Làng bè Châu Đốc khoác chiếc áo mới rực rỡ sắc màu
Sản phẩm du lịch độc đáo
Từ lâu, sông ngòi đã là nguồn sống của người dân miền Tây. Việc xây dựng nhà bè để sinh sống, đánh bắt cá là một cách tự nhiên thích nghi với cuộc sống trên sông. Trước khi trở thành điểm đến DL, làng bè chủ yếu là nơi cư trú và nuôi thủy sản của ngư dân. Họ sống trên bè, nuôi cá, đánh bắt và cung cấp nguồn thực phẩm tươi sống cho thị trường. Qua thời gian, làng bè ngày càng phát triển, từ những chiếc bè đơn sơ trở thành những ngôi nhà bè khang trang hơn, với đầy đủ tiện nghi. Với cảnh quan độc đáo, cuộc sống sinh hoạt thú vị, làng bè dần thu hút sự chú ý của du khách. Nhận thấy tiềm năng DL của làng bè, ngành chức năng, chính quyền địa phương và người dân đã đầu tư nâng cấp, xây dựng các dịch vụ phục vụ du khách.
Để thu hút du khách và tạo điểm nhấn cho DL địa phương, ý tưởng sơn màu cho các bè cá được hình thành và trở thành dự án DL, với mong muốn tạo ra sản phẩm DL mới của An Giang. Dự án được triển khai một cách bài bản, các bè cá được sơn màu sắc sặc sỡ (đỏ, vàng, cam, lục, lam, tím), tạo nên bức tranh tổng thể hài hòa. Làng bè sắc màu Châu Đốc hiện lên như một dải cầu vồng nổi giữa lòng sông Hậu. Mỗi chiếc bè là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo với những gam màu tươi sáng, hài hòa. Màu đỏ rực rỡ như những đóa hoa sen nở rộ, màu vàng tươi tắn như ánh nắng mặt trời, màu xanh mát mắt như màu của lá cây... Tất cả tạo nên bức tranh sống động, đầy sức sống. Khi màn đêm buông xuống, làng bè lại khoác lên mình vẻ đẹp huyền ảo. Ánh đèn lung linh phản chiếu trên mặt nước, tạo nên khung cảnh lãng mạn, khó quên. Du khách có thể ngồi trên thuyền, nhâm nhi ly cà-phê, tận hưởng không khí trong lành và ngắm nhìn vẻ đẹp kỳ ảo của làng bè.
Mới lạ, hấp dẫn
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang Lê Trung Hiếu cho biết: “Số lượng bè khu vực xung quanh ngã ba sông Châu Đốc khoảng 500 bè cá của 200 hộ dân, phần lớn thuộc địa phận thị trấn Đa Phước (huyện An Phú), một số bè nằm bên bờ TP. Châu Đốc và xã Châu Phong (TX. Tân Châu). Các loại cá được nuôi ở bè, gồm: Cá he, mè vinh, ba sa... Làng bè sắc màu ngã ba sông được ra mắt ngày 18/1/2024. Làng bè ra đời là sự mới lạ, độc đáo, tạo nên sự hấp dẫn với du khách, thu hút nhiều doanh nghiệp đến khảo sát để làm dịch vụ và sự quan tâm của truyền thông. Làng bè ra đời được sự đồng thuận cao và phấn khởi của người dân địa phương nơi đây, khi các dãy bè được khoác áo mới, mang lại nhiều cơ hội phát triển kinh tế”.
Anh Nguyễn Hữu Nghĩa (chủ bè, ngụ thị trấn Đa Phước, huyện An Phú) bày tỏ: “Được tham gia vào dự án DL làng bè, gia đình tôi rất phấn khởi khi góp phần lan tỏa hình ảnh tươi đẹp của vùng đất, con người An Giang. Việc phát triển DL làng bè mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới cho người dân địa phương. Chúng tôi tham gia các hoạt động, như: Cho thuê thuyền, bán hàng lưu niệm, phục vụ ăn uống... Từ đó, giúp chúng tôi nâng cao thu nhập, có cuộc sống tốt hơn”.
Thời điểm lý tưởng nhất để đến thăm làng bè Châu Đốc là vào mùa nước nổi (tháng 9 - 12). Lúc này, khung cảnh làng bè trở nên hữu tình hơn bao giờ hết. Công tác tại UBND TP. Châu Đốc, chị Trúc thường tiếp và dẫn nhiều đoàn khách từ các địa phương đến viếng Bà Chúa Xứ Núi Sam. Sau đó, chị Trúc thường giới thiệu và dẫn khách đến tham quan làng bè. “Chúng tôi thuê thuyền dạo quanh, ngắm nhìn những chiếc bè cá đủ màu sắc và tận hưởng không khí trong lành của sông nước mênh mông. Tại đây, du khách có thể tìm mua những món quà lưu niệm đáo, như: Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm, đồ ăn vặt... Gần làng bè có những ngôi làng Chăm với kiến trúc độc đáo, là nơi du khách có thể tìm hiểu về văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Chăm. Đa số du khách sau khi đến làng bè sắc màu đều thích thú, hài lòng” - chị Trúc cho biết.
Hướng tới phát triển bền vững
Để DL làng bè phát triển trong thời gian tới, cần khuyến khích phát triển các dịch vụ lưu trú dạng homestay trên nhà bè để du khách có thể trải nghiệm cuộc sống sông nước, cùng với các nhà hàng nổi phục vụ đặc sản của sông nước, như: Cá basa, lẩu mắm, các món ăn truyền thống. Đồng thời, tạo ra và liên kết các tour DL bằng thuyền dọc theo sông Châu Đốc, kênh Vĩnh Tế huyền thoại, kết hợp tham quan làng bè, các di tích lịch sử - văn hóa (miếu Bà Chúa Xứ, làng Chăm, lăng Thoại Ngọc Hầu…), kết hợp các cung đường DL sinh thái, nông nghiệp (rừng tràm Trà Sư, cánh đồng cây thốt nốt...).
Bên cạnh đó, ngành chức năng, chính quyền địa phương cần đầu tư xây dựng và phát triển DL cộng đồng, kết nối các giá trị văn hóa sông nước, văn hóa đồng bào Chăm và các giá trị lịch sử địa phương, tăng giá trị tìm hiểu và trải nghiệm cho du khách. Sắc màu hóa bằng đèn led ở các bè vào ban đêm nhằm tạo sự lung linh để thu hút khách ở lại qua đêm; thiết kế, làm các mô hình, tiểu cảnh để du khách check-in... Ngành chức năng cần quan tâm, tổ chức các khóa tập huấn đào tạo kỹ năng giao tiếp, hướng dẫn viên DL, phục vụ khách hàng, quản lý nhà hàng, homestay… để người dân có thể tự vận hành và phát triển các mô hình DL cộng đồng.
Làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc trở thành sản phẩm mới của DL An Giang, thu hút đông đảo du khách. Đồng thời, giúp gười dân có thêm cơ hội kinh doanh dịch vụ DL, nâng cao đời sống và phát triển DL theo hướng bền vững gắn liền với việc bảo vệ môi trường sông nước. Sự ra đời của làng bè đa sắc màu là điển hình cho sự kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển; không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn góp phần quảng bá hình ảnh đẹp của vùng đất An Giang. |
THU THẢO