Ký ức Trường Sa

29/04/2020 - 04:44

Chuyến công tác chỉ kéo dài 10 ngày trên biển, tuy thời gian không dài nhưng là những ký ức mang lại niềm tự hào cho người làm báo như tôi trong suốt thời gian qua và mãi không quên khi một lần đến với Trường Sa.

Thả vòng hoa tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh ở cụm Gạc Ma, Cô Lin

Thấm thoát mà thời gian trôi qua đã được hơn 2 năm kể từ ngày tôi được đến với Trường Sa - nơi ghi dấu những năm tháng hào hùng của dân tộc trong cuộc chiến giữ gìn bờ cõi biển cả. Tham gia đoàn công tác của tỉnh có 25 người là lãnh đạo, cán bộ của các sở, ban, ngành với đủ mọi lứa tuổi.

Tôi đã từng nhiều lần được nghe kể về Trường Sa, về những cuộc chiến ác liệt trên các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca… nhưng có lẽ câu chuyện về sự kiện ngày 14-3-1988 trên các đảo: Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao để lại ấn tượng mạnh nhất trong tôi. Có đến tận các đảo chìm, đảo nổi của Việt Nam trên khu vực Biển Đông và thềm lục địa phía Tây Nam của Tổ quốc, mới cảm nhận đầy đủ nhất những gian khổ, vất vả mà cán bộ, chiến sĩ đang phải đối mặt.

Không phải ai cũng được chiến đấu, lao động trên những hòn đảo thường xanh, phần đông trong số họ phải làm nhiệm vụ trong một môi trường đặc biệt với những tên gọi: Cô Lin, Sinh Tồn, Đá Nam, Tiên Nữ, An Bang, Núi Le… tất cả đều gợi lên một sự oai hùng mà chỉ những người dũng cảm nhất mới có thể đương đầu ở nơi đầu sóng, ngọn gió.

Giữa bốn bề biển cả mênh mông, đảo Sinh Tồn nằm tại tọa độ 9o53’00”B, 114o19’00”Đ. Trên đảo có một tấm biển ghi lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời và có biển. Bờ biển của ta dài và đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.

Có người bảo rằng tên gọi của đảo như muốn nói lên sự sinh ra trong trời đất và trường tồn mãi với thời gian. Cũng có người nói rằng, Sinh Tồn là tên gọi thể hiện ý chí của những người sống trên đảo, bất chấp hiểm nguy, bất chấp cả những điều kiện khắc nghiệt nhất.

Dù lý giải theo cách nào, thì cái tên Sinh Tồn với mỗi chúng tôi sẽ mãi còn in sâu trong ký ức về hình ảnh của ngư dân và những người chiến sĩ dũng cảm ngày đêm canh giữ biển, đảo của quê hương. 5 ngày đêm lênh đênh trên biển, vượt qua nhiều sóng gió, con tàu HQ 561 mang theo nhiều sự hồi hộp, mong chờ cũng tới được vùng biển nơi có cụm đảo Cô Lin, Gạc Ma và Len Đao.

Nhìn từ xa, đảo chìm Cô Lin trông như một con tàu đang kiêu hãnh, vững vàng lướt sóng; lại gần, đảo như một ngôi nhà thân quen bên mép nước cùng những người lính hiền hòa, tươi cười chào đón khách. Đảo chìm này, năm xưa đã chứng kiến cảnh con tàu HQ 505 cùng toàn bộ đoàn thủy thủ anh dũng tăng tốc lao thẳng lên đảo dựng lá cờ xác định chủ quyền của đất nước.

Như đã thành thông lệ, đi qua vùng biển này, tất cả con tàu của Hải quân Việt Nam đều dừng lại làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương. Trong không gian trang nghiêm, vang vọng khúc nhạc Chiêu hồn tử sĩ, bài diễn văn tưởng niệm như thấm vào từng trái tim, từng khóe mắt mỗi người…

“Các anh ra đi khi tóc vẫn còn xanh, để lại nỗi đau cho những mẹ già, người vợ trẻ và con nhỏ côi cút, bơ vơ. Các anh hòa vào biển, biển trời bao la sẽ mãi ôm các anh vào lòng, nâng giấc ngủ ngàn thu cho các anh…”. Có ai đó đã khóc, và nhiều người khác mắt cũng cay xè, tôi cũng vậy, tôi đã khóc giữa Trường Sa thân yêu. Từng người, từng người một trên tàu nối thành vòng kính cẩn thắp nén nhang, chứng kiến vòng hoa được thả xuống biển đang dần mất dạng phía chân trời, những giọt nước mắt lặng lẽ trào ra trên mắt chị, mắt anh…

Nhìn sang Gạc Ma, lời thề giữ biển lại một lần nữa được đoàn công tác chúng tôi khắc ghi. Và tôi chắc chắn một điều, bất cứ người dân Việt Nam nào khi tới vùng biển này, tham dự lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ấy sẽ hiểu thêm niềm tự hào dân tộc, tình yêu biển, đảo, Tổ quốc và dù khô cằn đến mấy cũng có chung cảm xúc giống như tôi.

Trong suốt 45 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, cùng với những thành tích xuất sắc về huấn luyện, quân và dân huyện đảo Trường Sa còn làm tốt công tác dân vận, tìm kiếm cứu nạn, thực sự là chỗ dựa tin cậy để ngư dân yên tâm bám biển, bám ngư trường khai thác, đánh bắt hải sản.

45 năm trước, sáng 14-4-1975, lực lượng của Đội 1 đặc công Hải quân bí mật tiếp cận đảo Song Tử Tây. Địch phòng ngự trên đảo hoàn toàn bất ngờ, chỉ sau 30 phút chiến đấu, đơn vị đã làm chủ hoàn toàn đảo Song Tử Tây. Chúng ta giải phóng đảo Song Tử Tây, làm cho hệ thống phòng thủ của địch trên quần đảo Trường Sa lâm vào thế khủng hoảng nghiêm trọng. Trên đà thắng lợi, các lực lượng của ta giải phóng đảo Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn và đến 9 giờ ngày 29-4-1975 giải phóng đảo Trường Sa.

 

NGUYỄN HƯNG