Lễ Kỳ yên đình thần Bình Thủy

09/06/2022 - 18:40

 - Sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, năm nay, người dân trong và ngoài xã Bình Thủy (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) lại náo nức tham dự Lễ Kỳ yên đình thần Bình Thủy. Đây được xem là lễ hội văn hóa truyền thống lớn bậc nhất của vùng đất cù lao với nhiều nét độc đáo.

Xe diễu hành quanh cù lao Bình Thủy

Tưởng nhớ tiền nhân

Đầu thế kỷ XVII, các chúa Nguyễn đã xác lập chủ quyền trên mảnh đất Nam Bộ, các làng xã được hình thành. Đầu thế kỷ XVIII, thủy tộc họ Dương ở xã Bình Thủy là ông Dương Văn Hóa, từ miền Trung đến cù lao Năng Gù khai khẩn đất hoang, lập làng sinh sống. Năm 1783, triều đình phê đơn chấp thuận cho ông Dương Văn Hóa đặt tên vùng đất khai khẩn là Bình Lâm Thôn (xã Bình Thủy ngày nay) và phong cho ông chức Trùm Tri Thâu quản lý thôn. Khi Bình Lâm Thôn hình thành, nhận thấy nhu cầu tín ngưỡng tâm linh ở vùng đất mới là cần thiết, ông Dương Văn Hóa cùng người dân ở vùng đất cù lao lập nên ngôi đình thờ thần để dân làng hội họp, lễ bái, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, người dân no ấm.

“Ngày xưa, đình Bình Thủy được xây dựng đơn sơ trên khu đất trống cách vị trí ngôi đình hiện nay khoảng 1km, nhưng không may bị hỏa hoạn. Sau nhiều lần tu sửa, tôn tạo, đình Bình Thủy có diện mạo như hiện nay. Năm 2000, ngôi đình được UBND tỉnh công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Đáo lệ Kỳ yên hàng năm, người dân sinh sống trên địa bàn xã và bà con xa quê tề tựu về đây để lễ bái, cầu mong bình an. Tuy nhiên, 2 năm qua do dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng, chúng tôi chỉ tổ chức phần lễ đơn giản. Năm nay, dịch bệnh được kiểm soát, đại lễ được tổ chức long trọng để bà con đến cúng bái nên ai ai cũng vui mừng” - Trưởng ban Quý tế đình thần Bình Thủy Trần Văn Trừ thông tin.

Lễ Kỳ yên đình thần Bình Thủy diễn ra từ ngày 9 đến 11/5 (âm lịch) hàng năm. Khi lá “Thần kỳ” thêu 4 chữ “Thiên hạ thái bình” tung bay trên kỳ đài trước sân đình Bình Thủy, báo hiệu ngày trọng đại của thôn làng, các nghi thức: Nghinh thần, cúng thần nông, túc yết, xây chầu… được long trọng tổ chức. Có thể nói, trong các hoạt động của lễ Kỳ yên, nghi thức thỉnh Sắc thần diễu hành quanh xã cù lao là nghi thức được người dân mong chờ nhất.

Vào sáng 9/5 (âm lịch), đoàn xe thỉnh Sắc thần được dẫn đầu bởi xe lân sư rộn ràng chiêng, trống, tiếp đến là xe “Thần du vãng cảnh” trang hoàng lộng lẫy chở Sắc thần cùng Ban Quý tế mặc áo dài khăn đóng chỉnh tề đứng hầu, theo sau là đoàn xe hoa và đông đảo người dân tháp tùng tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ bậc tiền nhân có công khai phá rừng rậm, lập làng Bình Thủy.

Các đội thuyền tranh tài sôi nổi tại Lễ Kỳ yên đình thần Bình Thủy

Khôi phục các hoạt động

Lễ Kỳ yên đình thần Bình Thủy vốn được xem là lễ hội văn hóa truyền thống lớn bậc nhất của xã cù lao, thu hút đông đảo người dân tham gia. Trong khuôn khổ Lễ Kỳ yên đình thần Bình Thủy, hoạt động đua thuyền truyền thống góp phần không nhỏ tạo nên nét đặc sắc cho lễ hội. Từ một sân chơi “hội làng”, ngày nay giải đua thuyền trên xép Năng Gù diễn ra nhân Lễ Kỳ yên đình thần Bình Thủy dần phát triển thành sự kiện thể thao thu hút nhiều đội thuyền tham gia. Sau 2 năm tạm lắng do dịch bệnh, năm nay, giải đua thuyền trở nên hoành tráng, sôi nổi hơn khi có hơn 40 đội thuyền tham gia tranh tài. Như thông lệ hàng năm, giải đua thuyền diễn ra sau phần lễ nghinh thần, với sự cổ vũ của hàng ngàn người dân xã Bình Thủy, Bình Mỹ và khách tham quan đứng dày đặc 2 bên bờ xép Năng Gù.

Có mặt từ rất sớm tại khu vực đình Bình Thủy để cổ vũ các đội đua thuyền, ông Nguyễn Văn Phương (ngụ xã Bình Thủy) chia sẻ: “Khi hay tin lễ cúng đình năm nay tổ chức lớn, có đua thuyền, người dân xóm tôi ai cũng nôn nao chờ đợi, bởi nhiều năm qua, chúng tôi đã xem đua thuyền là hoạt động truyền thống, tạo điều kiện cho người dân trong và ngoài xã vui chơi khuây khỏa sau những tháng ngày lao động mệt nhọc”.

Cùng tâm trạng phấn khởi khi cổ vũ các đội đua thuyền, anh Thái Thanh Tâm (ngụ quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) cho biết: “Mấy năm trước, tôi đã nghe nói đến Lễ Kỳ yên đình thần Bình Thủy, nhìn thấy một số hình ảnh náo nhiệt lễ hội tại đây nên rất muốn đến xem nhưng sau đó dịch bệnh diễn ra. Năm nay, tôi đã được trải nghiệm không khí lễ hội, được xem đua thuyền và đã ghi lại nhiều hình ảnh để làm kỷ niệm”.

Cũng như giải đua thuyền, nhiều năm qua, chơi cờ tướng đã trở thành môn thi đấu không thể thiếu vào dịp Lễ Kỳ yên đình thần Bình Thủy, bởi đây là trò chơi bổ ích, rèn luyện tư duy và sự tập trung. Nếu đua thuyền tạo nên những màn tranh tài kịch liệt của các thanh niên thì giải thi đấu cờ tướng diễn ra tại Lễ Kỳ yên đình thần Bình Thủy là màn đấu trí của những người trung niên, cao tuổi. Cuộc thi đấu của các “kỳ thủ” chỉ diễn ra trong yên lặng, nhưng quy tụ đông đảo người xem…

MỸ LINH