Lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ - hành trình dài

12/12/2022 - 07:13

 - Đây là một trong những nội dung, giải pháp trọng tâm của Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; trực tiếp phục vụ cho việc xác định thông tin, khoanh vùng khu vực cần tìm kiếm, quy tập. Đồng thời, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Hành trình ấy cần rất nhiều đơn vị, địa phương cùng tham gia, trong thời gian rất dài.

Đội K93 nghiên cứu bản đồ trước khi tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia, An Giang là vùng căn cứ cách mạng, là địa bàn chịu nhiều hy sinh mất mát. Điển hình, nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh chưa tìm được phần mộ, nơi chôn cất để quy tập, cải táng. Toàn tỉnh đang quản lý và thực hiện chế độ ưu đãi trên 40.000 hồ sơ người có công với cách mạng, người tham gia cách mạng, trong đó gần 10.000 hồ sơ liệt sĩ; 756 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Chiến tranh qua đi, nhưng để lại cho An Giang nhiều mất mát. Trên 5.500 thương binh, gần 400 bệnh binh; trên 300 người được công nhận hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 và người được xác nhận hoạt động từ ngày 1/1/1945 đến ngày Tổng khởi nghĩa 19/8/1945.

Hơn 5.000 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến và bị địch bắt tù đày; gần 19.000 người có công giúp đỡ cách mạng (trên 7.000 người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, gần 8.000 người hưởng trợ cấp hàng năm, 2.000 người hưởng ưu đãi giáo dục và đào tạo). Toàn tỉnh có 8 nghĩa trang liệt sĩ, với 14.053 mộ liệt sĩ. Nhưng day dứt ở chỗ, trong số đó, gần phân nửa mộ liệt sĩ chưa xác định thông tin (6.000 mộ) và khoảng 5.000 mộ thiếu thông tin.

Theo Hướng dẫn 1914/HD-VP, ngày 16/7/2015 của Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia 1237; Hướng dẫn 2598/HD-BCĐ, ngày 14/3/2018 của Ban Chỉ đạo quốc gia 1237 (nay là Ban Chỉ đạo quốc gia 515) về việc lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, Ban Chỉ đạo 515 tỉnh tổ chức tập huấn đến cấp huyện, xã và các cơ quan liên quan. Ban chỉ đạo cấp huyện tập huấn, triển khai đến ấp, khóm; đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân; phát phiếu rà soát, thu thập thông tin hài cốt liệt sĩ đến từng ấp, khóm, hộ gia đình, thân nhân liệt sĩ.

Theo đại tá Chau Chắc, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang, các địa phương, đơn vị triển khai rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ; xây dựng cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ đạt kết quả khá tốt. Trong quá trình thực hiện, luôn có sự chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy Đảng, chính quyền cùng cấp, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan, bộ phận, được sự hỗ trợ tích cực của lực lượng cựu chiến binh, các tổ chức, tầng lớp nhân dân.

“Đến nay, cấp xã, huyện hoàn thành rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ (tham gia công tác tại cấp mình) hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh. Sau rà soát, hoàn thiện hồ sơ, có 3.687 liệt sĩ công tác tại cấp tỉnh hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh” - đại tá Chau Chắc thông tin.

Để có thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, các huyện, thị xã, thành phố tổ chức phát phiếu thu thập thông tin sâu rộng, đến từng hộ gia đình. Tiếc rằng trong gần 463.000 phiếu được thu về, chỉ có 3.354 phiếu có thông tin phiếu (đạt 0,7%), phiếu không có thông tin chiếm đến 99,3%. Lý giải vấn đề này, Ban Chỉ đạo 515 tỉnh nhận định, thời gian kết thúc chiến tranh đã lâu, địa hình có nhiều thay đổi. Phần lớn cô, chú tham gia kháng chiến (cùng chiến đấu với liệt sĩ) đã lớn tuổi, trí nhớ giảm sút.

Thậm chí, người thân đa phần không nhớ (hoặc không biết) rõ thông tin về liệt sĩ và mộ liệt sĩ, nhất là thông tin về nơi chôn cất ban đầu của liệt sĩ. Mặt khác, việc tổ chức phát phiếu và hướng dẫn cho người ghi phiếu cung cấp thông tin liệt sĩ có nơi chưa chặt chẽ, còn số lượng phiếu khá lớn chưa thu hồi, không có thông tin hoặc ghi không đầy đủ, rõ ràng. Dù vậy, qua thời gian triển khai, đến nay, cấp tỉnh, huyện, xã đều đã kết luận địa bàn lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ theo phân cấp.

Trong tháng 11, Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia 515 tổ chức kiểm tra kết quả dữ liệu kết luận địa bàn, sản phẩm bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ các tỉnh, thành phố thuộc Quân khu 9, trong đó có An Giang. Đoàn công tác ghi nhận nỗ lực của các địa phương trong công tác lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, triển khai thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, đảm bảo đúng tiến độ; kết luận địa bàn lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ theo phân cấp.

Thượng tá Bùi Yên Tĩnh, Phó cục trưởng Cục Bản đồ (Bộ Tổng tham mưu, trưởng đoàn công tác) chia sẻ: “Lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là nhiệm vụ chung, nhiều cấp, ngành phải đồng hành cùng nhau. Đặc biệt, đây là công việc lâu dài, không phải ngày một ngày hai, mà là thực hiện đến lúc nào không còn thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ nữa mới thôi. Thực tế tại các địa phương, những thông tin này ngày càng ít, độ tin cậy càng thấp, phải kiểm tra chéo nhiều nơi. Thời gian càng lùi xa thì càng khó thu thập thông tin. Do đó, phải có quyết tâm chính trị, sự quyết liệt, sâu sát, nhất là ý chí của người lãnh đạo, chỉ huy. Cùng với đó, việc phối, kết hợp với các ban, ngành (trong đó có ngành lao động, thương binh và xã hội) rất quan trọng, góp phần vào hiệu quả chung. Nơi nào dễ, rõ, chúng ta tranh thủ làm trước”.

Theo đoàn kiểm tra Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia 515, An Giang là một trong 3 tỉnh trực thuộc Quân khu 9 hoàn thành sớm sản phẩm bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Đoàn công tác đã ký biên bản tiếp nhận hồ sơ, thực hiện các công việc tiếp theo. Địa phương tiếp tục hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Năm 2023, cần rà soát, xác minh, đối chiếu thông tin, làm công tác kết luận địa bàn.

GIA KHÁNH

 

Liên kết hữu ích