Lắng nghe hiến kế chống dịch

20/10/2021 - 05:36

 - Tại buổi gặp mặt của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch (được trực tuyến toàn quốc), nhiều người lưu tâm đến ý kiến đề xuất xóa bỏ các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến, thay bằng mạng lưới chăm sóc bệnh nhân tại nhà, do y tế cơ sở quản lý. Đây là một trong những cách chuyển hướng quan trọng để thích ứng lâu dài với dịch bệnh.

Chiều 18-10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi gặp mặt đại diện lực lượng y tế tuyến đầu tiêu biểu trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Buổi gặp mặt được trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Thủ tướng nhấn mạnh đến vai trò của lực lượng tuyến đầu vẫn là thường trực, thường xuyên nhằm thực hiện thành công chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Thủ tướng đề nghị ngành y tế cùng các lực lượng khác tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả biện pháp phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời, giao Bộ Y tế phối hợp với cơ quan, địa phương đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine an toàn, khoa học, hiệu quả, theo thứ tự ưu tiên hợp lý; chuẩn bị vaccine cho năm 2022 và tiêm vaccine cho trẻ em. Cùng với đó, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine trong nước, chuẩn bị chủ động về thuốc chữa bệnh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị đội ngũ y, bác sĩ qua thực tiễn công tác, kinh nghiệm của mình, tham mưu giải quyết những bất cập trong quá trình thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch, góp phần hoàn chỉnh biện pháp phòng, chống dịch và khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.

Đáp lại lời đề nghị của Thủ tướng, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Hồi sức cấp cứu Bình Dương) cho biết, với thực tế chống dịch đã trải qua, ông đề xuất xóa bỏ các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến. Thay vào đó, các địa phương hình thành mạng lưới chăm sóc bệnh nhân tại nhà theo cấp phường, xã, thị trấn. Người nhiễm COVID-19 được tự chăm sóc theo bộ tiêu chí đã được Bộ Y tế ban hành. Khu vực bị nhiễm có thể được cách ly hẹp. Trường hợp số lượng ca nhiễm tăng đột biến (hơn 10% số mẫu lấy ngẫu nhiên), có thể thực hiện cách ly một khu vực hay nhà máy sản xuất, đưa y tế vào bên trong để chăm sóc và theo dõi sức khỏe. Ca tăng nặng, bệnh nền không ổn định hay người chưa tiêm có thể đưa sớm vào bệnh viện điều trị.

Đề xuất thứ hai mà bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu đề cập là “tách đôi bệnh viện” với 2 lối đi riêng biệt cho người nhiễm hoặc không nhiễm COVID-19; xác định bằng test nhanh sàng lọc và người nghi nhiễm cần được khẳng định bằng phương pháp PCR ở vùng đệm. Khi chắc chắn, bệnh nhân dương tính sẽ được đưa vào khu điều trị thông thường.

Theo bác sĩ Hiếu, khu điều trị COVID-19 nên chia làm 3 phần: hồi sức cấp cứu; điều trị bệnh theo mức độ vừa và khu hậu COVID-19. Ngay khi các ca có xét nghiệm âm tính thì cần chuyển ngay sang tầng hậu COVID-19 để chăm sóc, điều trị như bệnh nhân thông thường. Khu điều trị cần đảm bảo có đầy đủ ô-xy hóa lỏng, trang thiết bị, thuốc, vật tư và nhân lực. Đây là việc cần làm lâu dài chứ không chỉ dưới hình thức dã chiến. Để đối mặt với cuộc chiến bền bỉ, bác sĩ Hiếu kiến nghị đưa y tế tư nhân vào cuộc; cho phép bệnh viện tư thu phí dịch vụ (như TP. Hồ Chí Minh đã triển khai).

Nhiều bác sĩ, chuyên gia nhấn mạnh, “không sợ COVID-19” là cách sống mới mà chúng ta cần chấp nhận và bài học lớn nhất là phải nâng cao chất lượng y tế cơ sở. Khi tăng cường cách ly F1, điều trị F0 (không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ) tại nhà, sẽ giải phóng các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến, giải phóng luôn lực lượng y tế và các lực lượng tuyến đầu để tập trung cho nhiệm vụ thích ứng lâu dài với dịch bệnh.

N.H