Lăng tẩm ngày mưa

13/11/2020 - 07:21

 - Tôi ghé thăm Huế vào thời điểm Huế oằn mình đón bão. Cảnh sắc bớt đi vẻ êm đềm thơ mộng, nhiều thêm nét ngổn ngang xám xịt. Những ngày mưa tầm tã, tôi và chiếc áo mưa mỏng manh đồng hành cùng nhau, đến thăm các lăng tẩm. Có lẽ vì mưa, vắng khách tham quan, nên tôi có đủ khoảng không tĩnh lặng cho riêng mình, để chạm vào dấu ấn của tiền nhân, để hiểu thêm thế nào là “sinh ký tử quy”…

Các lăng tẩm vua triều Nguyễn (trong tổng số 13 vị vua) do chính các vị vua xây dựng lăng mộ cho mình ngay khi còn sống. Những nơi ấy là điểm vui chơi, thưởng ngoạn khi vua còn sống, là nơi chôn cất khi vua băng hà. Tất cả các lăng đều được xây dựng, thiết kế tuân thủ các nguyên tắc “sơn triều thủy tụ”, “tiền án hậu chẩm”, “tả long hữu hổ”... Tuy vậy, mỗi lăng tẩm đều mang một nét đặc trưng riêng, thể hiện tư duy thẩm mỹ và nhân sinh quan của từng vị vua. Các nghiên cứu khẳng định: “Dựa theo thuyết phong thủy, mỗi lăng xây trên một quả đồi lớn, nhưng toàn bộ chiếm cả một quần thể đồi núi. Có núi ở mặt trước làm bình phong, có núi chắn ở 2 bên làm tay ngai. Ngay trước khu lăng tẩm phải có ngòi lạch chảy lượn “chi huyền thủy” từ trái sang phải. Khu vực lăng và tẩm cũng có chu vi dài hàng ngàn mét. Quy mô mỗi lăng tẩm rất rõ ràng, chiếm cả một vùng đồi rộng, bố cục mặt bằng rất có ý nghĩa”. Dựa trên mặt bằng, có thể chia ra 3 dạng.

Dạng thứ nhất là lăng Gia Long và lăng Thiệu Trị: 2 khu lăng và tẩm tách riêng ra thành 2 tiểu khuôn viên đặt sóng đôi cùng nhìn về một hướng. Trục chính toàn khu lấy theo trục của lăng, song mỗi bên lăng và bên tẩm thì bố trí theo trục dọc chạy hút về sau với chiều sâu vừa phải. Bên lăng có Bái đình gồm nhiều cấp sân lên cao dần, ngay ở cấp sân đầu có 2 dãy tượng voi, ngựa - quan văn - quan võ đứng 2 mép sân quay mặt vào nhau, cao to gần bằng người và thú. Tận cùng Bửu thành trong có mộ vua. Khu lăng còn bao gồm Bi đình và 2 trụ để biểu dương công đức và uy lực nhà vua.

Dạng thứ 2 là lăng Minh Mạng và lăng Khải Định: cả lăng và tẩm bố trí trên cùng một trục dọc, tạo độ sâu hun hút. Ở lăng Minh Mạng trong sự đăng đối nghiêm ngặt, các độ cao thấp cứ lên xuống nhịp nhàng, ngắt ra từng quãng, tất cả trên 30 công trình lớn nhỏ, luôn đổi mới bất ngờ đến ngỡ ngàng, khu tẩm lọt giữa khu lăng, ngay từ đầu đã gặp Bái đình mênh mông với 2 dãy tượng trang nghiêm, rồi Bi đình trên nền cai đột khởi. Còn nhiều điểm cao, lại nhiều khu trũng cứ đối nhau để tôn nhau mạnh mẽ. Còn ở lăng Khải Định cứ bề thế trườn lên dần, từng khu lồ lộ, không cây cối, lớp lang rõ ràng, và cuối cùng dồn dập nào 4 hàng tượng, hai trụ biểu và Bi đình, để rồi chế ngự bởi điện Khải Thành vừa là chỗ thờ, chỗ đặt tượng và chôn thi hài.

Dạng thứ 3 là lăng Tự Đức: vẫn 2 khu lăng và tẩm đặt cạnh nhau nhưng so le và xen kẽ, nhiều công trình dành cho người sống. Trong lăng đường cái uốn lượn cứ vòng vèo lả lướt, tất cả như một công viên lớn, có chỗ chơi dạo, có chỗ nghỉ ngơi, có nơi trang nghiêm, có nơi tôn kính song thoải mái; đủ nhà thờ, nhà hát, nhà làm việc, nhà ăn, các nhà phục vụ, có sân cảnh, vườn nuôi hươu…

Thật lòng mà nói, những kiến thức về văn hóa - nghệ thuật của các lăng tẩm nằm ngoài tầm với của tôi. Thuyết minh viên chia sẻ rất nhiều, nhưng chẳng có du khách nào “ngốn” hết kho kiến thức đồ sộ, bác học ấy, khi chỉ vỏn vẹn vài giờ ghé thăm. Nếu dạo nhanh chân, chụp vài tấm ảnh lưu niệm, ngó chỗ này, nhìn chỗ kia… theo kiểu “check-in cho biết”, các lăng tẩm mang lại cảm nhận chung: khá buồn, dù rất đẹp. Đó là chưa kể, sự tàn phá của thời gian khiến bài toán về trùng tu, tôn tạo lăng tẩm khó giải quyết được, ở một số thời điểm, một số nơi.

Tôi tần ngần hồi lâu trước bài Khiêm cung ký trong lăng Tự Đức - vị vua trị vì lâu nhất trong số 13 vị vua triều Nguyễn. Khiêm cung ký được khắc tên trên bia đá, đặt một nhà bia đồ sộ kiên cố. Năm 2015, tấm bia được công nhận là bảo vật quốc gia, với nhiều cái nhất: có số lượng văn tự nhiều nhất ở Việt Nam (khoảng 5.000 chữ Hán khắc trên cả 2 mặt bia); có kích thước đồ sộ, trọng lượng lớn nhất trong các bia cùng loại ở lăng vua thời Nguyễn; là tấm bia đặc biệt nhất trong số văn bia các vua nhà Nguyễn. Nếu các văn bia khác do vua con soạn, để ca ngợi tính tình, đức độ và cơ nghiệp của vua cha, Khiêm cung ký lại do chính vua Tự Đức soạn, bày tỏ cùng thiên hạ về cuộc đời, vương nghiệp cũng như những rủi ro, bệnh tật của mình. Cuối bia, vua khắc khoải: “Biết người không tinh, là tội ở trẫm, dùng người không xứng, cũng là tội ở trẫm, phàm mọi việc làm không nên, đều là tội trẫm”. Tư duy “tự kiểm điểm”, “nhìn thẳng nói thật” mà con cháu đời sau đang thực hiện, phải chăng cũng xuất phát từ đây?

Tôi trở về miền Nam, mang theo chút khắc khoải của tiền nhân. Ký ức về các lăng tẩm trong tôi, là màu thời gian thâm trầm in giữa màn mưa trắng xóa. Là không gian tịch mịch, trầm lắng, u hoài, ngăn cách với thế giới hiện đại ngoài kia. Là những nét kiến trúc “lạ”, đặc sắc nhưng rất đỗi thân thuộc trong suốt chiều dài lịch sử, văn hóa đất nước mình. Là những lời dặn dò, bút tích của người xưa, gửi cho thế hệ sau, đau đáu một nỗi niềm tự răn mình, răn đời…

Bài, ảnh: VẠN LỘC