Vừa thức dậy đã nhận tin 2 người quen đã ra đi vì bệnh dịch, tòa nhà mình ở có thêm mấy ca dương tính, chị Như Ngọc (quận 10, TP.HCM) cảm thấy hơi thở nặng nhọc, nước mắt cứ thế trào ra. Suốt 2 tuần nay, chị luôn thấp thỏm âu lo, không dám bước chân ra khỏi nhà, đêm nào cũng chập chờn vài lần tỉnh giấc.
Tâm trạng bất an, cảm giác lo lắng, mông lung về tương lai… không phải là nỗi niềm riêng của chị Ngọc mà hầu như ai đang sống trong tâm dịch cũng từng trải qua.
Trong bài viết dưới đây, Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm, Chuyên gia của Trung tâm đào tạo và ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt (TP. HCM) sẽ chia sẻ với bạn những vấn đề về tâm lý hay gặp trong mùa dịch cũng như một số cách có thể giảm lo âu, căng thẳng, nâng cao sức mạnh nội tâm để khỏe mạnh và thích ứng tốt hơn:
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm
Thật ra, không phải tới bây giờ, khi dịch bùng lên mạnh mẽ và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt chúng ta mới chứng kiến nhiều người suy sụp tinh thần, khủng hoảng tâm lý. Thực tế, khoảng 2 năm nay, từ khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện và ngày càng diễn biến khó lường, tỷ lệ người cần chữa trầm cảm, stress tăng mạnh, và đặc biệt là ở TP.HCM thì thấy rõ rệt nhất là trong khoảng 2-3 tháng gần đây.
Điều này là hệ quả tất yếu. Chúng ta ai cũng có người thân, bạn bè, hàng xóm, đối tác… và thật khó tưởng tượng mọi thứ tác động đến cuộc sống, tâm lý tới mức nào khi hằng ngày bạn phải đối mặt với sự khó khăn thiếu thốn cả đời sống vật chất lẫn tinh thần.
TP.HCM bây giờ mỗi ngày thông tin về người này ra đi, người kia trở bệnh, người khác phá sản là chuyện thường... Chính bạn, nếu may mắn còn khỏe mạnh và có công việc, thì thu nhập bị ảnh hưởng, ngay cả những nhu cầu đơn giản như đi mua thực phẩm, chuyển tiền, thăm người thân... cũng khó thực hiện. Rồi mỗi ngày tin tức về số ca bệnh tăng lên, số người tử vong liên tục báo về, bệnh viện thiếu chỗ… dồn dập đến. Thật khó để chúng ta nhìn ra xung quanh mà không cảm thấy lo sợ, cảm giác mọi thứ mong manh, bấp bênh, bất định...
Bản thân tôi, dù có kiến thức tâm lý, đã nhiều năm luyện tập để mạnh mẽ cả về thể chất và tinh thần, mà vài lúc còn thấy lung lay, cứ nghe lòng rưng rưng khi nhìn mấy cái hình, xem mấy cái clip cảnh bà con rồng rắn về quê hay trong các bệnh viện dã chiến.
Thời gian qua, khi tôi tham gia vào cộng đồng bác sĩ, chuyên gia tình nguyện hỗ trợ cho những người gặp khó khăn tại TP. HCM, tôi đã gặp những tình cảnh vô vọng mà bản thân có lúc cảm thấy bất lực, khi cảm giác như mọi lời nói của mình đều không đáng gì, không đủ sức nâng đỡ trước những mất mát, tổn thương của các nạn nhân mùa dịch.
Tôi đã phải hạn chế đọc các bản tin, thông tin tiêu cực về dịch bệnh để tránh “nhiễm độc tâm trí”. Để vững vàng tinh thần và nâng cao sức khỏe, tôi duy trì những thói quen tốt đã xây dựng bấy lâu như dậy sớm tập thể dục và thiền. Thực sự, giữa mùa dịch càng phải rèn luyện tâm trí, nếu không, dù người mạnh mẽ thế nào, cũng khó vượt lên thắng nghịch cảnh, bệnh tật.
Thực tế, người Việt mình bình thường vốn chưa coi trọng thói quen tập luyện thể thao, hay rèn luyện sức mạnh tinh thần, chất lượng cuộc sống thấp nên đa số người có tuổi nhiều bệnh nền. Vì vậy, khi lâm vào hoàn cảnh khắc nghiệt, cơ thể dễ bị tấn công, tinh thần càng dễ xuống dốc, hoảng loạn…
Để vượt qua những lo âu, căng thẳng, tránh suy sụp tinh thần trong giai đoạn đặc biệt này, chúng ta hãy cùng nhau thực hành những “liệu pháp cho sức mạnh tinh thần” dưới đây:
Tránh tư duy tích cực độc hại
Điều này nghe qua có vẻ khá mâu thuẫn: Đã tích cực thì phải tốt chứ, sao lại độc hại? Nhưng thực tế, chẳng hề lành mạnh khi bạn cố dùng phép thắng lợi tinh thần kiểu AQ, đánh lừa tâm trí mình với những lời tự nhủ “không sao đâu”, “mọi thứ vẫn ổn”, “chuyện tệ ở đâu đó, sẽ không ảnh hưởng tới mình và gia đình…”. Tất cả những lời ru ngủ này chỉ khiến bạn chủ quan, dễ để bản thân có cơ hội bị lây nhiễm, và càng hoảng loạn khi lỡ phải đối mặt với những tình huống không mong đợi.
Hãy nhìn thẳng vào thực tế như nó vốn có và chuẩn bị những thứ cần thiết, sẵn sàng đối mặt với những khó khăn, thử thách có thể xảy ra.
Hiểu thực tế và thừa nhận cảm xúc của bản thân
Giữa thời dịch bệnh, khó khăn bủa vây từ mọi phía, về mọi mặt. Về kinh tế, nhiều người không thể đi làm, bị mất thu nhập, không còn tiền dự trữ, phải lo cơm áo mỗi ngày. Điều này khiến chúng ta dễ cáu gắt, lo âu về tương lai.
Về tâm lý: Việc ở nhà lâu, bị tách biệt khỏi cộng đồng, khiến ai cũng dễ căng thẳng, stress, dễ “quạu” với chính mình và với những người xung quanh.
Bạn cần hiểu rằng, những trạng thái cảm xúc bất an, lo lắng, sợ hãi trước dịch bệnh hay các tình huống nguy hiểm xung quanh là điều hoàn toàn bình thường. Có biến cố (kích thích) ắt có phản ứng.
Chúng ta không thể điều khiển được các biến cố (kích thích) bên ngoài nhưng có thể kiểm soát được cách mình phản ứng với nó.
Nếu đứng trước nghịch cảnh, không tìm cách vượt qua, chúng ta dễ bị lún sâu, bế tắc, vô vọng, rơi vào trầm cảm. Covid-19 chưa tấn công, ta đã tự rước căn bệnh nguy hiểm không kém. Không chỉ thế, trầm cảm cũng làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm sức đề kháng của chúng ta.
Đầu tiên cần xử lý cái gốc: Chính là cách mình suy nghĩ, nhìn nhận vấn đề. Hãy nhìn vào thực tế bằng sự khách quan và thấu đáo. Ngay cả khi bạn là F0 cũng không hề vô vọng. Những điều đang xảy ra xung quanh thực sự khắc nghiệt, nhưng không hề bế tắc. Rõ ràng, dịch bệnh vẫn phức tạp và gây những tổn thất nặng nề nhưng chúng ta vẫn có hy vọng vào việc đẩy mạnh chích vắc xin chủng ngừa, vào những biện pháp của Bộ Y tế, vào sự đoàn kết chống dịch của cộng đồng xung quanh, tình yêu thương, sự tử tế của đồng bào trong cùng cộng đồng.
Tuy nhiên, đừng chỉ trông đợi vào những nguồn lực bên ngoài, bản thân chúng ta hãy là bác sĩ cho chính mình, bằng cách nâng cao thể lực của cơ thể và cả sức mạnh tinh thần.
Hãy từ bỏ ngay các thói quen xấu làm suy yếu cơ thể, khiến hệ thống miễn dịch giảm sức chiến đấu: Như thức khuya, hút thuốc, uống nhiều bia rượu, chìm đắm với mạng xã hội, ăn uống không đúng bữa, sử dụng các đồ ăn nhanh, thực phẩm không lành mạnh…
Thay thế bằng các thói quen tốt như tập thể dục mỗi ngày, thiền định hoặc yoga… từng chút một và đều đặn.
Càng giãn cách, càng cần tăng cường kết nối
Guồng quay vội vã của cuộc sống hiện đại bấy lâu khiến chúng ta quen với nhịp sống hối hả và phải lao ra bên ngoài, phải giao lưu trực tiếp… Bởi thế, khi phải ở nhà, cần “cách ly” với mọi người xung quanh, phần lớn chúng ta cảm thấy gò bó, ức chế, mệt mỏi… Những điều này không khó hiểu.
Nhưng, một lần nữa, bạn đừng để ngoại cảnh điều khiển tâm trí, mài mòn thể lực và năng lượng sống tích cực của mình. Hãy kết nối ngay cả khi ở một mình.
Ai cũng cần 3 kết nối quan trọng:
Kết nối với người thân: Nếu ở bên những người yêu thương, hãy dành thời gian lắng nghe, quan tâm và nâng đỡ cho nhau. Trò chuyện nhiều hơn nhưng cũng dành cho nhau những “khoảng thở” để mỗi người được thực hiện những điều mình muốn. Chú tâm quan sát để hiểu, cảm nhận nhưng hãy rộng lượng hơn với những điều vợ/chồng, con cái hay cha mẹ không hợp ý mình.
Nếu bạn đang cách xa gia đình, hãy tận dụng công nghệ để kết nối nhiều hơn với mọi người, bằng sự chú tâm hỏi han, trò chuyện, chia sẻ.
Kết nối với cộng đồng: Hầu như ai cũng có nhu cầu thuộc về một nơi nào đó, được cùng chung vui, sẻ buồn, góp sức khi có việc cần. Trong thời điểm giãn cách này, chúng ta vẫn có thể tham gia vào các cộng đồng nơi mình sống, chỗ mình làm việc, nhóm thiện nguyện hỗ trợ người khó khăn hơn bằng khả năng chuyên môn, điều kiện của mình…
Kết nối với chính mình: Điều này chiếm tới 70% sức mạnh nội tâm nhưng nhiều người không biết đến hoặc bỏ qua. Bạn có biết, bộ não tuy chiếm ít trọng lượng cơ thể nhưng lại là bộ phận tiêu tốn nhiều năng lượng nhất? Và ngay cả khi “không làm gì” tâm trí chúng ta vẫn bận rộn với vô số suy nghĩ, lo toan. Trước những biến động của tình hình dịch bệnh xung quanh, tâm trí bạn càng dễ bị xáo trộn, phân tán khiến cơ thể mất năng lượng, mệt mỏi và yếu ớt.
Mỗi ngày, hãy thực hành tỉnh thức
Hãy cho tâm trí được dịu lại, kết nối với cơ thể bằng cách dành cho mình khoảng thời gian hoàn toàn tĩnh lặng, chỉ ngồi/nằm xuống hít thở, có mặt trọn vẹn với chính mình, quan sát những cảm xúc, suy nghĩ của bản thân, ghi nhận tất cả những gì diễn ra trên thân và tâm mà không phán xét. Khi thân thể và tâm trí có sự kết nối với nhau, bạn sẽ thấy khả năng tập trung của mình tốt hơn, cơ thể khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng hơn. Chỉ cần tập ngồi xuống cho yên mỗi lần 15 phút, bạn sẽ thấy cơ thể và tâm trí như được “sạc lại” năng lượng,
Thực hành phát triển lòng biết ơn
Giữa cơn đại dịch, giữa mối nguy của sự sống và cái chết, chúng ta biết ơn vì mình vẫn có cái để ăn, để mặc, vẫn hít thở và bình yên mỗi ngày. Đây chính là liệu pháp phản chiếu, biết ơn và cảm nhận giá trị sống.
Chúng ta không ai biết khi nào đại dịch sẽ chấm dứt, bao giờ cuộc sống có thể trở lại hoàn toàn bình thường. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể chủ động thay đổi cách suy nghĩ, lối sống của bản thân để khỏe mạnh hơn, có khả năng thích ứng tốt hơn. Đây có lẽ cũng chính là giai đoạn để thay đổi, đầu tư vào sức khỏe.
Dù vậy, ngay lúc này, nếu bạn cảm thấy mình không đủ sức mạnh để tạo ra bất cứ thay đổi nào, cũng đừng tự trách mình. Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy bạn cần tới sự trợ giúp tinh thần từ bên ngoài - những người thân, chuyên gia tâm lý:
Rối loạn giấc ngủ: Bạn buồn ngủ nhưng nằm xuống là trằn trọc, lo nghĩ, không thể ngủ được.
Giảm chất lượng suy nghĩ: Bạn không thể tập trung vào những việc cần thiết, thiếu sự sáng suốt khi cần xử lý thông tin, đưa quyết định.
Không kiểm soát được cảm xúc: Bạn dễ khóc, trong lòng luôn phiền muộn, mất hứng thú với mọi thứ xung quanh, kể cả những điều bạn từng yêu thích.
Cơ thể có dấu hiệu dị ứng (mẩn ngứa, mề đay) liên miên mà không rõ nguyên do.
Bị rụng tóc...
Những biểu hiện của cơ thể này có thể là dấu hiệu báo động về vấn đề tâm lý bạn cần được hỗ trợ kịp thời.
Cơn đại dịch chắc chắn rồi sẽ qua, nó là bài kiểm tra về khả năng chịu đựng, về sức bật tinh thần, nhắc nhở mỗi chúng ta về sự kết nối với chính mình, việc chăm sóc, và yêu thương bản thân.
Theo NGUYỄN THÙY (Vietnamnet)