Lắng nghe ý kiến nhân dân

02/07/2020 - 07:55

 - Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh vừa tiếp xúc hơn 200 cử tri huyện An Phú để báo cáo kết quả kỳ họp lần thứ 9 (Quốc hội khóa XIV) và báo cáo tình hình hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh tại kỳ họp. Ông Phan Huỳnh Sơn, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết: “Những cuộc gặp gỡ thế này rất có ý nghĩa, giúp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, sự quan tâm của nhân dân và địa phương để qua đó tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giúp địa phương phát triển kinh tế - xã hội (KTXH)”.

Tại buổi tiếp xúc cử tri, đại biểu Chau Chắc thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang báo cáo những nội dung chính của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV và hoạt động của đoàn ĐBQH tỉnh An Giang. Theo đó, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV vừa qua, Quốc hội đã thông qua 10 dự án luật, 21 nghị quyết và cho ý kiến 6 dự án luật khác; giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”; xem xét các báo cáo về KTXH, ngân sách nhà nước và nhiều báo cáo quan trọng khác. Quốc hội cũng dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề KTXH, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Bên cạnh đó, Quốc hội thông qua một nghị quyết có liên quan trực tiếp đến đời sống của nông dân là việc tiếp tục miễn thuế nông nghiệp đến cuối năm 2025 và nghị quyết về các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia liên quan công tác dân tộc, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Cử tri kiến nghị các chính sách liên quan về chăm sóc y tế, nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số Chăm

Cử tri huyện An Phú thống nhất cao với nội dung báo cáo của Đoàn ĐBQH tỉnh. Có 14 lượt cử tri với 20 vấn đề đặt ra, trong đó nhiều ý kiến đồng tình với nỗ lực của Chính phủ trong ứng phó đại dịch COVID-19 và công tác hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Cử tri mong muốn thời gian tới, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục quan tâm chính sách liên quan đến đời sống người dân sau dịch bệnh COVID-19, chính sách bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số Chăm; hỗ trợ nhà xây dựng trên cụm, tuyến dân cư, xây cầu qua các xóm có đông đồng bào người Chăm, cầu Vĩnh Trường, cầu nối liền thị trấn An Phú - Vĩnh Lộc và mở rộng lộ giới kết nối 3 xã bờ Đông sông Hậu (Vĩnh Lộc, Vĩnh Hậu, Phú Hữu). Cần có cơ chế, chính sách khai thác hiệu quả kinh tế biên mậu, phát huy lợi thế Cửa khẩu quốc gia Khánh Bình và Vĩnh Hội Đông; có giải pháp đảm bảo giá thu mua và “đầu ra” nông sản; sớm hoàn thành việc phân giới, cắm mốc biên giới Việt Nam - Campuchia…

Trả lời ý kiến cử tri về thực hiện các công trình giao thông, Chủ tịch UBND huyện An Phú Mai Minh Hùng cho biết, huyện tranh thủ nguồn vốn tập trung giai đoạn 2020-2025 sẽ xây thêm một số cầu để giảm tải cho cầu Vĩnh Trường hiện hữu (cầu Vĩnh Trường đã được thi công trước đây hiện đang quá tải). Riêng cầu An Phú - Vĩnh Lộc, huyện xác định cần phải xây dựng cầu này để phát triển 3 xã bờ Đông. Đây là dự án BOT nên liên quan đến nhà đầu tư, tuy hồ sơ đã hoàn chỉnh nhưng hiện đang khó khăn về vốn. Qua làm việc, nhà đầu tư đã cam kết thực hiện; nếu nhà đầu tư không thể triển khai thì huyện xem xét chuyển sang dự án đầu tư công. Ngoài ra, huyện đã làm việc và tỉnh rất ủng hộ việc xây dựng các tuyến giao thông kết nối ở 3 xã bờ Đông để phát huy hiệu quả các công trình giao thông và tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa. Rất mong bà con đồng thuận trong việc triển khai các dự án để phục vụ phát triển KTXH địa phương. Về vấn đề phân giới cắm mốc, huyện mong muốn các ĐBQH có những tác động tích cực với Chính phủ trao đổi với Campuchia để sớm triển khai. Việc hoàn thành các mốc giới sẽ góp phần giữ vững quốc phòng - an ninh, thi công các công trình và phát triển kinh tế biên giới của huyện và tỉnh.

Đại biểu Phan Huỳnh Sơn, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh trả lời các kiến nghị của cử tri huyện An Phú

Các ĐBQH ghi nhận những ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm của cử tri, đồng thời thẳng thắn trao đổi và giải trình, làm rõ thêm một số nội dung mà cử tri quan tâm. Về vấn đề cử tri kiến nghị sớm nâng cấp Cửa khẩu quốc gia Khánh Bình và Vĩnh Hội Đông thành cửa khẩu quốc tế, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết cho rằng, quan trọng là phát huy tiềm năng, lợi thế và khai thác nguồn lực từ quy hoạch đã được phê duyệt để triển khai các giải pháp phát triển thích hợp. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại - dịch vụ biên mậu; xuất, nhập khẩu hàng hóa, thu hút du lịch… tạo đột phá cho địa phương. Chia sẻ giá lúa bấp bênh gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nông dân, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết cho biết, trong các cuộc họp tại nghị trường Quốc hội, các đại biểu rất quan tâm và thường xuyên đặt vấn đề với các bộ, ngành có cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân (giảm chi phí, nâng cao chất lượng nông sản, trợ giá…) và sẽ tiếp tục giám sát vấn đề này để kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành nhằm đảm bảo lợi ích cho bà con.

Đại biểu Phan Huỳnh Sơn, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết, Đoàn ĐBQH tỉnh mong muốn tiếp tục cùng cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân đồng thuận, quyết tâm thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước. Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ ghi nhận những kiến nghị của huyện và bà con cử tri để đề xuất với tỉnh trong thực hiện các công trình tại địa phương.

Bài, ảnh: HỮU HUYNH