Lao đao vì chơi hụi

26/06/2023 - 06:27

 - “Chơi hụi” là hình thức huy động vốn của nhiều chủ thể cùng tham gia trên cơ sở thân quen với nhau, nhằm hỗ trợ làm ăn, buôn bán. Tuy nhiên, vì thiếu hiểu biết về pháp luật của người chơi khiến cho “giật hụi” hay “vỡ hụi” xảy ra phổ biến, người dân lao đao khi bị mất khoản tiền lớn.

Ngày 7/6/2023, có 12 người tham gia hụi làm đơn tố cáo bà Phạm Thị T. (sinh năm 1982, ngụ thị trấn An Châu, huyện Châu Thành) lừa đảo chiếm đoạt tài sản của họ. Trình bày vụ việc với phóng viên Báo An Giang, các đương sự cho biết, do quen biết từ lâu, là chỗ bà con, nhà ở lân cận, biết bà T. làm chủ hụi nên nhiều người rủ nhau tham gia. Phần đông hụi viên là hộ mua bán ở chợ, người dành dụm tiền chơi hụi tuần, hụi tháng, thậm chí hụi ngày để kiếm tiền lãi, cải thiện cuộc sống. Lúc đầu, phần hụi chơi từ vài chục ngàn, vài trăm ngàn đồng, sau nâng lên đến 10 triệu đồng.

Theo tố cáo của hụi viên, ngoài việc bà T. đi góp tiền hụi, chồng bà (ông Nguyễn Phước T.) cũng nhiều lần tham gia góp hụi. Từ 5 - 7 người chơi ban đầu, sau đó số hụi viên thường trực (được cấp sổ hụi) lên đến 13 người, có người tham gia đến 8 đầu hụi.

Thời gian đầu, bà T. chầu hụi cho hụi viên đầy đủ, đúng ngày, tạo uy tín, niềm tin. Về sau, lợi dụng một số hụi viên không tham gia khui hụi, bà T. tự bỏ thăm rồi nói “đã có người hốt hụi”, mọi người tin tưởng là thật. Một hôm, đến phiên khui hụi, hụi viên kéo đến, không thấy bà T. ở nhà. Qua truy tìm, ngày 18/3/2023 biết chủ hụi đã bỏ trốn, nhà đóng cửa. Chờ gặp được ông T. thì ông khẳng định: “Ngày 7/4/2023, tôi với vợ đã ly dị, mọi chuyện hụi nên tìm gặp bà T. giải quyết”.

Các hụi viên trình bày vụ việc

“Đến lúc này, tổng số tiền hụi của chúng tôi chưa hốt bị chiếm đoạt nhiều tỷ đồng, riêng bà Nguyễn Thị Mỹ Duyên, Trần Thị Bích Phượng đã 3,2 tỷ đồng. Biết bà T. bỏ trốn, chúng tôi “kêu trời”, ngất xỉu, gửi đơn kêu cứu nhưng các nơi nói không thuộc thẩm quyền, không thụ lý, xem xét giải quyết vụ việc. Chúng tôi khẩn thiết yêu cầu pháp luật vào cuộc, sớm đưa vụ việc ra giải quyết theo quy định của pháp luật” - các hụi viên cho biết thêm.

Trao đổi vấn đề nói trên, ThS Nguyễn Hồng Hoai (Trung tâm Tư vấn pháp luật - Hội Luật gia tỉnh An Giang) cho biết, việc chiếm dụng tiền hụi của bà T. chỉ là tranh chấp dân sự, chưa có dấu hiệu tội phạm, có 2 hướng giải quyết. Thứ nhất, những người bị hại cần gửi đơn yêu cầu UBND thị trấn An Châu xem xét giải quyết bước đầu. Nếu 2 bên không đồng thuận, người bị hại có quyền khởi kiện vụ việc đến Tòa án nhân dân huyện Châu Thành xem xét giải quyết.

“Với người bị hại, trước tiên phải bình tĩnh, xử lý đúng theo quy định thì sẽ được pháp luật bảo vệ. Mọi hành vi quá khích, trái quy định của pháp luật, như cưỡng đoạt tài sản của chủ hụi để trừ nợ hoặc xúc phạm danh dự, nhân phẩm, tính mạng, sức khỏe của chủ hụi là vi phạm pháp luật” - ông Nguyễn Hồng Hoai cảnh báo.

 Nghị định 19/2019/NĐ-CP, ngày 19/2/2019 của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường có hiệu lực thi hành từ ngày 5/4/2019, quy định rõ: Việc tổ chức hụi chỉ được thực hiện nhằm mục đích tương trợ lẫn nhau giữa những người tham gia về hụi. Không được tổ chức hụi để cho vay lãi nặng, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Đồng thời, chủ hụi phải thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức dây hụi khi tổ chức dây hụi có giá trị các phần hụi tại một kỳ mở hụi từ 100 triệu đồng trở lên, hoặc tổ chức hụi từ 2 dây hụi trở lên.

Căn cứ Nghị định 19/2019/NĐ-CP, mặc dù tranh chấp hụi giữa chủ hụi T. và các bên chỉ là tranh chấp dân sự, không phải hình sự, nhưng chính quyền địa phương có thẩm quyền xử phạt hoặc đề xuất cấp trên xử phạt hành chính nếu xét thấy bà T. tổ chức chơi hụi vi phạm Nghị định 144/2021/NĐ-CP, ngày 31/12/ 2021 của Chính phủ (quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống bạo lực gia đình).

Cụ thể, phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng đối với hành vi không lập sổ hụi; không giao các phần hụi cho thành viên lãnh hụi tại mỗi kỳ mở hụi. Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi không thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã về việc tổ chức dây hụi có giá trị các phần hụi tại 1 kỳ mở hụi từ 100 triệu đồng trở lên; không thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã về việc tổ chức từ 2 dây hụi trở lên. Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng tổ chức hụi để cho vay lãi nặng mà lãi suất vượt quá tỷ lệ lãi suất cho vay theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015; tổ chức hụi để huy động vốn trái pháp luật...

Theo Điều 471 Bộ luật Dân sự 2015, chơi hụi là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh hụi và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.

 

N.R