Làm giấy đất khống để chiếm đoạt tiền

11/10/2023 - 06:13

 - Sau khi có đơn yêu cầu cấp, đổi… giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) của người dân, Phan Ngọc Phương (sinh năm 1970, ngụ ấp Bình Hưng 1, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) - nguyên cán bộ công chức địa chính xã Bình Thủy (huyện Châu Phú) lập danh sách trình hội đồng xét duyệt UBND xã Bình Thủy xem xét. Tuy nhiên, lợi dụng việc làm này, Phương đã lập các thủ tục khống để làm 17 GCNQSDĐ cho những người thân trong gia đình đứng tên để chiếm đoạt tiền.

Bị cáo Phương khai nhận hoàn toàn hành vi phạm tội tại tòa

Theo hồ sơ vụ án cùng lời khai của Phương và những người có liên quan, quá trình điều tra xác định. Khoảng tháng 5/1990, Phương được UBND huyện Châu Phú tuyển dụng vào ngạch công chức địa chính, phân công công tác tại UBND xã Bình Thủy, với nhiệm vụ thực hiện việc quản lý đất đai trên địa bàn xã, tiếp nhận và làm các thủ tục cấp mới, cấp đổi, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất cho người dân trên địa bàn xã.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, Phương lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo, thiếu kiểm tra, sự tin tưởng của Hội đồng xét duyệt cấp GCNQSDĐ và lãnh đạo UBND xã trong việc xem xét, ký duyệt các thủ tục cấp mới, cấp đổi, chuyển nhượng, chuyển đổi, tặng cho GCNQSDĐ cho người dân.

Đến năm 1998, do bị nhiễm bệnh HIV nên Phương và Nguyễn Thúy Kiều (sinh năm 1974, vợ Phương) không có tiền chữa bệnh, thiếu nợ nên Phương nảy sinh ý định làm các thủ tục cấp GCNQSDĐ khống cho Phương, Kiều, Phan Trọng Hiếu (sinh năm 1995, con Phương); Phan Ngọc Thạch (sinh năm 1949) và Nguyễn Thị Nho (sinh năm 1950) là cha và mẹ Phương đứng tên.

Sau đó, mang đến các ngân hàng làm thủ tục vay vốn, thế chấp và chuyển nhượng cho nhiều người ở TP. Cần Thơ, TP. Long Xuyên và TP. Châu Đốc rồi chiếm đoạt tiền của ngân hàng, quỹ tín dụng và của những người này để chữa bệnh, trả nợ, tiêu xài cá nhân.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ từ tháng 10/1998 đến tháng 5/2014, Phương xem bản đồ địa chính, sổ kê khai đất đai trên địa bàn xã Bình Thủy, biết được các thửa đất người dân chưa đăng ký quyền sử dụng và các thửa đất đuôi cồn do Nhà nước quản lý rồi làm đơn xin cấp mới.

Với cách thức như trên, Phương đã làm các thủ tục và được cấp 18 GCNQSDĐ khống cho Phương và những người trên đứng tên. Để tránh sự phát hiện, Phương để lẫn các hồ sơ làm khống vào cùng các đơn xin cấp mới quyền sử dụng đất của người dân trên địa bàn xã Bình Thủy rồi báo cáo Chủ tịch Hội đồng tổ chức cuộc họp để xét duyệt hồ sơ.

Trong cuộc họp, Phương chỉ thông qua các đơn xin cấp GCNQSDĐ có thật của người dân, không trình các đơn xin cấp GCNQSDĐ khống của Phương lập, nhưng khi lập biên bản họp, lập tờ trình và danh sách các hộ dân đề nghị cấp GCNQSDĐ thì Phương đưa tên Phương và người thân vào để trình Hội đồng xét duyệt và lãnh đạo UBND xã ký duyệt hồ sơ.

Sau đó, Phương đem toàn bộ hồ sơ đến Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Châu Phú để làm thủ tục cấp GCNQSDĐ theo thẩm quyền. Qua điều tra xác định, Phương đã làm các thủ tục cấp mới, cấp đổi quyền sử dụng đất khống đối với 17 thửa đất, với tổng diện tích 78.555.116m2. Đồng thời, lợi dụng việc làm thủ tục cấp đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân nhưng người dân chưa đến nhận giấy, Phương đã tự ký giả chữ ký, ghi họ, tên của người sử dụng đất để làm thủ tục chuyển nhượng 5 GCNQSDĐ của người dân sang cho Phương và Kiều đứng tên.

Sau đó, Phương đã sử dụng 3 GCNQSDĐ khống để thế chấp vay tại các ngân hàng, quỹ tín dụng để chiếm đoạt tổng cộng số tiền hơn 3,7 tỷ đồng. Phương cũng chuyển nhượng 7 GCNQSDĐ khống cho nhiều người dân để chiếm đoạt số tiền trên 8,4 tỷ đồng. Sau đó, Phương không còn khả năng thanh toán số nợ trên. Ngày 19/7/2021, Phương bị khởi tố để điều tra. Căn cứ kết quả định giá tài sản xác định, 17 thửa đất do Phương lập thủ tục khống, có giá trị tại thời điểm cấp là hơn 4,7 tỷ đồng và thời điểm hiện tại là hơn 7,8 tỷ đồng.

Bên cạnh lời khai nhận tội của bị cáo Phương và những người liên quan tại phiên tòa, Hội đồng xét xử cũng tiến hành nhận định, hành vi trên của bị can không chỉ xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước cấp xã, mà còn xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân, xâm phạm quyền sở hữu về tài sản được pháp luật bảo vệ và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự xã hội ở địa phương nên cần phải xử lý nghiêm để răn đe, giáo dục phòng ngừa chung.

Với việc làm của mình, bị cáo Phương nhận 12 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại khoản 3, Điều 356 và 12 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a, khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự.

NGUYỄN HƯNG