Kỳ vọng “Đại lộ, đại phú”

20/12/2021 - 05:43

 - Những dự án giao thông lớn, quan trọng khi được triển khai đầu tư, đưa vào khai thác, sử dụng sẽ giúp kết nối An Giang với vùng ĐBSCL thuận lợi hơn. Từ đó, phát huy tiềm năng, lợi thế của An Giang – cửa ngõ kết nối TP. Hồ Chí Minh, ĐBSCL với khối ASEAN qua Campuchia và đồng bằng Mekong.

Con đường mong ước

TP. Long Xuyên vừa là trung tâm, vừa là cửa ngõ của tỉnh An Giang. Tuyến đường trục chính khi đi qua TP. Long Xuyên mang tên danh tướng Trần Hưng Đạo nhưng đồng thời cũng là một phần tuyến Quốc lộ 91 (QL91), nối từ TP. Cần Thơ qua TP. Long Xuyên, kết nối lên TP. Châu Đốc, Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên. Do là tuyến đường trọng yếu nên phần lớn phương tiện, xe hàng đều đổ dồn qua đường Trần Hưng Đạo để xuống các tỉnh ĐBSCL, lên TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông… Vào giờ cao điểm, nhất là mùa du lịch (từ Tết Nguyên đán đến lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam), tuyến đường Trần Hưng Đạo thường xuyên ùn tắc giao thông. Do vậy, việc xây dựng tuyến đường tránh TP. Long Xuyên để giảm tải cho trục đường trung tâm đã được An Giang đề xuất hơn 20 năm trước, là nhu cầu và mong ước bấy lâu của người dân.

Ngày 22-11-2018, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã có Quyết định 2527/QĐBGTVT, phê duyệt dự án đầu tư tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên. Tuyến đường có điểm đầu kết nối với đường dẫn vào cầu Vàm Cống (TP. Cần Thơ), điểm cuối kết nối với QL91 tại khu vực Giáo xứ Cần Xây (phường Bình Đức, TP. Long Xuyên). Toàn tuyến có chiều dài 15,3km, quy mô đường cấp III, 2 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 2.107 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần giảm ùn tắc, hạn chế tai nạn, từng bước hoàn chỉnh kết nối mạng lưới hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL.

Phối cảnh tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Đào Văn Ngọc, sau 12 tháng triển khai, TP. Long Xuyên đã hoàn thành cơ bản công tác giải phóng mặt bằng. Ngày 20-8-2020, UBND TP. Long Xuyên đã tổ chức lễ bàn giao mặt bằng dự án cho đơn vị quản lý.

Bộ GTVT cho biết, đến nay, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn thiết kế, giám sát. Bộ GTVT hoàn thành phê duyệt hồ sơ thiết kế, dự toán vào tháng 10-2021. Do vậy, dự án dự kiến khởi công ngay trong tháng 12-2021 và hoàn thành trước ngày 31-12-2023. Đây là thông tin rất vui cho người dân An Giang ngay trước thềm năm mới.

Kết nối đồng bộ

Sau dự án tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên, một công trình giao thông đang được người dân An Giang và vùng ĐBSCL chờ đợi là dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Đây được xem là một trong những dự án trọng điểm, huyết mạch phát triển kinh tế vùng ĐBSCL.

Bộ GTVT cho biết, việc đầu tư hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 2021-2025 nằm trong Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ngày 3-9-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1456/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Dự kiến, báo cáo sẽ được trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV (diễn ra vào tháng 5-2022).

Một điểm kết nối từ Tỉnh lộ 941 (huyện Tri Tôn) vào Tỉnh lộ 945 đang được thi công

Theo thiết kế, dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có tổng chiều dài khoảng 188km, đi qua tỉnh An Giang, TP. Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng. Tuyến đường có điểm đầu kết nối QL91 (tuyến QL N1), thuộc xã Vĩnh Tế (TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang), điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ Nam Sông Hậu (cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng). Tuyến cao tốc có quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 52.363 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng PPP).

Theo Bộ GTVT, việc đầu tư xây dựng mới tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, đáp ứng nhu cầu vận tải trên tuyến hành lang theo trục ngang dọc sông Hậu, kết nối các khu cảng biển tại TP. Cần Thơ, cảng nước sâu Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng), các trung tâm thành phố lớn, như: Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc và các cửa khẩu quốc tế dọc tuyến biên giới giáp Campuchia. Từ đó, kết nối thông thương vùng ĐBSCL với cửa ngõ ASEAN, tạo động lực thúc đẩy vùng đất “Chín Rồng” phát triển.

Nếu như cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên là những trục dọc kết nối An Giang với các tỉnh ĐBSCL thì những tuyến trục ngang kết nối An Giang qua tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang cũng được đẩy mạnh triển khai. Trong đó, dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp tuyến đường liên tỉnh nối từ huyện Châu Phú - An Giang qua khu vực Tứ giác Long Xuyên nối với huyện Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang), còn gọi Tỉnh lộ 945 có ý nghĩa rất quan trọng.

Theo Quyết định 547/QĐ-UBND, ngày 17-3-2021 UBND của tỉnh An Giang về phê duyệt điều chỉnh dự án, Tỉnh lộ 945 có tổng chiều dài tuyến đường 40,55km, chiều rộng từ 9-12m, đường cấp IV đồng bằng (đoạn đầu tuyến cấp III đồng bằng), vận tốc thiết kế 60km/giờ (một số đoạn chiết giảm 40km/giờ). Công trình có tổng mức đầu tư (điều chỉnh) hơn 1.803 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2017-2024. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang cho biết, Tỉnh lộ 945 đang được thi công khẩn trương, đảm bảo tiến độ và chất lượng theo quy định.

Tỉnh lộ 945 là công trình có ý nghĩa quan trọng, giúp kết nối QL91 (tỉnh An Giang) với huyện Hòn Đất và tuyến đường ven biển tỉnh Kiên Giang. Công trình hoàn thành, đưa vào khai thác sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa An Giang – Kiên Giang, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tiềm năng du lịch của 2 tỉnh

 

NGÔ CHUẨN