Lãnh đạo tỉnh tặng bằng khen cho các nông dân có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi (giai đoạn 2016-2019)
Thời gian qua, phong trào đã khích lệ, động viên hàng chục ngàn hộ nông dân phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, đầu tư vốn vào SXKD, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng NTM và đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Từ đó, các mô hình kinh tế hợp tác tham gia mô hình “Cánh đồng lớn”, chuyển diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu, sản xuất đa canh, chăn nuôi bò, thủy sản, phát triển kinh tế trang trại, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp... từng bước được nhân rộng, tạo nhiều thuận lợi cho nông dân tỉnh nhà phát triển về kinh tế, nâng cao nguồn thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống.
Điển hình có thể kể đến mô hình chuyển đổi cây trồng có đầu tư về kỹ thuật, tìm hiểu thị trường, có sự liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp của nông dân La Trang Kiện (xã Vĩnh Thành, Châu Thành). Từ diện tích 4ha trồng lúa theo phương thức cũ kém hiệu quả, ông Kiện đã mạnh dạn chuyển đổi 2ha đất sang trồng lúa tím theo hướng sạch với mục đích tạo ra nguồn sản phẩm an toàn đến với người tiêu dùng. Qua những vụ mùa sản xuất, kết quả mang lại rất khả quan, sau khi trừ tất cả chi phí, ông Kiện còn lời hơn 50 triệu đồng/ha đất trồng lúa tím. Trên 2ha đất còn lại ông Kiện chuyển sang trồng đậu nành rau có ký kết hợp đồng cung ứng nguyên liệu cho Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco). Ngoài ra, ông Kiện còn thuê thêm 6ha đất để trồng đậu nành rau và trồng dưa leo trong nhà lưới sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp với nuôi ong lấy mật. Bằng việc mạnh dạn chuyển đổi đi kèm với thành công trong áp dụng các mô hình sản xuất đã giúp gia đình ông Kiện có thu nhập bình quân trên 1 tỷ đồng/năm. Không chỉ SXKD giỏi, ông Kiện còn tích cực tham gia công tác xã hội - từ thiện tại địa phương, như: đóng góp quỹ xe chuyển bệnh miễn phí, sửa đường nông thôn, chăm lo người nghèo; hỗ trợ kỹ thuật sản xuất cho nông dân và sinh viên khoa nông nghiệp (Trường Đại học An Giang) thực tập…
Hay mô hình trồng xoài và kinh doanh vật tư nông nghiệp của nông dân Dương Văn Hải (xã Mỹ Hiệp, Chợ Mới) mang lại thu nhập cho gia đình trên 900 triệu đồng/năm. Ông Hải xuất thân từ gia đình thuần nông, chủ yếu canh tác lúa trên 2 công đất. Bằng ý chí vươn lên, không ngại khó, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào canh tác, sau khoảng 3 năm, gia đình ông Hải đã tích lũy mua thêm được 3,6ha đất trồng lúa. Hưởng ứng phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gia đình ông Hải chuyển đổi, lập vườn trồng xoài và đầu tư kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Song song đó, ông Hải còn mở rộng thêm 4 cơ sở tiêu thụ nông sản giúp bà con nông dân giảm nỗi lo về đầu ra sản phẩm; giải quyết việc làm thường xuyên cho 47 lao động. Không những vậy, ông Hải luôn tích cực tham gia đóng góp quỹ xã hội - từ thiện để tu sửa cầu, đường, giúp đỡ cất mới, sửa chữa nhà cho các hộ nghèo và phong trào xây dựng NTM tại địa phương.
Ít ai nghĩ rằng, trên vùng đất phèn xã Tân Tuyến (Tri Tôn) có thể phát triển được những vườn nhãn Ido xanh um, trĩu quả. Nhờ tinh thần cầu thị, biết cách khắc phục những khó khăn, dù đã bước qua tuổi lục tuần nhưng nông dân Nguyễn Thành An vẫn là một trong những người tiên phong tìm kiếm những mô hình nông nghiệp mới, hiệu quả. Ông từng được phong danh hiệu “Vua dưa hấu” khi trên vùng đất phèn xã Tân Tuyến, ai cũng trồng lúa nhưng ông trồng dưa hấu và thắng lớn. Khi dưa hấu không còn “ngon ăn”, ông chuyển sang trồng lúa Nhật, lúa sạch theo hướng liên kết sản xuất. Năm 2016, ông An mua 100 cây giống nhãn Ido về trồng thử. Thấy cây phát triển tốt, cho trái ngon, ông quyết định chiết cành nhân giống, phát triển vườn nhãn rộng 5ha. Sau 2 năm chăm sóc, cây nhãn cho trái chiến đầu tiên, thương lái vào tận vườn thu mua với giá từ 30.000-35.000 đồng/kg, mang lại lợi nhuận hơn 150 triệu đồng/ha. Thấy được lợi ích từ cây nhãn, ông An vận động thêm 4 hộ xung quanh cùng tham gia trồng nhãn Ido, thành lập Tổ hợp tác có diện tích 13,35ha, với 16 thành viên. Ngoài ra, ông An còn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư hệ thống tưới phun điều khiển bằng thiết bị di động để giảm công chăm sóc. Với những thành tích đã đạt được, 9 năm liền ông An được công nhận danh hiệu nông dân SXKD giỏi cấp tỉnh.
Còn rất nhiều những nông dân tỷ phú xuất hiện từ phong trào nông dân SXKD giỏi trên địa bàn tỉnh. Họ là những tấm gương nông dân vượt khó vươn lên, làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất của mình, góp phần tích cực xây dựng quê hương An Giang ngày càng phát triển.
TRỌNG TÍN