Tục thờ cúng Bàn Vương mang tính biểu tượng cho sự thống nhất về nguồn gốc của người Dao, thể hiện sự biết ơn tổ tiên. Lễ cúng Bàn Vương được tổ chức để cầu cho mưa thuận gió hòa, hoa màu tươi tốt, cho con cháu người Dao ấm no, hạnh phúc.
Lễ cúng Bàn Vương của người Dao Đỏ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia theo Quyết định số 779/QĐ-BVHTTDL ngày 4/4/2022.
Theo Cục Di sản Văn hóa, người Dao đỏ (xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) thường nhắc đến câu chuyện về vị vua Bình Vương yêu nước, thương dân. Vua có hộ vệ tên Bàn Hồ, một long khuyển mình dài ba thước, lông đen vằn vàng mượt như nhung.
Khi Cao Vương - vua nước láng giềng, đánh chiếm biên ải, gây cảnh lầm than cho dân chúng, Bình Vương cử nhiều binh hùng tướng mạnh đến trấn giữ biên ải nhưng không đánh đuổi được Cao Vương.
Trong lúc nguy cấp, Bàn Hồ hiến kế hay giúp Bình Vương đánh đuổi được Cao Vương, đem lại bình yên cho dân chúng.
Sau khi lập công, Bàn Hồ bỗng hóa thành chàng trai khôi ngô tuấn tú, được Bình Vương gả cho Tam công chúa. Họ sinh được 12 con (6 trai và 6 gái). Vua Bình Vương phong vương cho Bàn Hồ, lấy hiệu là Bàn Vương, ban sắc cho 12 người con của Bàn Vương mang 12 họ.
Các họ này chính là thủy tổ của các họ tộc người Dao hiện nay. Vào giờ xấu, Bàn Vương bị một con sơn dương dùng sừng đâm ngã và chết tại cây hù hương. Các con cháu Bàn Vương đã chặt cây gù hương làm thân trống, lột da sơn dương làm mặt trống tế lễ Bàn Vương.
Kể từ đó đến nay, qua nhiều thế hệ, con cháu người Dao nói chung và người Dao ở xã Hồ Thầu nói riêng đều tổ chức cúng tạ Bàn Vương để tưởng nhớ vị sư tổ anh hùng, giáo dục truyền thống về lòng dũng cảm, tự tin, cầu mong Bàn Vương che chở cho con cháu được bình an, may mắn.
Tùy vào mỗi ngành Dao mà thời gian thực hiện lễ cúng khác nhau nhưng nhìn chung tục cúng Bàn Vương cơ bản giống nhau. Người Dao đỏ 5 năm cúng một lần, nhưng có họ trong ngành Dao đỏ 9 năm cúng một lần, có dòng họ 12 năm cúng một lần. Người Dao áo dài ít khi cúng Bàn Vương trong lễ cúng riêng, mà thường cúng Bàn Vương trong các lễ làm chay, lễ cấp sắc hay cúng Tổ tiên.
Hằng năm, từ ngày 15 tháng Mười đến 30 tháng Chạp Âm lịch, con cháu người Dao đỏ lại thay phiên nhau làm Chủ lễ cúng tổ Bàn Vương. Người Dao đỏ tại xã Hồ Thầu thực hành nghi lễ phổ biến ở 2 hình thức: "Đàng Ton" - lễ cúng quy mô dòng họ và lễ cúng trong từng gia đình.
Nghi lễ "Đàng Ton" có 12 dòng họ tham gia, mỗi dòng họ cử ra 1 nam, 1 nữ đồng trinh dâng huơng và lễ cho Bàn Vương. Các dòng họ luân phiên làm Chủ lễ. Trường hợp bị thiên tai mất mùa hoặc điều kiện kinh tế gia đình gặp khó khăn, đồng bào làm lễ cúng nhỏ khất với Bàn Vương, năm sau mùa màng bội thu sẽ làm lễ cúng chính thức.
Thông thường, nếu có gia đình nào trong dòng họ nuôi được con lợn nái và chỉ đẻ ra một con lợn đực thì họ coi đó là con lợn của Bàn Vương (hay còn gọi là lợn thần) sẽ được cử làm Chủ lễ năm đó và có trách nhiệm chăm sóc đặc biệt cho lợn thần (nuôi ở chuồng riêng), đến cuối năm sẽ mổ cúng dâng Bàn Vương. Ngoài ra, lễ này được tổ chức đối với các dòng họ coi Bàn Vương là ông tổ của mình và tự tập hợp nhau lại tổ chức cúng theo truyền thống với thời gian diễn ra khá dài.
Lễ cúng Bàn Vương trong từng gia đình được tiến hành kết hợp trong các lễ cúng khác của gia đình như lễ cấp sắc, lễ cúng cơm mới, cúng vía lúa, làm chay… Phần nghi lễ không phải mời thầy cúng vì người đàn ông chủ nhà đều đã được làm lễ cấp sắc nên họ đủ khả năng thực hiện trong quy mô gia đình.
Ngoài ra, người Dao đỏ tổ chức cúng Bàn Vương khi gia đình gặp điều không may như: ốm đau, dịch bệnh, mất mùa... theo kiểu giải hạn, song hình thức này không nhiều.
Để tổ chức lễ cúng Bàn Vương, cần có các lễ vật như: 1 con lợn làm sạch để cả lòng, tiết; 1 con gà trống; 12 cặp bánh dày (gói lá chuối buộc từng cặp); 1 túm gạo được buộc bằng vải trắng (sài chiên); Giấy bản theo cúng bình thường và 7 siên (chìn shún) (được thầy cúng cắt hình và đục, dập theo hình hoặc khuôn chữ…); 2 chum rượu (1 cúng Bàn Vương, 1 cúng Tổ tiên và các vị Thần).
Đàn cúng tế Bàn Vương được lập bằng gỗ ở gian giữa nhà, bên cạnh bàn thờ tổ tiên. Trên đàn tế có trang trí giấy nhiều màu, tranh thờ, vải, nhiều đồ vật trang trí kết từ tre nứa…
Lễ cúng Bàn Vương trải qua 7 bước: mời Bàn Vương và thần linh về dự lễ; thổi tù và báo hiệu Bàn Vương đến nhận lễ; dâng hương, dâng lễ tạ ơn Bàn Vương; múa gọi nhờ thiên linh thổ địa nghênh đón Bàn Vương và Kể sơ lược tiểu sử, vóc dáng của Bàn Vương từ khi ra đời; múa gậy thể hiện Bàn Vương, các thần linh, thổ địa xuống đàn nhận lễ vật; ca hát vui cùng Bàn Vương ở đàn cúng; hóa vàng tiễn Bàn Vương về trời.
Sau khi cúng Bàn Vương, tất cả dân làng quây quần cùng nhau dự bữa cơm. Thầy cúng thổi tù và mời gọi Bàn Vương và các vị Thần linh về hưởng lễ, chứng minh lễ vật và lòng thành của 12 dòng họ dâng lên. Các thầy rung chuông tập hợp mọi người cúng vào múa chuông, múa gậy thể hiện sức mạnh đoàn kết đánh đuổi ngoại xâm và các nghi lễ xua đuổi tà ma xấu ác, đem lại bình yên may mắn cho con cháu.
Ngoài ra, sau nghi lễ, cộng đồng người Dao còn tổ chức trò chơi vật chày, một trò chơi mang màu sắc huyền bí nhưng cũng đem lại nhiều tiếng cười cho những người tham gia.
Lễ cúng Bàn Vương được tổ chức nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của người dân, đồng thời là dịp để mọi người gặp gỡ giao lưu, trao đổi tình cảm, tạo nên sự đoàn kết, gắn bó./.