Làng nghề mùng, mền Bình Hòa nhộn nhịp chuẩn bị thị trường Tết

05/01/2021 - 06:47

 - Vào dịp cuối năm, người dân sẽ mua sắm, thay thế những đồ dùng thiết yếu trong gia đình để chuẩn bị chào đón năm mới. Trong đó, các sản phẩm mùng, mền, gối… có sức mua rất mạnh. Do đó, các cơ sở tại làng nghề may mùng, mền xã Bình Hòa (Châu Thành, An Giang) đang tăng công suất, tuyển thêm nhiều lao động để đáp ứng nhu cầu thị trường Tết.

Năm nay, dù dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh nhưng các cơ sở tại làng nghề may mùng, mền xã Bình Hòa vẫn tăng tốc sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường vào dịp Tết. Từ đầu tháng 9 (âm lịch), các cơ sở sản xuất mùng, mền Thanh Thủy (ấp Phú Hòa I, xã Bình Hòa), do ông Nguyễn Văn Thanh làm chủ đã bắt đầu gia tăng sản xuất.

Theo ông Thanh, sản phẩm làm ra được tiêu thụ quanh năm nhưng thời điểm hút hàng nhất vào khoảng tháng 9 (âm lịch) đến cận Tết Nguyên đán. Bởi, các mặt hàng, như: mùng, mền, gối… thường được người dân “mua mới, bỏ cũ” để đón Tết. “Từ nay đến Tết là thời điểm tiêu thụ sản phẩm rất mạnh. Ngoài việc sản xuất dự trữ từ trước, tôi phải tuyển thêm nhân công làm việc tại cơ sở và các lao động vệ tinh, để có nguồn hàng cung cấp cho các đại lý, thương lái” - ông Thanh cho biết.

Sản phẩm của làng nghề chủ yếu cung cấp cho thị trường các tỉnh miền Tây

Các mặt hàng mùng, mền ở địa phương rất đa dạng và phong phú, giá thành tùy thuộc vào chất liệu vải, mẫu mã và độ sắc sảo của sản phẩm. Bên cạnh những mặt hàng truyền thống, như: mùng, mền, áo gối, các cơ sở tại làng nghề còn kinh doanh thêm các mặt hàng, như: thú bông, nệm, màn cửa… nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng đa dạng của người dân. Ngoài việc bán lẻ, sỉ cho các bạn hàng trong tỉnh, các chủ cơ sở còn giao hàng cho các thương lái ở các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL, miền Đông Nam Bộ, TP. Hồ Chí Minh, thậm chí đến các tỉnh duyên hải miền Trung.

Vào thời điểm cuối năm đến Tết Nguyên đán, mặt hàng này tiêu thụ mạnh nhưng giá thành không thay đổi so với ngày thường. Cụ thể, mền có giá từ 80.000-300.000 đồng/cái, 40.000-200.000 đồng/cái mùng, 30.000-70.000 đồng/cặp áo gối. Các mặt hàng khác giá cả rất đa dạng, tùy chất liệu và kích thước.

“Do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên giá nguồn nguyên liệu đầu vào có phần cao hơn năm trước, nhưng tôi vẫn cố gắng bán ra với giá như trước, còn sản phẩm nào đầu vào giá tăng thì mình phải tăng giá bán mới có lời. Năm nay, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn nên có phần bán chậm hơn năm trước, chỉ mong dịp Tết này lượng sản phẩm bán ra bằng năm ngoái là mừng rồi” - chị Trần Thị Nhiển (chủ cơ sở sản xuất mùng, mền, gối Đa Nhiển, xã Bình Hòa) chia sẻ.

Làng nghề tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động nông thôn

Gần Tết Nguyên đán, hầu như cơ sở nào cũng tăng tốc sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tăng cao của thị trường. Các lao động vệ tinh thì nhà nào cũng có ít nhất 2 - 3 người, thậm chí phải làm cả buổi tối để có đủ lượng hàng giao theo yêu cầu.

Gắn bó với nghề may mùng gia công hơn 4 năm nay, chị Nguyễn Thị Thu Cúc (ngụ ấp Phú Hòa I, xã Bình Hòa) cho biết, mỗi ngày chị may khoảng 30-50 cái mùng, được chủ cơ sở trả công từ 4.000-5.000 đồng/cái, thu nhập cũng ổn định, khoảng 3-5 triệu đồng/tháng. “Việc may gia công mùng tại nhà cũng khá dễ và thoải mái về giờ giấc. Mình có thể vừa làm, vừa chăm sóc con cái. Những ngày gần Tết, tôi tranh thủ may thêm nhiều mùng hơn những ngày thường để vừa kịp giao hàng cho cơ sở và kiếm thêm thu nhập mua sắm, trang trí nhà cửa ăn Tết” - chị Nguyễn Thị Thu Cúc chia sẻ.

Để kiếm thêm thu nhập cũng như tích cóp ít tiền trang trải chi phí mua sắm dịp Tết, vợ chồng ông Võ Văn Hùng (ngụ ấp Cần Thuận, xã Cần Đăng, Châu Thành) miệt mài may mùng, mền tại cơ sở của anh Nguyễn Văn Thanh. Mỗi ngày, vợ chồng ông may được khoảng 50 cái mền, được trả công 8.000 đồng/cái. Ông Hùng cho biết: “Để may một cái mền không hề đơn giản, trải qua nhiều công đoạn nên mới được trả tiền công cao. Vợ chồng tôi thay phiên nhau dồn ruột, may và xếp, chứ một mình làm không nổi. Cuộc sống khó khăn nên phải cố gắng làm để có tiền ăn Tết”.

Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Nguyễn Văn Tài thông tin, làng nghề may mùng, mền Bình Hòa có khoảng 26 cơ sở duy trì hoạt động ổn định, giải quyết việc làm hơn 200 lao động tại chỗ và hơn 1.200 lao động vệ tinh, với thu nhập bình quân từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Các chủ cơ sở làng nghề rất chủ động trong tiếp cận máy móc hiện đại đã đem lại năng suất cao, giảm chi phí sản xuất, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường…

Bài, ảnh: TRUNG HIẾU

 

Liên kết hữu ích