiệt với vòng đời ngắn ngủi, các loài thực vật vẫn nảy mầm, đơm hoa, kết hạt và gieo mầm sự sống cho thế hệ sau. (1,0 điểm)

Câu 4:

Học sinh nêu rõ quan điểm đồng tình hoặc không đồng tình, suy nghĩ cá nhân. Cần lí giải thuyết phục, hợp lí. (1,0 điểm)

Sau đây là gợi ý:

- Tương lai được tạo nên từ quá khứ và hiện tại. Bởi vậy, sống hết mình ở hiện tại chính là tiền đề để tạo nên một tương lai tốt đẹp, dù là nhỏ bé.

- Sống hết mình ở hiện tại sẽ mang lại cho con người những kinh nghiệm vô giá, những trải nghiệm đáng quý sẽ trở thành hành trang đưa con người đến tương lai…

PHẦN II: LÀM VĂN

Câu 1:

Đề bài: Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày.

1. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn (0,25 điểm)

- Viết thành đoạn văn (khoảng 200 chữ).

- Có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng-phân-hợp, móc xích hoặc song hành.

2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,25 điểm)

Sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày.

3. Triển khai vấn đề nghị luận (1,0 điểm)

Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày. Có thể theo hướng sau:

- Giải thích: Trân trọng cuộc sống mỗi ngày là thái độ quý trọng, nâng niu, tận dụng mọi khoảnh khắc của hiện tại, không bỏ phí dù chỉ một giây phút nhỏ bé.

- Sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày:

+ Mỗi ngày là một phần tạo nên dòng chảy dài của cuộc sống. Trân trọng cuộc sống mỗi ngày giúp ta hiểu được ý nghĩa của từng điều nhỏ bé để tạo nền tảng vững chắc cho tương lai.

+ Trân trọng cuộc sống mỗi ngày giúp con người sống trọn vẹn trong từng khoảnh khắc, sống có ý nghĩa.

+ Trân trọng cuộc sống mỗi ngày là thái độ sống tích cực, chỉ những người biết trân trọng từng khoảnh khắc, tân dụng nó mới có thể tạo nên thành công.

4. Chính tả, ngữ pháp (0,25 điểm)

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt.

5. Sáng tạo (0,25 điểm)

Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.

Câu 2:

Đề bài: Phân tích tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân” được nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm thể hiện trong đoạn thơ.

1. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận (0,25 điểm)

Mở bài giới thiệu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm)

Tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân” được thể hiện trong đoạn thơ.

3. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

a. Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Khoa Điềm, trường ca Mặt đường khát vọng và đoạn trích (0,5 điểm)

b. Triển khai hệ thống luận điểm (3,5 điểm)

* Giải thích: Tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân” thể hiện quan niệm, suy nghĩ sâu sắc của nhà thơ về đất nước: gắn đất nước với công lao của những người dân vô danh.

* Biểu hiện tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân”

- Lịch sử 4000 năm của dân tộc được tạo nên từ mồ hôi và xương máu của nhân dân:

+ Họ là những người con trai, con gái bình dị nhưng thường trực tình yêu nước, vừa hăng say lao động, vừa dũng cảm chiến đấu.

+ Tác giả đề cao vai trò của những con người vô danh làm nên lịch sử.

- Nhân dân đóng vai trò chủ thể trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước:

+ Nhân dân là những người đã làm ra, giữ gìn và sáng tạo những giá trị vật chất, tinh thần, văn hóa cho đất nước: “truyền hạt lúa”, “chuyền lửa”, “truyền giọng nói”, “gánh theo tên xã, tên làng”...

+ Họ chiến đấu với ngoại xâm và nội thù để bảo vệ đất nước.

- Tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân” của Nguyễn Khoa Điềm có sự kế thừa và phát triển trong thời đại mới, thời đại chống Mĩ cứu nước.

* Nghệ thuật

- Thể loại trường ca với các câu thơ dài ngắn đan xen.

- Sử dụng nhuần nhuyễn và sáng tạo các chất liệu văn hóa dân gian.

- Giọng điệu thiết tha, thủ thỉ.

- Cách viết hoa “Đất Nước”, “Nhân dân”.

4. Chính tả, ngữ pháp (0,25 điểm)

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt.

5. Sáng tạo (0,5 điểm)

Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.

 

Tin, ảnh: L.H – T.T

 

Liên kết hữu ích