Kỳ vọng vào định hướng phát triển của An Phú

22/07/2020 - 04:23

 - Trong không khí phấn khởi chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện An Phú (An Giang) lần thứ VII, nhiệm kỳ 2015-2020, mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đều rất tự hào với sự kiện chính trị trọng đại của huyện nhà. Tất cả đang đặt nhiều kỳ vọng vào những quyết sách hợp lý để tận dụng thời cơ thuận lợi, vượt qua những khó khăn, xây dựng An Phú phát triển nhanh và bền vững.

Đồng chí Nguyễn Văn Thao.

Đồng chí Nguyễn Văn Thao, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch UBMTTQVN huyện An Phú:

Nhiệm kỳ mới, An Phú tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể, hội quần chúng nhằm đưa các hoạt động hướng mạnh về cơ sở. Tập trung đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Huy động mọi nguồn lực cùng chính sách Nhà nước để chăm lo tốt chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân tốt hơn.

Huyện tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” với nhiều mô hình mang lại hiệu quả cao và nhân rộng điển hình các tập thể, cá nhân; không ngừng nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức khi thực thi công vụ; thực hiện tốt phong cách “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân” và phương châm “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.

Tôi tin tưởng với những quan điểm và giải pháp nêu trên sẽ góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VII, đặc biệt là 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ tới.

Đồng chí Lê Minh Thuận.

Đồng chí Lê Minh Thuận, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện An Phú:

Việc quan tâm chỉ đạo và thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng trong toàn Đảng bộ đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên. Tinh thần đoàn kết trong nội bộ không ngừng được củng cố, dân chủ tiếp tục được duy trì và mở rộng. Tình hình tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân luôn ổn định. Từ đó đã phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất tư tưởng và hành động, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý nhà nước được phát huy cùng với sự tham gia tích cực của các đoàn thể chính trị - xã hội… nên hầu hết các chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ đã đề ra đều đạt và vượt so kế hoạch. Nổi bật nhất là: kinh tế tiếp tục phát triển, đời sống vật chất và tinh thần người dân được nâng lên; tình hình xã hội ổn định, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời đúng quy định; quốc phòng - an ninh và tình hình biên giới tiếp tục duy trì ổn định. Đặc biệt là xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đoàn kết thống nhất trong nội bộ được củng cố và phát triển.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác chính trị tư tưởng trong thời gian tới, từng cấp ủy, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị tiếp tục xác định vị trí, tầm quan trọng công tác chính trị tư tưởng để chỉ đạo thực hiện, tạo sự thống nhất ý chí và hành động, nâng cao cảnh giác trước mọi âm mưu. Rà soát, đánh giá, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ báo cáo viên đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, nhất là cán bộ phụ trách công tác tuyên giáo ở chi bộ, Ban Tuyên giáo ở cơ sở… Ngoài sự quan tâm lãnh chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và thực hiện quy định của Trung ương về nâng cao chất lượng công tác chính trị tư tưởng trong tình hình mới, thì vai trò tham mưu của Ban Tuyên giáo và cán bộ làm công tác tuyên giáo phải chủ động, tích cực, nắm bắt kịp thời diễn biến tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và dư luận xã hội để tham mưu, đề xuất cấp ủy chỉ đạo và phối hợp thực hiện… để công tác chính trị tư tưởng được thực hiện tốt trong tình hình mới.

Đồng chí Mai Văn Bộ.

Đồng chí Mai Văn Bộ, Trưởng phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn:

Với cách nghĩ, cách làm sáng tạo, An Phú đã huy động được các nguồn lực, tăng cường đầu tư cho hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, từng bước nâng cao đời sống người dân. Huyện xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, cốt lõi là chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng Hợp tác xã kiểu mới, phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo cuộc sống ổn định cho người dân.

Đến nay, chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu nông nghiệp đã triển khai 6/8 nhóm sản phẩm chiến lược được quy hoạch của tỉnh, gồm: lúa an toàn sinh học (gần 600ha), rau màu (12 nhà màng/12.000m2 chuyên trồng dưa lưới), chăn nuôi, cây ăn trái, nấm ăn - nấm dược liệu, thủy sản... Thành quả lớn nhất chính là người dân thay đổi nhận thức về sản xuất sạch, an toàn, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, nâng cao hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng (An Phú là nơi trồng đầu tiên của tỉnh) mang lại hiệu quả kinh tế gấp 40 – 50 lần so trồng lúa; Hợp tác xã nuôi lươn Vĩnh Ngữ (xã Vĩnh Hậu) thành lập năm 2019 là đơn vị có sản phẩm VietGap đầu tiên của tỉnh hoạt động theo Luật Hợp tác xã 2012; Hợp tác xã xoài Long Bình (xã Khánh Bình) là nơi xuất khẩu trái cây đầu tiên ra nước ngoài của huyện; Hợp tác xã công nghệ cao DH (xã Phú Hữu) là đầu mối hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của huyện.

Huyện tiếp tục vận dụng hiệu quả các chính sách để thực hiện chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, tạo thuận lợi cho nông dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, liên kết “4 nhà”, thúc đẩy nâng cao vai trò kinh tế hợp tác. Ngành nông nghiệp tổ chức lại sản xuất (tùy vào quy mô, điều kiện, lợi thế so sánh từng vùng, khu vực) gắn với phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng. Trong quy hoạch, tiếp tục xây dựng hạ tầng đồng bộ phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp; có chính sách huy động tốt các nguồn vốn, khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Bài, ảnh: HỮU HUYNH