Ký ức Ngày Giải phóng từ nơi nửa vòng Trái đất

30/04/2020 - 19:34

Ngày 30-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh, chiến dịch cuối cùng trong Cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 toàn thắng. Sự kiện đánh dấu chấm hết cho cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam và hoàn thành tâm nguyện thống nhất đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đây, bắc nam sum họp một nhà, non sông nối liền một dải.

Chiến thắng của nhân dân Việt Nam xuất hiện trên trang nhất số báo ngày 30-4-1975 của tờ báo Granma, cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Cuba.

Ông Phạm Duy Toàn, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Á - Phi - Mỹ La-tinh thuộc Ban Đối ngoại Trung ương Đảng (nay là Vụ châu Mỹ), khi ấy là Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Cuba, nay đã 93 tuổi, hào hứng kể lại với chúng tôi những kỷ niệm về ngày thống nhất đất nước, cũng như tình cảm nhân dân Cuba dành cho nhân dân Việt Nam trong suốt những năm tháng đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Ngay sau khi Đài phát thanh Sài Gòn phát tin chiến thắng của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam tới khắp mọi miền Tổ quốc và khắp năm châu, chuông điện thoại vang lên tại Đại sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Thủ đô La Habana, Cuba. Ông Phạm Duy Toàn nhấc máy, khi đó là 1 giờ sáng (giờ Cuba). Đầu dây bên kia là tiếng một người phụ nữ, nói tiếng Tây Ban Nha như reo lên: “Có tin vui này ông đã biết chưa? Giải phóng Sài Gòn rồi”. Người gọi điện cho ông lúc ấy là bà Melba Hernández Rodríguez del Rey, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Cuba với Việt Nam, người đã giúp đỡ rất nhiều thế hệ người Việt Nam tại Cuba.

Tin vui mà nữ ngoại giao Cuba ấy báo cho ông chỉ ít giờ sau khi thắng lợi là điều ông mãi không bao giờ quên. Người báo tin chiến thắng của đất nước mình đầu tiên không phải một người Việt Nam, mà là một người Cuba, hơn nữa lại còn đang đi công tác ở rất xa. Khi ấy bà Melba đang có chuyến công tác ở Stockhom, Thụy Điển. Qua phương tiện thông tin đại chúng nước sở tại, bà biết được tin thắng lợi ở Việt Nam và gọi điện báo tin cho những người đồng chí của mình đang ở Cuba, dù bà biết lúc đó đã là nửa đêm.

Đặt điện thoại xuống, niềm hạnh phúc về chiến thắng to lớn của đất nước đánh thức mọi người trong Đại sứ quán lúc đó đã ngủ say. Tất cả ôm chầm lấy nhau và reo hò mừng rỡ, trằn trọc mãi không ngủ. Sáng hôm sau, cơ quan ngoại giao tại Cuba mới nhận được thông tin chính thức từ Việt Nam.

Đến bây giờ, ông Toàn vẫn còn cảm thấy đặc biệt khi nghĩ lại về ngày hôm đó. Sáng sớm ngày 30-4 tại Cuba, vừa bước chân ra cổng, ông chứng kiến rất đông người Cuba vây kín chung quanh khuôn viên Đại sứ quán, reo hò hô vang những khẩu hiệu đoàn kết với Việt Nam. Đoàn người cứ kéo đến liên tục chờ để được vào chúc mừng chiến thắng. Sứ quán chỉ có chín người, tiếp khách đến khi đoàn người vãn dần thì đã xế chiều, ai cũng đói nhưng niềm vui đã làm họ quên mệt mỏi.

Nhà ngoại giao Phạm Duy Toàn.

Trong suốt nhiều năm gắn bó học tập và làm việc tại Cuba, ông Phạm Duy Toàn hiểu được cuộc diễu hành hằng năm nhân Ngày Quốc tế Lao động (1-5) là một dịp rất quan trọng và thiêng liêng đối với mỗi người dân Quốc đảo Caribe. Ngày này hằng năm, tất cả các nhà lãnh đạo cấp cao của Cuba đều có mặt tại Quảng trường Cách mạng José Martí, cùng nhân dân cả nước Cuba chào mừng ngày lễ của giai cấp vô sản toàn thế giới. Hàng trăm nghìn người thuộc mọi tầng lớp, thế hệ đã thức dậy từ 3 giờ sáng để tham gia vào cuộc diễu hành này. Họ mang theo băng-rôn, khẩu hiệu thể hiện sức mạnh của sự đoàn kết dân tộc, niềm tin vào thành quả của cuộc cách mạng, và giương cao những mục tiêu mà họ quyết tâm đạt được. Cũng chính tại đây, Chủ tịch Fidel Castro đã nhiều lần khẳng định sự ủng hộ của nhân dân Cuba đối với cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc của Việt Nam.

Khi là một trong những nhà ngoại giao nước ngoài được đứng trên lễ đài chính, ông nhận ra ngay sự khác biệt trong buổi diễu hành năm đó. Sau lễ rước quốc kỳ và ảnh của các vị anh hùng dân tộc như thường lệ, ông rất bất ngờ khi thấy hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cùng lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam xuất hiện giữa Quảng trường Cách mạng tại Thủ đô La Habana. Biển người vỗ tay không dứt và hô vang khẩu hiệu chúc mừng. Lá cờ và hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi qua lễ đài, tiếng vỗ tay vẫn còn vang mãi. Chủ tịch Fidel Castro gửi lời chúc mừng đến lãnh đạo và nhân dân Việt Nam trước hàng trăm nghìn người có mặt tại quảng trường buổi sáng ấy. Cuộc mít-tinh thường niên kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động trở thành cuộc diễu hành khổng lồ mừng thắng lợi của Việt Nam.

Để thông tin chính thức về thắng lợi lịch sử của nhân dân Việt Nam đến cộng đồng quốc tế và tỏ lòng biết ơn đối với sự ủng hộ hỗ trợ của các nước trên thế giới, các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài được phép tổ chức một buổi chiêu đãi quy mô khoảng 300 khách mời, riêng Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba được phép mời 500 khách. “Tuy nhiên, sau khi họp bàn trao đổi nội bộ, tất cả đều có chung ý kiến rằng số lượng khách mời như vậy vẫn rất ít, khó để loại bỏ tên ai đó ra khỏi danh sách khách mời”, ông Toàn kể lại.

Sau buổi họp, ông đến gặp ông Raúl Valdés Vivo, khi ấy là Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Cuba để nói chuyện về buổi tiệc chiêu đãi sắp tới. Ông Valdés cũng cho rằng 500 khách mời tại Cuba là một con số hạn chế. Sau một hồi suy nghĩ, ông Valdés nói “Được rồi, để tôi tính” và hứa sẽ giúp đỡ hết sức có thể. Hai hôm sau, khi biết chuyện, bà Melba Hernández Rodríguez del Rey, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Cuba với Việt Nam, gọi điện cho ông và chỉ nói “Để tôi lo”. Sau này, ông Toàn mới biết bà Melba đã trực tiếp gặp Chủ tịch Fidel Castro và được toàn quyền giúp Việt Nam tổ chức bữa tiệc chiêu đãi chúc mừng.

“Thực tế diễn ra ngoài sức tưởng tượng của bất kỳ ai giàu trí trưởng tượng nhất trần gian này”, ông Toàn hóm hỉnh kể lại. Ngay hôm sau, phía Cuba cho người đến trang trí Đại sứ quán, như sửa sang, trồng hoa và giăng đèn rực rỡ. Hơn 1.000 giấy mời đã được gửi đến tất cả các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước Cuba, cũng như các đại diện ngoại giao nước ngoài ở Cuba.

Theo giấy mời, buổi chiêu đãi dự kiến tổ chức vào lúc 8 giờ tối, nhưng ngay từ chiều, các cán bộ sứ quán đã phải tiếp đón khách đến liên tục, và chứng kiến một hàng người dài trước cửa cơ quan ngoại giao Việt Nam. Nhiều người trong số họ nói chúng tôi đến vì chiến thắng của Việt Nam cũng là của Cuba. Không thể khước từ lại tình cảm nồng nhiệt của nhân dân Cuba, cổng Đại sứ quán mở cửa tự do cho tất cả mọi người, không còn bận tâm đến giấy mời.

Khoảng 8 giờ tối, Chủ tịch Fidel đến, ôm hôn những người đồng chí Việt Nam giữa ánh sáng của pháo hoa rực rỡ một góc trời Thủ đô. Không gian rộ lên một tràng pháo tay chúc mừng cho chiến thắng của nhân dân Việt Nam anh hùng. Ban nhạc Aragon nổi tiếng nhất Cuba thời kỳ đó được bà Melba mời đến, hòa cùng với niềm hân hoan, tiếng nhạc mãi đến gần sáng mới dứt.

Ông Nguyễn Đình Bin, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, không quên kỷ niệm được tiếp Fidel đến chúc mừng ngay buổi trưa ngày 30-4. Khi ấy, ông giữ chức Bí thư thứ ba phụ trách Báo chí của Đại sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Cuba. Ngay sau khi biết tin miền nam Việt Nam hoàn toàn giải phóng, Fidel đã đến Đại sứ quán.

Ông ôm hôn nồng nhiệt Đại sứ Hà Văn Lâu và tất cả cán bộ có mặt, như trong một gia đình chứ không theo nghi thức ngoại giao. Ông khẳng định, đây không chỉ là thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt Nam mà còn là thắng lợi của nhân dân Cuba và toàn thế giới. Chủ tịch Fidel đã khui một chai rượu của Cuba đã được cất giữ 70 năm, mà ông mang đến để chung vui chúc mừng sự kiện lịch sử này.

Trong bài phát biểu của mình vào tháng 5-1975 nhân dịp kỷ niệm lần thứ 30 chiến thắng chủ nghĩa phát xít tại tại nhà hát Lazaro Peña, Trung tâm Những người lao động Cuba tại Thủ đô La Habana, Chủ tịch Fidel Castro đã nói “thắng lợi của nhân dân Việt Nam như một tấm gương về tình đoàn kết, nhưng chúng ta cũng phải nói đến thắng lợi đó như tấm gương về chủ nghĩa anh hùng vô song của một dân tộc. Chúng ta phải nói rằng thắng lợi của nhân dân Việt Nam cũng là một trong những chiến công vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại”.

Vào dịp này hằng năm, lãnh đạo Đảng và Nhà nước Cuba vẫn gửi thư chúc mừng “Ngày hội thống nhất non sông” của nhân dân Việt Nam. 45 năm trước, tờ báo Granma, cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Cuba đã đã đưa tin về Chiến thắng của nhân dân Việt Nam lên trang nhất của số báo cùng ngày 30-4-1975. Đến nay, trên nhiều tờ báo lớn khác của đất nước Caribe vẫn tiếp tục đăng tải những bài phân tích về cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước.

Đối với riêng nhà ngoại giao Việt Nam Phạm Duy Toàn, dù không còn công tác, nhưng ông vẫn dõi theo Cuba và luôn trân trọng những tháng năm công hiến cho sự nghiệp vun đắp mối quan hệ hữu nghị giữa hai đất nước. Ký ức về tình cảm mà nhân dân Cuba dành cho nhân dân Việt Nam vẫn luôn luôn thường trực trong tâm trí ông.

Theo HẢI ANH GHI (Báo Nhân Dân)