Kỳ vọng “Đại lộ đại phú”

05/02/2019 - 07:00

 - Khánh thành cầu Vàm Cống, khởi công tuyến đường tránh TP. Long Xuyên, đẩy nhanh tiến độ cầu Châu Đốc, xây dựng, nâng cấp thêm nhiều tuyến đường kết nối vào An Giang và các tuyến đường nội tỉnh… là những yếu tố quan trọng tạo thành hệ thống giao thông liên hoàn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Ưu tiên các công trình trọng điểm

Theo Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) Nguyễn Việt Trí, năm 2018, sở đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trực thuộc Bộ GTVT và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620 đẩy nhanh thực hiện dự án xây dựng cầu Châu Đốc bằng hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Các địa phương đã thực hiện hoàn thành cơ bản công tác giải phóng mặt bằng cho dự án. Trên cơ sở kết luận của Bộ GTVT, sở đã tham mưu UBND tỉnh có văn bản đề xuất Bộ GTVT tiếp tục thực hiện chủ quản dự án để hỗ trợ phát triển giao thông vùng ĐBSCL. Đối với dự án tuyến nối Quốc lộ 91 và đường tránh Long Xuyên, Sở GTVT chủ động tham mưu UBND tỉnh, đồng thời trực tiếp làm việc với các cơ quan Trung ương để ghi vốn thực hiện trong giai đoạn trung hạn 2016-2020. Qua đó, Chính phủ đã đồng ý cho Bộ GTVT phê duyệt dự án, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Thời gian qua, Sở GTVT đã phối hợp với đoàn công tác của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đến kiểm tra hiện trường các tuyến Tỉnh lộ (TL) 848 (Đồng Tháp) -TL942 -TL954 -TL952 (An Giang), đồng thời cung cấp hồ sơ, thủ tục để có cơ sở đề nghị Bộ GTVT chuyển các tuyến đường này lên Quốc lộ 80B. Đây là tuyến kết nối quan trọng, giúp giảm tải cho Quốc lộ 91, rút ngắn thời gian di chuyển từ các huyện cù lao, vùng biên giới An Giang lên TP. Hồ Chí Minh.

Đến cuối năm 2018, nhiều công trình giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành. Điển hình như: dự án cải tạo nâng cấp mặt đường và xây kè TL941; nâng cấp TL942 (đoạn cầu Ông Chưởng - phà Thuận Giang); xây dựng cống bản số 9 và cống bản số 12 (thuộc dự án nâng cấp ĐT943, đoạn Tân Tuyến - Sóc Triết); khắc phục 2 đoạn sạt lở trên TL946 (km25 và km27); xây dựng cầu Am Lôi Thôi (TL952). Đồng thời, tiếp tục khẩn trương triển khai các dự án còn lại như: nâng cấp TL943 (đoạn từ cầu Mỹ Hòa đến Phú Hòa); nâng cấp tuyến đường phục vụ quốc phòng - an ninh kết hợp đê bao ngăn lũ vùng Tứ giác Long Xuyên giai đoạn II (TL955A, đoạn từ Châu Đốc - cửa khẩu Tịnh Biên), phấn đấu hoàn thành cuối năm 2019; Dự án cầu Cái Đầm (TL954); Dự án cầu Nguyễn Thái Học (TP. Long Xuyên); Dự án xây dựng cầu Phú Hòa (Thoại Sơn); Dự án xây dựng cầu dân sinh (Dự án LRAMP)…

Một trong những điểm sáng của ngành GTVT là tổ chức thực hiện rất tốt Đề án xã hội hóa đầu tư xây dựng cầu nông thôn trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020 (Đề án số 426/ĐA-UBND, ngày 19-7-2017 của UBND tỉnh). Đến nay, so bộ tiêu chí nông thôn mới, đã có 60/119 xã đạt tiêu chí số 02 về giao thông (kế hoạch của UBND tỉnh đạt 61/119 đến năm 2020).

Kỳ vọng “Đại lộ đại phú”

An Giang đẩy nhanh tiến độ xã hội hóa xây dựng cầu nông thôn

Tiếp tục nỗ lực

Theo Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Việt Trí, năm 2018, bên cạnh tập trung triển khai các dự án trọng điểm, một số tuyến đường tỉnh xuống cấp nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân cũng đã được khởi công nâng cấp, từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Các đoạn sạt lở trên các tuyến đường giao thông trọng yếu được khắc phục kịp thời, đảm bảo giao thông thông suốt. Việc tăng cường phối hợp có hiệu quả với các bộ, ngành Trung ương đã giải quyết kịp thời những khó khăn trong triển khai các dự án, công trình trọng điểm.

Phát huy kết quả này, năm 2019, tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT, tích cực hỗ trợ nhà đầu tư thi công cầu Châu Đốc. Đồng thời, tiếp tục theo dõi, kiểm tra tiến độ thi công cầu Vàm Cống (dự kiến đưa vào sử dụng từ giữa năm 2019), đôn đốc huyện An Phú và TX. Tân Châu đẩy nhanh tiến độ dự án nâng cấp TL957, xây dựng cầu Tân An (TL952). Ông Trí cho biết, đối với dự án tuyến tránh TP. Long Xuyên, Sở GTVT sẽ tích cực chuẩn bị các thủ tục, tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ GTVT triển khai trong năm 2019, phấn đấu hoàn thành vào năm 2023 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang 2018.

Sắp tới, Công ty TNHH MTV Phà An Giang sẽ triển khai thực hiện dự án đầu tư bến phà Tân Châu - Hồng Ngự. Sở GTVT sẽ liên hệ với các bộ, ngành Trung ương để xin vốn thực hiện các dự án nâng cấp kênh Vĩnh Tế, xây dựng tuyến N1 (đoạn Châu Đốc - Tân Châu) để tạo kết nối. Song song đó, sở sẽ tích cực chuẩn bị các thủ tục và tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ GTVT phê duyệt công bố tuyến Quốc lộ 80B qua địa bàn tỉnh An Giang (từ Đồng Tháp qua huyện Chợ Mới - Phú Tân - TX. Tân Châu đến cửa khẩu Vĩnh Xương).

Nhằm phục vụ lưu thông dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, các đơn vị nghiệp vụ thuộc Sở GTVT đang khẩn trương duy tu, sửa chữa kịp thời các tuyến đường xuống cấp, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Đồng thời, thực hiện phân luồng, phân tuyến đảm bảo an toàn giao thông các tuyến đường đang đầu tư, nâng cấp, tạo thuận tiện cho nhân dân và du khách đi lại...

Kỳ vọng “Đại lộ đại phú”

Kỳ vọng phát triển từ giao thông

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá rất cao tiềm năng, thế mạnh của An Giang, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, kinh tế biên mậu. Với vị trí địa lý đầu nguồn sông Cửu Long, Thủ tướng kỳ vọng An Giang cùng với Cần Thơ, Kiên Giang và Cà Mau (các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL) sẽ là “4 con tuấn mã” dẫn dắt tăng trưởng kinh tế cả vùng.

Theo các chuyên gia, để đáp ứng kỳ vọng của Thủ tướng, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của An Giang, trước hết, cần tháo gỡ điểm nghẽn giao thông, ưu tiên hệ thống giao thông hiện đại kết nối vùng ĐBSCL. “Toàn vùng ĐBSCL mới chỉ có tuyến cao tốc từ Trung Lương lên TP. Hồ Chí Minh, còn lại là đường cũ nhiều năm nay. Đây là thiệt thòi cho ĐBSCL bởi người dân, doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian cho việc đi lại, hạn chế sự phát triển của vùng” - ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải An Giang bày tỏ.

Tín hiệu vui cho vùng đất “Chín Rồng” là ngày 15-1-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 68/QĐ-TTg về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu của điều chỉnh là phát triển vùng ĐBSCL theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, có vai trò, vị thế quan trọng đối với quốc gia và khu vực Đông Nam Á. Đây là vùng trọng điểm quốc gia về sản xuất nông nghiệp và đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, phát triển mạnh kinh tế biển, du lịch sinh thái, cảnh quan sông nước.

Với diện tích 40.604,7km2, dự báo đến năm 2030, dân số toàn vùng ĐBSCL khoảng 18-19 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa 35-40% (dân số đô thị 6,5-7,5 triệu người), nhu cầu giao thông kết nối là rất lớn. Về định hướng phát triển hệ thống giao thông theo Quyết định số 68/QĐ-TTg, đối với đường bộ sẽ hoàn thiện và xây mới các tuyến đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Cần Thơ - Cà Mau, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Cùng với cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ hiện hữu, sẽ xây mới các tuyến đường quốc lộ tránh đô thị và nâng cấp một số tuyến tỉnh lộ quan trọng trong vùng lên quốc lộ. Các tuyến quốc lộ đạt tiêu chuẩn đường cấp II, cấp III đồng bằng… Đối với đường biển thì tập trung cải tạo, nâng cấp luồng vào các cảng trên sông Hậu, sông Tiền, bán đảo Cà Mau và ven biển Tây. Đường thủy nội địa ưu tiên đầu tư phát triển các tuyến kết nối thuận tiện, đồng bộ với giao thông đường bộ. Về đường sắt, xây dựng và phát triển các tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ và Cần Thơ - Cà Mau. Về đường hàng không, đến năm 2030, các cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, Phú Quốc đạt tiêu chuẩn cấp 4E (tiêu chuẩn của tổ chức hàng không quốc tế ICAO), các cảng nội địa Cà Mau, Rạch Giá đạt tiêu chuẩn cấp 4C.

Ngày 15-12-2018, dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã công bố ưu tiên quy hoạch hệ thống giao thông cho ĐBSCL nhằm tạo động lực kết nối và thúc đẩy kinh tế - xã hội của vùng phát triển. Trong đó, đáng chú ý là Chính phủ đã chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc về lãi suất cho cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (dài 54km), đảm bảo hoàn thành vào năm 2021. Từ đó, tạo đà triển khai toàn tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau. Thủ tướng giao Bộ GTVT nghiên cứu phương thức có tính khả thi cao để đầu tư tuyến cao tốc Long Xuyên - Châu Đốc (dài 55km), khẩn trương làm “đại lộ” này để vùng đất An Giang có “đại phú”.

Với sự quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ, kỳ vọng trong những năm tới, An Giang có sự bứt phá mạnh mẽ về giao thông để tăng tốc phát triển.

NGÔ CHUẨN