Các hụi viên ở khu vực chợ Tây Phú trình bày sự việc
Gửi đơn tố cáo đến Báo An Giang, 12 hụi viên ở ấp Phú Thuận (xã Tây Phú, Thoại Sơn) yêu cầu xử lý hình sự đối với vợ chồng chủ hụi Phạm Đỗ T. và Trang Thị Mỹ H. về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Họ trình bày: “Là chỗ hàng xóm, quen biết nhau từ lâu ở chợ Tây Phú, chúng tôi tham gia nhiều dây hụi của vợ chồng ông T. và bà H. hàng chục năm qua. Mọi người mua bán hàng ngày ở chợ, chắt mót, dành dụm tiền tham gia các đầu hụi (hụi ngày, 15 ngày, hụi tháng, hụi năm), nhằm kiếm tiền lãi để xoay sở cuộc sống.
Lúc đầu, chúng tôi chơi hụi từ vài chục ngàn, vài trăm ngàn đồng, sau nâng lên vài triệu đồng, rồi hàng chục triệu đồng. Trước đây, vợ chồng bà H. làm ăn đàng hoàng, tạo được uy tín đối với các hụi viên, chưa nghe nói bể hụi. Đến giữa năm 2018, bà H. nói hụi viên chậm chầu hụi. Một số người đến lượt hốt hụi, bị chủ hụi không giao tiền, hứa hẹn đủ điều. Dù vậy, vợ chồng bà vẫn góp tiền các hụi viên còn lại. Sau đó, họ không cho khui đối với các dây hụi còn lại, đồng thời tuyên bố bể hụi, không nghe điện thoại”.
Điều khiến các hụi viên bức xúc nhất là thời điểm đầu, vợ chồng bà H. còn hứa hẹn trả nợ, sau đó mắng chửi và thách thức làm đơn khiếu nại, tố cáo. Tổng số tiền các hụi viên bị chiếm dụng gần 4 tỷ đồng.
Nói về việc này, Phó Trưởng ban Nhân dân ấp Phú Thuận Trương Thanh Nhàn cho biết: “Việc chơi hụi của người dân diễn ra khá lâu, địa phương nhiều lần khuyến cáo không tham gia. Vừa qua, Ban Nhân dân ấp có nghe tin bể hụi ở khu vực chợ Tây Phú, nhưng chưa có hụi viên nào làm đơn khiếu nại, nên chưa rõ nội tình sự việc. Khi có đơn, chúng tôi sẽ trình báo đến UBND xã Tây Phú thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên”.
Tương tự, có ít nhất 11 hụi viên ở ấp Phú An (xã An Bình, Thoại Sơn) làm đơn tố cáo gửi đến Báo An Giang. Họ nói bị chủ hụi chiếm dụng số tiền lên đến gần 2,3 tỷ đồng. Chủ hụi là vợ chồng ông Phùng Văn Th. và bà Huỳnh Thị T. (ngụ tổ 12, ấp Phú An), nhưng đã mất liên lạc, không còn cư trú ở nhà.
Cán bộ tư pháp xã An Bình cho biết, vẫn chưa có đơn phản ánh, khiếu nại của hụi viên, nhưng địa phương đã biết việc này. UBND xã An Bình từ trước đến nay thường xuyên khuyến cáo người dân không tham gia vào hoạt động dễ “tiền mất tật mang” này. Các hụi viên có thể làm đơn khiếu nại, tố cáo để cơ quan chức năng vào cuộc, xem xét, giải quyết theo quy định.
Luật sư Trần Văn Sáu (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh An Giang) cho biết: “Theo Luật Dân sự hiện hành, hụi là hình thức giao dịch về tài sản trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau, cùng định ra số người, số tiền, thời gian, thể thức góp, hốt hụi, quyền và nghĩa vụ các thành viên. Pháp luật nghiêm cấm việc tổ chức hụi để cho vay nặng lãi, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm hoặc các hành vi trái pháp luật khác.
Nếu có đủ cơ sở xác định chủ hụi có hành vi chiếm đoạt tài sản, cơ quan chức năng sẽ khởi tố vụ án hình sự. Nghị định số 19/2019 về hụi, họ, bêu vừa qua, có hiệu lực từ ngày 5-4-2019, quy định mở dây hụi phải thông báo cho xã, phường, thị trấn, cùng với nhiều vấn đề có liên quan.
Đối với giấy nhận nợ của chủ hụi được coi là cơ sở để tòa án xem xét. Trường hợp chủ hụi tuyên bố bị bể hụi, các hụi viên thương lượng, thỏa thuận nhau, tìm phương án để xử lý vụ việc. Nếu không tìm được tiếng nói chung, có thể khởi kiện vụ việc đến tòa án xem xét, phán quyết theo quy định”.
Bài, ảnh: N.R