Xóm Mớ Đá (xã Hạ Bì, huyện Kim Bôi) được du khách xa gần biết đến nhờ có suối nước nóng nổi tiếng. Nơi đây cách thủ đô Hà Nội 70km, cách TP. Hòa Bình 30km, đường giao thông rất thuận tiện khi di chuyển bằng ôtô hoặc xe máy. Kim Bôi có một dòng suối chảy sâu trong lòng đất, vừa nằm lộ thiên. Trong các suối nước nóng tại Việt Nam, đây là suối khoáng có nhiệt độ thấp nhất (từ 34 - 36ºC). Nếu có ý định chụp ảnh “sống ảo” theo kiểu ngâm mình trong dòng nước đầy hơi nóng bốc lên, thì đừng đến Kim Bôi. Bởi lẽ, nhìn bằng mắt thường lẫn khi cơ thể chạm vào dòng nước, sẽ chẳng có bất kỳ khác biệt nào với hồ bơi hoặc bể tắm bình thường.
Thế nhưng, theo nghiên cứu của các nhà khoa học, nước khoáng Kim Bôi được xuất lộ ra từ vỉa đá vôi có tuổi địa chất khoảng 250 triệu năm. Qua kiểm nghiệm, nguồn nước khoáng này có đủ tiêu chuẩn dùng làm nước uống giải khát, giải nhiệt. Nước dùng để tắm và ngâm mình có tác dụng làm mịn, trắng da, điều trị các chứng bệnh ngoài da...
Vậy nên, Kim Bôi đang đẩy mạnh khai thác nguồn “vàng trắng” này. Hàng loạt dịch vụ từ bình dân đến cao cấp, từ lĩnh vực “tắm” sang ẩm thực, đến tham quan du lịch (DL), tuy không quá nhiều, nhưng đủ níu chân du khách ít ngày.
Hôm chúng tôi đến, Mớ Đá đang trở lại nếp sống thường ngày, không ồn ã, không đông đúc - cũng do dịch bệnh COVID-19. Khách DL chưa nhiều, nên phiên chợ quê ban sáng thưa thớt. Chừng 10 gian hàng liền kề nhau bán các loại đặc sản: măng, cơm lam muối vừng, gà đồi, nấm…
Mặt trời chưa lặn, họ đã thủng thỉnh dọn hàng, đóng sạp. Trừ một số bảng hiệu ghi “khu DL”, không có đặc trưng nào của một khu DL thường thấy. Con đường nhỏ vắng lặng đến mức, chúng tôi phải khẽ bước chân, sợ phá vỡ chút bình yên của mọi người. Có thể, với du khách thông thường, khung cảnh này khá buồn tẻ. Nhưng với góc nhìn của người làm báo, chúng tôi trân trọng trải nghiệm thú vị này, khi rời xa ánh đèn phố thị hào nhoáng, tạm quên những xô bồ của cuộc sống đắng đót chua cay, nhịp làm việc hối hả theo dòng sự kiện.
Đêm, con đường nhỏ được bao phủ bởi ánh đèn nhàn nhạt. Ra đến đường lớn, ánh sáng càng ít dần, chỉ nương nhờ các quán nước tạm bợ. Chúng tôi nghỉ chân, gọi mấy cốc đá mía. Nước cũng nhàn nhạt, không vấn vít đầu lưỡi. Cô chủ quán giải thích, mùa này mía kém ngọt, có chút vị chua. Giao mùa, trời mát dần, khách ít uống nước mía hẳn.
Thời gian trước, khách đến nườm nượp, lấp đầy cả quán. Giờ, suốt cả ngày, cô bán chưa đầy chục ly nước. Mượn chuyện, cô tâm tình đời mình cho chúng tôi nghe. Xứ này, đa số là người dân tộc thiểu số Mường. Đời sống khó khăn, thanh niên trai tráng bỏ quê đi xa, chỉ còn người già, trẻ nhỏ, người bệnh ở lại.
Cô tên Bùi Thị Vịnh, cũng là người Mường. Đang quần quật làm nông thì vợ chồng cô vướng bệnh tật, phải bỏ. Vậy là cô mở cái quán nhỏ xíu, vài ba chiếc bàn con trên vỉa hè, bám trụ từ sáng sớm đến đêm, chỉ mong bữa cơm thêm một chút thịt cá, thêm một liều thuốc cho người chồng ốm yếu quanh năm.
Trong cuộc trò chuyện với cô, chúng tôi nhận được một điều rất ý nghĩa. Mẹ chồng bệnh, chồng bệnh, bản thân bệnh, kiếm vài mươi ngàn mỗi ngày đã khó. Vậy mà, có mấy “vị khách” đến quán, xin ly nước đỡ mệt, xin ít đồng đi xe về quê. Cô hào sảng làm nước, vét mấy đồng bạc lẻ trong túi giúp họ, mặc kệ người xung quanh chê cười.
“Không cho thì áy náy, dù có lúc tôi biết họ không hẳn khổ đến mức ấy. Nhưng thôi, sống là cho đi, tính toán nhiều lại càng khổ sở. Cả đời tôi chỉ vài bận đi khỏi quê, chủ yếu khám bệnh. Tôi chưa từng có ý định rời nơi này, vất vả cách mấy vẫn phải cố gắng sống thôi!” - cô cười nhẹ, nửa bên mặt khuất sau bóng đêm, chất đầy tâm sự nhưng vẫn tự động viên mình.
Chúng tôi lặng lẽ theo dõi câu chuyện, như một cách giúp cô trút lòng mình cho nhẹ bớt. Tiếng thở dài của người phụ nữ ngót 60 tuổi quẩn quanh trong cơn gió se lạnh. Chẳng bi thương, nhưng khắc sâu ấn tượng trong tôi về một đêm Kim Bôi trầm lắng, về những điều tích cực ở đời. “Nghèo khó” không nên là lý do để rời bỏ, mà nên là động lực để trụ lại, vươn lên. Tôi tin rằng, Kim Bôi sẽ dần thay đổi, sẽ là nơi “yêu nhau đưa về”, để trải nghiệm và vương vấn làng quê yên bình này hơn!
Từng là “huyện 30a” với điều kiện kinh tế - xã hội hết sức khó khăn, Kim Bôi có 27.232 hộ dân, trong đó trên 90% là hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hơn 90% là hộ nghèo. Hình thức sản xuất của người dân chủ yếu là nông nghiệp truyền thống, tự cung, tự cấp. Tính đến hết năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đã giảm xuống còn dưới 14,7%; 100% đường huyện, đường đến trung tâm các xã trong huyện và 70% đường trục thôn, bản, liên thôn, bản trên địa bàn huyện được nhựa hóa, bê-tông hóa; đời sống người dân được cải thiện rõ rệt; mức thu nhập bình quân đầu người đạt 32 triệu đồng/năm. |
Bài, ảnh: GIA KHÁNH